Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 100)

Giám đốc Trần Thiều đang ngồi trong phòng làm việc. Trước mặt ông là một tệp tài liệu liên quan đến vụ án của Phạm Bình. Nét mặt ông lộ rõ vẻ băn khoăn và có điều gì đó bất an.

dac biet nguy hiem ky 100 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 99)

Nói xong, Quyến phóng xe vụt đi. Chung vào nhà, mở mảnh giấy ra xem thì thấy vẻn vẹn có một dãy số điện thoại. ...

dac biet nguy hiem ky 100 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 98)

Sáng hôm sau, sư thầy Thích Trí Thiện đang ngồi tụng kinh như thường lệ thì có hai trinh sát hình sự đến. Nhìn khuôn ...

dac biet nguy hiem ky 100 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 97)

Tối hôm đó, khoảng chín giờ tối, Quyến đi xe máy đến và chở Bình đi luôn. Hai người vào một ngôi nhà nằm trong ...

Thúy nói:

- Thế cũng được. Vậy từ hôm nay tôi sẽ làm đơn xin thôi việc.

Câu nói của Thúy ném ra, tất cả mọi người sững sờ.

Tổng biên tập Tuân ngạc nhiên nói:

- Cô Thúy, cô có vội vàng quá không đấy?

Thúy nói:

- Không. Tôi không vội vàng. Tôi muốn biết đến tận cùng của một sự thật.

Tổng biên tập Tuân sững sờ và nói:

- Tôi đề nghị thế này, cô Thúy cứ về suy nghĩ đi. Tuần sau, nếu quyết định xin thôi việc để cô đi điều tra vụ này, khỏi ảnh hưởng đến cơ quan thì cô làm đơn.

Thúy nói:

- Thế cũng được.

Nói xong, Thúy đứng dậy, bỏ ra ngoài luôn. Cuộc họp trở nên nặng nề.

Trưởng phòng Hoan nói:

- Quái lạ, bà này điên rồi hay sao?

Tuân ngạc nhiên và hỏi lại:

- Tại sao lại có chuyện thế này? Theo tôi biết thì giữa Phạm Bình và cô Thúy hầu như không có quan hệ.

dac biet nguy hiem ky 100

Một phóng viên nói:

- Các anh chẳng hiểu gì về chị Thúy cả. Từ trước đến nay, tất cả ác vụ điều tra ở báo này hầu hết là chị ấy làm. Chị ấy đã bao giờ từ chối việc gì đâu. Tất cả những vụ án kinh tế ở tỉnh này, mà sau này cơ quan Công an Điều tra ra cũng đều từ chị ấy. Đấy là một nhà báo mà tôi rất kính trọng và tôi ước mơ được học tập chị ấy.

Ông Tuân nổi nóng:

- Tốt thôi. Nếu anh thích dấn thân thì anh đi luôn theo cô ấy.

Anh phóng viên đứng lên và bảo:

- Điều này thì Tổng biên tập chẳng phải nói. Có lẽ tuần tới tôi cũng xin sang một tờ báo khác. Tỉnh mình hiện nay đang có bảy, tám cơ quan đại diện của các báo. Họ cũng đang muốn chúng tôi về làm. Tôi tin rằng khi chị Thúy đã nói như vậy thì chắc chắn là đã có tờ báo khác mời chị ấy về làm.

Nói xong, anh phóng viên cũng bỏ ra ngoài luôn.

Tổng biên tập Tuân ngồi thừ người ra và nói:

- Đến như thế này thì không hiểu ra làm sao nữa.

Một Phó tổng biên tập nói luôn:

- Báo cáo anh, cũng đã đến lúc chúng ta cần phải sòng phẳng với nhau. Bấy lâu nay vì miếng cơm manh áo mà không ai nói những sự thật ở báo của chúng ta. Nhưng hôm nay đã đến như thế này, tôi đề nghị Ban Biên tập và Chi bộ Đảng nên tổ chức một cuộc họp. Chúng ta đặt lên bàn tất cả những câu hỏi cần giải đáp. Đó là tại sao số lượng tờ báo lại sụt giảm đến như vậy. Nếu như hai năm trước, số lượng tờ báo của chúng ta là bốn vạn bản, thì bây giờ còn không đầy một vạn. Nếu như những năm trước, doanh thu quảng cáo của chúng ta một năm là hơn chục tỷ thì năm nay liệu còn một tỷ không? Trong khi đó, người thì đông thêm, số lượng báo thì giảm. Tờ báo điện tử của chúng ta xếp hàng thứ bao nhiêu? Các anh quá biết rồi đấy. Mỗi ngày không đến năm trăm người truy cập thì là loại tờ báo gì? Thế rồi tình hình phóng viên như vậy nữa? Mà đâu phải bây giờ mới có mình chị Thúy tuyên bố xin thôi việc. Trong hai năm qua, đã có bốn phóng viên và hai cán bộ xin chuyển công tác, xin thôi việc. Họ chỉ nói những lý do hết sức nhẹ nhàng, là không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu hoặc là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng thật ra, tôi biết họ đã chán ngấy tòa soạn mình rồi. Cho nên tôi đề nghị chúng ta cần phải có một cuộc họp để mổ xẻ, phân tích tất cả những yếu kém của báo chúng ta. Chứ còn cứ để như thế này, một tình trạng chúng ta tự vẽ ra những vinh quang giả tạo để rồi bằng lòng với nhau thì sẽ đến ngày tờ báo sập, không còn có người đọc nữa đâu.

Tổng biên tập Tuân cười nhạt rồi bảo:

- Hay thật. Tôi thấy các đồng chí rất lạ. Tuần nào Ban Biên tập cũng họp giao ban, nhưng các đồng chí không nói. Năm nào cũng họp kiểm điểm công tác hai lần. Sáu tháng đầu năm, rồi công tác cả năm. Các đồng chí không nói. Cứ lẳng lặng như thế, rồi đánh đùng một cái các đồng chí nói như vậy nghĩa là ở cơ quan này không có dân chủ, không có kỷ cương. Và hình như mọi việc là tôi độc đoán, chuyên quyền quyết hết. Cho nên bây giờ dẫn đến tình trạng này phải không?

Anh Phó tổng biên tập nói tiếp:

- Báo cáo anh, nếu nói về dân chủ ở cơ quan này thì quả thật đó là chuyện phù phiếm. Làm gì có dân chủ. Tất cả những phóng viên phản đối anh, không đồng tình với anh đều có những hậu quả và kết cục không tốt đẹp. Nhưng thôi, dẫn chứng ra bây giờ thì rất dài. Tôi đề nghị trong tuần này, hoặc cùng lắm là tuần sau chúng ta nên tổ chức sinh hoạt chi bộ mở rộng. Tôi đề nghị tất cả đảng viên và các cán bộ chủ chốt và kể cả trưởng ban chuyên môn chưa phải là đảng viên cũng đều dự họp. Và nếu cần, tôi nghĩ rằng nên mời lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa của tỉnh xuống dự họp.

Ông Tuân mím môi lại nói cương quyết:

- Việc họp hay không tôi sẽ quyết, còn không việc gì phải mời Ban Tư tưởng- Văn hóa xuống cả. Việc của chúng ta chúng ta làm, tại sao cái gì các anh cũng mang Ban Tư tưởng - Văn hóa ra đây là thế nào?

Anh Phó tổng biên tập cũng bật dậy và nói:

- Sở dĩ tôi muốn đề nghị anh mời Ban Tư tưởng - Văn hóa là vì Ban là cơ quan quản lý chúng ta về định hướng tuyên truyền và về công tác tư tưởng. Hồi anh được đề bạt làm Tổng biên tập, không có Ban Tư tưởng - Văn hóa thì ai đề bạt anh?

Ông Tuân thừ người ra. Rồi bỗng cười khẩy và bảo:

- Tôi có cảm giác hình như hôm nay các anh, các chị muốn làm đảo chính thì phải?

Phó tổng biên tập nói luôn:

- Anh nghĩ thế là sai rồi. Chẳng ai muốn làm đảo chính cả. Cứ mỗi lần có khúc mắc gì, những người không bằng lòng với anh là anh lại nói từ “đảo chính”. Đây là từ của anh mà tôi nghe được rất nhiều lần. Anh cứ tự vẽ ra ma để dọa mình.

***

Tại phòng họp của Giám đốc Trần Thiều.

Ông Thiều nói gay gắt với Trưởng phòng Cảnh sát hình sự và Đại tá Hường:

- Tôi không hiểu các anh làm ăn như thế nào. Các anh bảo mấy ngày là bắt được nhưng bây giờ đã bốn hôm rồi mà không có chút thông tin gì về Phạm Bình. Thế là thế nào? Trinh sát các anh làm ăn thế nào kỳ quặc thế? Đi ngoại tuyến nhà người ta mà đến nỗi để người ta phát hiện ra, người ta ra mời vào nhà. Tôi chẳng thấy có thứ trinh sát nào làm ăn kỳ quặc đến như vậy. Làm công an như thế thì làm làm gì.

Thượng tá Trung nói:

- Báo cáo anh, đúng là anh em nghiệp vụ non kém quá. Nhưng cũng mong anh thể tất cho. Và cũng hiểu cho tình hình Phạm Bình đã từng ở tù lâu năm, cho nên hắn rất hiểu về công an và các biện pháp của cơ quan công an. Ngày xưa, nó là con nuôi ông Can bao nhiêu năm. Anh còn lạ gì nữa.

Đại tá Thiều nói:

- Các anh giải thích như thế không ổn. Vậy công tác nghiệp vụ cơ bản của các anh để đâu? Mạng lưới cơ sở đặc tình của các anh để đâu mà đến bây giờ một thằng trốn ra như thế mà không hề có chút thông tin gì, dù là nhỏ nhất. Điều duy nhất các anh thông báo được cho tôi biết là vẻ mặt tươi vui, hớn hở của cô Kim Chung và em gái Phạm Bình. Như vậy chứng tỏ họ rất vui khi Phạm Bình trốn thoát. Biết đâu họ rất vui vì họ được nghe giọng nói của Phạm Bình. Và chưa biết chừng họ đã gặp nhau...

Đại tá Hường nói chắc chắn:

- Báo cáo anh, chuyện Phạm Bình đã gặp gia đình thì chắc chắn là không rồi.

Ông Thiều cười nhạt và bảo:

- Về lý thuyết thì có thể như vậy, nhưng tôi thì linh cảm rằng Phạm Bình đã gặp được gia đình rồi đấy, ít nhất là qua điện thoại.

***

Giám đốc Trần Thiều đang ngồi trong phòng làm việc. Trước mặt ông là một tệp tài liệu liên quan đến vụ án của Phạm Bình. Nét mặt ông lộ rõ vẻ băn khoăn và có điều gì đó bất an. Có tiếng chuông điện thoại. Ông nhìn số máy và nhận ra số máy của Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Thượng tá Trung.

Ông nhấc máy:

- Trung đấy à? Anh nghe đây.

Trung nói:

- Báo cáo anh, anh có rảnh không ạ?

Đại tá Thiều nói:

- Rỗi thì cũng chẳng rảnh lắm, mà bận thì cũng không đến nỗi.

Trung ngạc nhiên và bảo:

- Anh nói như thế là em có thể sang gặp anh được chứ ạ?

Đại tá Thiều nói:

- Ừ. Cậu sang đây. Tớ cũng đang có việc định hỏi cậu đây.

Một lát sau, Thượng tá Trung tới. Trung vừa định ngồi vào ghế ở trước bàn làm việc của Giám đốc thì ông xua tay, chỉ Trung ra bàn nước. Rồi ông tự tay pha nước.

Trung nói:

- Anh để em.

Đại tá Thiều nói:

- Không. Cậu để tớ. Nhiều lúc tớ rất thích tự pha trà lấy. Bởi vì nó cũng tạo cho mình sự thong thả, chậm chạp, bình tĩnh lại một chút.

Trung nhìn Giám đốc có vẻ thông cảm và bảo:

- Thế có nghĩa là hôm nay anh đang muốn có sự thong thả, từ từ đây.

Thế rồi, Trung bỗng nhìn như xoáy vào Giám đốc và nói:

- Anh bảo anh cũng đang có việc muốn gặp em. Không biết có việc gì nhỉ?

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân