Một học sinh cấp 3 đi học bằng xe máy không có gương chiếu hậu bị CSGT dừng xe lập biên bản. Cô bé gọi điện cho bố biết. Ông bố hùng hổ đến châm lửa đốt xe. Vậy hành vi này của vị phụ huynh có bị xử lý?
Thông tin với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Công an huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ngày 14/3, tổ công tác Đội CSGT Sơn Dương gồm: 3 cán bộ, chiến sỹ do Trung tá Nguyễn Việt Cường, Phó đội trưởng Đội CSGT Sơn Dương làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường huyện ĐH3 Thiện Kế - Ninh Lai phát hiện em Lê Thị Th. (SN 2000) điều khiển xe gắn máy 22SA - 010.54 loại xe 50 phân khối, không có gương chiếu hậu đã dừng xe, kiểm tra xử lý.
Tuy nhiên, học sinh Th. không mang theo giấy tờ xe, tổ công tác lập biên bản xử phạt. Th. trình bày xe có giấy tờ nhưng để ở nhà, và gọi người nhà mang ra.
Chiếc xe bị đốt cháy
Khi bố Th. là Lê Kim H. (SN 1981, trú tại Hội Tân, Ninh Lai, Sơn Dương) mang giấy tờ ra, tổ công tác đã tiến hành xử phạt Th. lỗi đi xe không có gương chiếu hậu, vì chưa đủ tuổi nên chỉ cần nộp phạt 50% mức phạt của người lớn, số tiền là 45.000 đồng.
Nhưng ông H. (bố em Th.) đã không đồng ý và đề nghị lực lượng chức năng không xử lý với thái độ "đã xin là phải cho". Khi tổ công tác kiên quyết xử lý theo quy định để mang tính răn đe, giáo dục các em học sinh, ông H. đã dọa không cho xin sẽ "đốt xe, không cần nữa".
Tổ công tác đã can ngăn và gọi hỗ trợ từ Công an xã Ninh Lai. Tuy nhiên sau đó ông H. đã đốt xe.
Tổ công tác đã tiến hành chữa cháy nhưng bất thành. Sau đó, vụ việc được công an địa phương tiến hành điều tra làm rõ.
Thông tin thêm về vụ việc, Thượng tá Trung cho biết, Công an huyện Sơn Dương đã xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật và mang tính chất tuyên truyền răn đe giáo dục là chủ yếu. Tổ công tác chỉ xử phạt người điều khiển phương tiện xe máy và không tạm giữ phương tiện.
“Cơ quan công an không xử lý hành vi đốt xe của anh H. vì công an chỉ xử lý vi phạm hành chính chứ không tạm giữ xe. Nếu công an tạm giữ phương tiện mà ông H. đốt xe thì mới có căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, vụ việc đốt xe gây phản cảm và không mang tính chất giáo dục...”, Thượng tá Trung chia sẻ thêm.
Nhìn nhận thêm về câu chuyện một số người sau khi vi phạm giao thông, xin bỏ qua lỗi không được liền đốt xe, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nên họ có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu. Tuy nhiên, điều quan trọng là những việc làm đó được thực hiện trong hoàn cảnh nào, ở đâu và có làm ảnh hưởng đến người khác không.
Nếu người vi phạm đốt xe ở nơi công cộng thì có thể xem xét xử lý ở hành vi gây rối trật tự công cộng và bị xem xét xử lý theo Nghị định 167, nếu gậy hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét xử lý hình sự.
Nếu phương tiện bị đốt không phải của mình thì có dấu hiệu tội Hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015.
Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Con trai vi phạm giao thông, phụ huynh tới đốt xe trước mặt CSGT
Một vị phụ huynh khi được gọi tới “cứu” cậu con trai là học sinh cấp 3 lái xe máy vi phạm giao thông bị ... |
CSGT gọi xe cẩu đưa về nơi tạm giữ, chủ xe vi phạm phải trả phí 18 triệu đồng
Chủ phương tiện vi phạm giao thông ở Hà Nội đã phải trả phí cẩu xe tới 18 triệu đồng cho đoạn đường chưa tới ... |