Thượng tá Trung đến bên bàn giám đốc lấy một tờ giấy. Giám đốc Thiều cũng ra lấy một tờ giấy nhỏ viết. Sau đó hai người xòe cho nhau xem và cười phá lên. Hóa ra tờ giấy của Thượng tá Trung thì viết “Vụ án Phạm Bình”, còn của Đại tá Thiều thì lại viết “Tôi lo vụ Phạm Bình”.
Giám đốc Trần Thiều đang ngồi trong phòng làm việc. Trước mặt ông là một tệp tài liệu liên quan đến vụ án của Phạm ... |
Nói xong, Quyến phóng xe vụt đi. Chung vào nhà, mở mảnh giấy ra xem thì thấy vẻn vẹn có một dãy số điện thoại. ... |
Sáng hôm sau, sư thầy Thích Trí Thiện đang ngồi tụng kinh như thường lệ thì có hai trinh sát hình sự đến. Nhìn khuôn ... |
Giám đốc Thiều mỉm cười và nói:
- Thế cậu cũng muốn gặp tôi ư? chắc có việc gì?
Rồi ông bật cười và bảo:
- Hay thôi, tôi với cậu học Khổng Minh và Chu Du đi, mỗi người viết ra giấy độ khoảng năm từ xem là đang nghĩ gì nhé?
Thấy cũng hay hay, Thượng tá Trung nói:
- Em nhất trí.
Thế rồi Thượng tá Trung đến bên bàn giám đốc lấy một tờ giấy. Giám đốc Thiều cũng ra lấy một tờ giấy nhỏ viết. Sau đó hai người xòe cho nhau xem và cười phá lên. Hóa ra tờ giấy của Thượng tá Trung thì viết “Vụ án Phạm Bình”, còn của Đại tá Thiều thì lại viết “Tôi lo vụ Phạm Bình”.
Giám đốc mỉm cười, nhưng nét mặt lại nghiêm lại ngay. Ông nói:
- Như vậy hai chúng ta chung một suy nghĩ. Thế này là rất hay đây. Bây giờ tôi muốn nghe cậu nói, cậu băn khoăn gì về vụ Phạm Bình.
Thượng tá Trung bảo:
- Thật ra vụ án này theo em có rất nhiều uẩn khúc. Vừa rồi em cũng đã bí mật cho một vài anh em trinh sát đi tìm hiểu thông tin. Bây giờ xâu chuỗi lại, nó liên quan đến hai người.
Đại tá Thiều nói ngay:
- Có phải liên quan đến Lê Văn Trương, con ông Sâm đúng không?
Trung gật đầu.
Đại tá Thiều hỏi tiếp:
- Thế còn người thứ hai?
Đại tá Trung nói:
- Báo cáo anh, người thứ hai chính là anh Hường nhà mình.
Đại tá Thiều khẽ thở dài rồi thốt lên:
- Trời ạ. Sao suy nghĩ của cậu với của tôi lại trùng hợp nhau đến thế. Tôi cũng đang nghĩ về hai người này. Điều tôi lo bây giờ là chúng ta phải tìm ra điểm đột phá của vụ án này. Trước hết, tôi giao cho cậu hai nhiệm vụ. Thứ nhất là phải khẩn cấp tìm cho ra thủ phạm sát hại cô Thúy Vy. Theo suy nghĩ của tôi, rất có thể chính những kẻ đã xúi giục, mua chuộc hoặc khống chế cô ta ra làm nhân chứng về mối tình tay ba giữa cô ta với Bình, Hoàng đã ra tay giết hại cô ta vì sợ cô ta sẽ khai ra sự thật, hoặc vì một lý do gì khác nữa. Thứ hai là phải tìm cho ra bằng được Phạm Bình và phải có kế bảo vệ cậu ta. Tôi cam đoan với cậu là trong lúc chúng ta đang đi tìm Phạm Bình để bắt hắn trở về trại thì cũng sẽ có bọn đang lùng Phạm Bình và chúng sẽ tìm cách hạ thủ.
Thượng tá Trung nói:
- Báo cáo anh, đúng vậy ạ. Chỉ có điều là em không hiểu tại sao trong vụ này anh Hường lại có những việc làm rất lộ. Anh em cũng vừa báo cáo cho em biết rằng, vừa rồi tay Trương đã đổ cho anh Hường gần năm trăm mét khối đất vào khu vườn của anh ấy để trồng cây. Nhưng ngoài ra, nó còn biếu anh ấy khá nhiều tiền. Và đặc biệt là gần đây anh Hường đã đi chơi bời với chúng nó đến một số quán bar.
Đại tá Thiều thừ người ra rồi bảo:
- Lại thế nữa.
Rồi Đại tá Thiều nói:
- Hôm kia tôi lên Bộ họp. Đồng chí Thứ trưởng phụ trách khối cảnh sát có lưu ý tôi rằng phải để mắt đến thằng Trương. Đồng chí nói sẽ cử cán bộ về đây làm việc trực tiếp với công an tỉnh. Thằng Trương cầm đầu một băng đâm thuê chém mướn và đặc biệt là có hai thằng sát thủ rất ghê là Tâm và Liễu. Hai thằng này đều là những đối tượng có tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt.
Thượng tá Trung nói:
- Hai tên này chúng em biết. Mà không chỉ có hai tên này đâu, còn nhiều nữa đấy.
Ông Thiều nói:
- Có một điều lạ là tại sao nó ở đây mà lại vươn tay lên tận Hà Nội. Công an Hà Nội cũng đang đặt vấn đề là vừa rồi có mấy vụ đâm chém nhau do đòi nợ thuê là cũng có bàn tay của chúng nó. Nhưng điều này chúng ta phải đặt câu hỏi. Đó là thằng Trương làm cái gì ra tiền để có một cơ ngơi như thế? Theo như tính toán của một số người thì cơ ngơi của thằng Trương bây giờ có lẽ phải cả ngàn tỉ. Riêng cây cảnh trong vườn, có cây trị giá tỉ rưỡi. Còn cây cỡ độ dăm ba trăm triệu thì nhiều vô kể. Mà anh có nhớ trước đây, công ty nó vào loại làm ăn không ra gì.
Trung nói:
- Anh ơi, chúng nó làm kinh tế bây giờ lạ lắm. Nhiều khi nó cứ vẽ ra công ty thế thôi, chứ thực ra công ty có làm ăn ra gì đâu. Cái chính là nó dựa thế ông già, bóp nặn các doanh nghiệp, mua đất chỗ nọ bán chỗ kia, mua rẻ bán đắt nhà cửa, chung cư, buôn bán ngoại tệ, cho vay nặng lãi.
Đại tá Thiều thừ người ra rồi bảo:
- Nếu thế này thì gay. Mà tôi cũng không hiểu bên an ninh kinh tế, bên cảnh sát kinh tế, công tác nghiệp vụ cơ bản dạo này làm ăn như thế nào. Hàng loạt vụ đổ bể tín dụng, các doanh nghiệp lừa đảo ở tỉnh mình xảy ra vừa rồi, các trinh sát không hề có được thông tin gì. Báo cáo năm nào cũng như hát hay ấy. Vậy thì công tác trinh sát công an để đâu? Công tác nghiệp vụ cơ bản để ở đâu? Tại sao họ làm ăn như thế mà ta không phát hiện ra từ đầu.
Thượng tá Trung nói:
- Em nói điều này anh đừng buồn. Gần như bây giờ những cán bộ công an chúng ta cử theo dõi, phụ trách các địa bàn kinh tế thì chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày là trở thành công cụ của doanh nghiệp. Anh em công an được họ cho nhà, cho đất, thậm chí cho cả ôtô. Anh cứ nhìn mà xem. Như ở Phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh mình ấy, hôm nọ thống kê ra thì sáu anh có con đi học ở Mỹ và Úc, thế rồi bốn người có con đi học ở Singapore, mười sáu cán bộ có ôtô riêng. Anh bảo nếu như cứ làm ăn bình thường, tử tế thì đào đâu ra. Vậy họ làm giàu kiểu gì? Họ cho con đi học kiểu gì? Cậu Tiên phó phòng ấy. Con học thì dốt. Ai cũng biết thằng ấy hư đốn như thế nào. Ấy thế mà rồi cũng lại đi học ở Mỹ. Cán bộ mình với đồng lương này thì ăn đủ no đã là may rồi, đào đâu ra tiền để cho con đi học.
Rồi Trung nói tiếp với vẻ bức xúc:
- Em nói thật với anh, cứ nói rằng chống tham nhũng. Chống kiểu này thì có mà muôn đời chẳng chống được. Chống tham nhũng mà không dám truy nguyên nguồn gốc tài sản thì chống thế nào? Người Việt Nam mình vốn là dân duy tình. Tài sản có thì nhờ người khác đứng tên hộ, ai biết đấy mà lần. Anh thấy đấy, năm nào cán bộ mình chẳng khai có tài sản nọ, tài sản kia. Nhưng mà khai cũng là khai thôi, chứ còn thực chất như thế nào chẳng ai biết và cũng chẳng có cơ quan nào truy đến cùng họ lấy đâu ra tiền để mua đất nhiều như thế, lấy đâu ra tiền cho con đi học, lấy đâu ra tiền mua ôtô?
Đại tá Thiều thở dài và nói:
- Thôi, thôi. Cậu đừng nói đến vấn đề chống tham nhũng nữa. Nói chỉ thêm nhức đầu. Bây giờ trở lại việc của Phạm Bình. Như vậy là ý của tôi và cậu trùng nhau ở một điểm, đó là vụ án này có quá nhiều khuất tất. Vậy bây giờ tôi xin nêu một giả thiết như thế này nhé. Thứ nhất, xuất phát từ mâu thuẫn giữa thằng Trương và Phạm Bình về chuyện thằng Trương muốn mua lại 20ha đất của Phạm Bình nhưng Phạm Bình không đồng ý nên sinh ra mâu thuẫn. Việc thằng Hoàng rút súng đe dọa Phạm Bình là có thật. Việc thằng Bình chửi bới, uống rượu say rồi đe dọa giết Hoàng là có thật. Chỉ có điều là chuyện giết Hoàng là không có thật. Cứ nói rằng Phạm Bình giỏi võ nghệ lắm. Thực ra cũng chỉ là khá thôi, giết được thằng Hoàng dễ dàng như vậy thì tôi không tin. Hơn nữa, trong lời khai của Phạm Bình có một điều này mà tôi thấy cơ quan điều tra gần như bỏ ra ngoài, đó là chuyện Phạm Bình khai tối hôm đó đi uống rượu ở quán Hương Sen. Tại sao không làm rõ Phạm Bình uống rượu từ giờ nào đến giờ nào, trong tình trạng say hay không say và Phạm Bình đi như thế nào? Đấy là một việc. Việc thứ hai là cô Vy. Phạm Bình là một người giàu, chuyện trước đây có gái gú này khác thì cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng chưa ai nghe thấy nói về chuyện Phạm Bình có quan hệ với cô Vy này trước đây cả. Cô này cứ như là mọc ở đâu ra. Và bây giờ cô ta bị giết. Đây là một điều vô lý. Việc thứ ba, Phạm Bình vào giam như thế và chỉ trong vòng vài tháng trời mà công ty gần như chuyển giao từ tay Phạm Bình sang tay thằng Trương. Con vợ nó bán hết cổ phần, cổ phiếu cho thằng Trương và đi cùng thằng Quynh. Nghe nói vào Sài Gòn rồi. Con cái thì trả lại cho gia đình thằng Bình nuôi. Vậy tại sao chúng ta không đặt ra một sợi dây xích gồm có Trương, Hoàng, Quynh và vợ Phạm Bình.
Thượng tá Trung tươi nét mặt và nói:
- Em cũng có những suy nghĩ như anh. Em nói thì có thể anh không tin nhưng đây, em đưa cho anh xem những điều em đã viết trong này. Em định viết thư gửi anh.
Nói xong, Trung mở cặp lấy ra một tập giấy. Đó là tập giấy viết tay. Ở trên có đề chữ nắn nót “Kính gửi anh Trần Thiều, Giám đốc Công an tỉnh”.
Giám đốc Trần Thiều cầm tập giấy Trung đưa cho đọc rồi bảo:
- Tại sao cậu lại viết cho tớ thế này?
Trung nói:
- Em viết cho anh thế này là muốn giãi bày những suy nghĩ của em, chứ không phải viết báo cáo gửi cho Giám đốc.
Đại tá Thiều gật đầu và nói:
- Thôi, tớ chẳng xem nữa. Nếu như những suy nghĩ của tớ và cậu đã trùng nhau thì cậu nên tính đi.
Thượng tá Trung nói:
- Báo cáo anh, em hiểu. Em sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của anh.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân