Con hổ Leng (Kỳ 24)

Mỗi khi được xoa đầu con Leng, được nó thè cái lưỡi ram ráp liếm vào bàn tay, Phú lại thấy như đang chìm vào một niềm hạnh phúc mới mẻ mà trước đây anh chưa từng cảm nhận được.

con ho leng ky 24 Con hổ Leng (Kỳ 22)
con ho leng ky 24 Con hổ Leng (Kỳ 21)
con ho leng ky 24 Con hổ Leng (Kỳ 20)

Nói xong, ông Tài bỏ về luôn. Mọi người ngơ ngẩn không biết nói gì nữa. Mãi lâu sau, Tú mới cười nhạt: “Ông này ghê nhỉ, lại định thách thức cả chính quyền. Ông dọa thôi việc mà tưởng chúng tôi sợ à? Ðang có đợt giảm biên chế đây. Bớt được người nào hay người đấy”.

Một anh nhân viên kiểm lâm còn trẻ măng, người dân tộc Thái là Vương Văn Phú đứng lên rụt rè nói: “Thưa chú Tú, thưa các anh! Cháu thì mới vào kiểm lâm được hơn một năm, về chuyện bác Tài nuôi con hổ, cháu xin phép được nói thế này: Bác Tài là người kiểm lâm được nhân dân Mường Mun yêu quý lắm, bởi bác ấy đã sống ở đây từ năm 1959, trước là công an vũ trang bộ đội Mường Mun. Việc bác Tài yêu quý rừng, giữ rừng như thế nào thì tất cả các chú, các anh đều biết cả. Bây giờ bác ấy nuôi con hổ cũng là vì mẹ nó bị anh em kiểm lâm mình bắn chết, cháu nghĩ, nếu chờ bác ấy nuôi nó lớn mà lại thu con hổ về thì cả lý lẫn tình đều không được. Bác ấy thương con hổ như thương con mình, bây giờ lại bắt con người ta mang đi thì ai chịu được”.

Trưởng phòng Tú ngắt lời: “Này cậu, vậy lấy cái gì đảm bảo rằng ông ấy không nuôi con hổ này cho nó lớn rồi ông ấy giết thịt nấu cao, hay bán cho bọn nào đó?”. Vương Văn Phú nói luôn: “Với ai thì có thể xảy ra chuyện giết hổ nấu cao. Nhưng với bác Tài, tôi cam đoan không thể có chuyện đấy”. Tú xua tay: “Thôi thôi, cậu còn trẻ người non dạ, hiểu gì sự đời. Tôi, 25 năm làm kiểm lâm đây. Tôi quá biết những người gọi là yêu thú. Chẳng qua là họ cứ lợi dụng các quy định của pháp luật mình còn hở, nên họ tìm cách lách luật và dưới cái chiêu bài chăm sóc. Tôi hỏi cậu nhé: Bây giờ con hổ nó còn nhỏ, nuôi còn dễ, ngày nó ăn vài lạng thịt. Thì cứ cho là một con gà đi. Nhưng khi nó lớn, thì ai nuôi được nó đây. Theo tôi biết, để nuôi một con hổ trưởng thành, nặng 100kg, một ngày không dưới 7kg thịt bò hoặc thịt lợn. Số thịt ấy là bằng của một bếp ăn của gần 100 người đấy… Ðại gia, giàu nứt đố đổ vách nuôi còn khó, huống chi người nghèo kiết xác như ông Tài”. Nghe Tú nói vậy, Phú nổi cáu: “Tôi đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo, bỏ ngay cái ý định chờ ông Tài nuôi con hổ lớn rồi thu lại, nếu các đồng chí làm việc đấy, tôi sẽ là người phản đối tới cùng”. Trưởng phòng Tú bằng cặp mắt tò mò nhìn Phú rồi bảo: “Thằng này hay nhỉ. Không biết mày là con cái nhà ai mà mày nói với chúng tao bằng cái giọng cứ như là lãnh đạo xuống giao nhiệm vụ ấy. Tao nói cho mày biết, mày mới có tí tuổi biết cái gì. Cho nên tốt nhất là cái việc này đừng có ý kiến”. Phú cũng không phải là vừa, anh nói luôn: “Tôi đề nghị đồng chí Trưởng phòng trong cuộc họp nói năng phải có văn hóa. Tại sao lại có cái lối xưng hô mày, tao ở đây. Còn đồng chí hỏi tôi là con nhà ai à? Vâng, bố mẹ tôi không có ai làm cán bộ to cả. Nhưng cống hiến của gia đình nhà tôi cho Tổ quốc này chắc chắn là hơn nhiều nhà anh. Nhưng tôi không kể công về chuyện cống hiến, mà tôi chỉ nói sự thật”.

Một nhân viên kiểm lâm ngồi bên cạnh Tú rỉ tai: “Thằng này là con Mẹ Việt Nam Anh hùng đấy. Nhà nó có hai anh là liệt sĩ. Mà nghe nói, Chủ tịch tỉnh yêu quý nó lắm”. Nghe anh ta nói vậy, Tú liền nở nụ cười làm lành: “Hay, công nhận đồng chí Phú rất có chí khí, nói rất đúng. Thôi bây giờ thế này, chúng ta chấm dứt cuộc họp ở đây, nhưng chiều nay đồng chí Phú dẫn tôi đến nhà ông Tài xem con hổ nó như thế nào. Và tôi nghĩ việc giám sát ông Tài nuôi con hổ như thế nào, nên giao luôn cho đồng chí Phú”. Nét mặt Phú giãn ra, anh bảo: “Nếu được thế tôi nhất trí ngay. Tôi sẽ cùng với ông Tài chăm sóc con hổ”.

Nghe Tú nói vậy, thực tâm Phú rất mừng, bởi lẽ từ hôm ông Tài mang con hổ về, không mấy ngày là anh không tới xem ông chăm con hổ. Hôm con Leng sắp chết, anh là người nửa đêm chạy hơn chục cây số đường rừng đến cầu cứu anh y sĩ của đồn Mường Mun. Từ hôm được chứng kiến cảnh ông Tài chăm con Leng, bỗng nhiên anh chàng kiểm lâm trẻ tuổi như ngộ ra được gì đó mà anh không lý giải được một cách rõ ràng. Phú chợt cảm thấy giữa anh và những cánh rừng, những con thú như có một sợi dây nào đó nối với nhau. Những tiếng chim hót, tiếng con gà rừng gáy, tiếng gió xì xào, tiếng nước suối thúc vào đá; tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu và cả tiếng những con côn trùng kêu rỉ rả trong đêm… cứ từng lúc, từng lúc ngấm vào anh. Mỗi khi được xoa đầu con Leng, được nó thè cái lưỡi ram ráp liếm vào bàn tay, Phú lại thấy như đang chìm vào một niềm hạnh phúc mới mẻ mà trước đây anh chưa từng cảm nhận được.

Lúc chiều tà, Phú dẫn Trưởng phòng Tú vào nhà ông Tài. Lúc này, ông Tài đang lui cui nấu cơm chiều. Con hổ Leng và con Lếch nằm ở ngoài sân hong nắng. Thấy có người lạ tới, con Lếch cảnh giác cất tiếng sủa. Con Leng đang nằm cũng vùng dậy lao ra giữa sân chằm chằm nhìn người lạ. Với cặp mắt tò mò nhìn con hổ, Tú thốt lên: “Ô, nó đẹp quá! Ðời tao lần đầu tiên được nhìn thấy hổ thật đấy”. Phú cất tiếng gọi: “Leng, ngoan nào”. Con Leng nhận ra người quen, nó ngoe nguẩy đuôi đến gần rồi hít hơi Phú. Sở dĩ nó quen Phú là từ khi nó về nhà không mấy ngày mà Phú không đến chơi với con Leng. Và trong số những người đến với con Leng ở bản mà ông Tài cảm thấy yên tâm là Trưởng bản Pờ Văn Minh và Vương Văn Phú. Còn với tất cả những người khác, đặc biệt là những người ở xa, khi họ đến thì trong lòng ông Tài luôn dấy lên một nghi ngờ mơ hồ nào đó.

con ho leng ky 24
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Con Lếch đến bên Tú hít hít, như thể muốn đánh giá xem cái kẻ lạ mặt này có là người lương thiện hay không. Còn con Leng, nó cũng nhìn Tú gườm gườm, nhưng rồi lại quay sang, cắn gấu quần Phú. Phú vỗ nhẹ vào đầu con Leng rồi chỉ vào Tú và bảo: “Leng, chào khách quý đi”. Con Leng như hiểu ý, nó quay sang Tú và cũng lại cắn gấu quần anh lôi đi.

Nhìn cảnh này, bỗng dưng Tú cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã nghĩ và những gì mình đã nói. Trong lòng anh dấy nên một nỗi ân hận và Tú ngồi xuống, vỗ nhẹ vào đầu con Leng, rồi xòe tay ra cho nó liếm.

Phú cất tiếng gọi to: “Bác Tài ơi, có khách”.

Ông Tài từ trong nhà ra, khi nhìn thấy Tú, nét mặt ông tối sầm lại, Tú tinh ý nhận ra điều đó, anh ta cười: “Thôi, em xin bác, bác đừng giận em nữa. Em vốn là thằng vụng mồm cho nên nhiều lúc nói năng nó cứ bốp chát, bác bỏ qua cho em nhé”. Ông Tài buông thõng một câu: “Các anh có chức, có quyền thì các anh nói thế nào chả được”. Tú vẫn kiên nhẫn: “Thôi mà bác. Nếu bác còn giận em nữa thì cho em xin. Bác thấy nhé, cả con Lếch và con Leng, có đứa nào đuổi em đâu. Giống chó là tinh ghê lắm nhé. Nó biết ai là lương thiện, ai là xấu… Hì hì. Chắc chắn em là đứa lương thiện”.

Ông Tài nói mát: “Cán bộ Nhà nước như anh, ai mà chả lương thiện”. Tú hiểu ý, anh nói: “Bác cứ đùa. Tòa án vừa tuyên tử hình một lúc 7 đứa buôn ma túy, thì trong đó có ba ông là công an, bộ đội biên phòng. Mà có cả tay trưởng phòng, trung tá công an đấy. Thời buổi này, càng cán bộ Nhà nước lại càng lắm kẻ không lương thiện. Bác thấy đấy, tội phạm tham nhũng, không cán bộ Nhà nước thì dân đen chắc”.

Lời nói của Tú làm ông Tài dịu đi đôi chút. Ông mời hai người vào nhà, rót nước chè xanh trong ấm nhôm đổ ra bát. Ông nói: “Chỉ còn nước chè nguội. Hai anh uống tạm”. Phú cười: “Báo cho bác một tin vui. Trưởng phòng Tú giao cho cháu nhiệm vụ phụ giúp bác trông nom con Leng. Chiều nay, bác có gì cho hai anh em cháu ăn với nhé. Ăn mừng việc mới”. Ông Tài vẫn cảnh giác: “Hóa ra anh được giao nhiệm vụ giám sát tôi. Chắc sợ tôi mang con Leng đi nấu cao phải không?”. Phú lắc đầu: “Bác có tính đa nghi từ ngày nào vậy. Có anh Tú làm chứng, cháu nói là được giao phụ giúp bác kia mà”. Tú góp vào: “Ðúng đấy bác”.

Ông tài dãn nét mặt: “Ðược, mời hai anh ở đây ăn cơm với tôi. Nhưng hôm nay, chỉ còn mấy con cá nướng và dưa cải cay thôi”. Tú xua tay: “Ðược ngồi ăn cơm với ông già huyền thoại của Mường Mun, ngắm chúa sơn lâm là sung sướng rồi”.

Thế rồi trong lúc Phú và ông Tài nấu cơm thì Tú ra đùa với con Leng và con gấu May. Ðang mải đùa thì có tiếng khỉ kêu choéc choéc… Tú nhìn thấy con khỉ hai tay cầm hai bắp ngô khệnh khạng đi từ ngoài vườn vào. Nó mang vào bếp và từ trong nhà, tiếng ông Tài quát vọng ra: “Mày lại đi bẻ trộm ngô. Khéo người ta bắn chết đấy con ạ”. Dứt tiếng quát, thấy con khỉ lao vọt ra và nhảy tót lên lưng con hổ ngồi… Nhìn cảnh ấy, Tú kinh ngạc đến mức không thốt được lên lời. Và trong khoảnh khắc, Tú chợt nhận ra rằng, thật ngu xuẩn, thật tàn nhẫn và thật vô lương nếu tách những con thú này ra khỏi ông Tài.

Bữa cơm hôm ấy có mấy món rất giản dị: Măng đắng luộc chấm tương chua; cá suối nướng chấm muối ớt; thịt trâu khô nướng; canh cá nấu chua bằng quả sổ… Còn rượu thì là rượu ngô ngâm với tam thất… Bữa cơm rất vui vẻ. Mọi chuyện cũ dường như đã bị chôn vùi. Ba người nói với nhau về chuyện của rừng, chuyện của thú… Tú tự tay rót một chén rượu đầy, cung kính đưa cho ông Tài rồi cũng tự rót cho mình một chén. Tú nâng chén rượu lên ngang mặt, nói với vẻ cảm động: “Chén rượu này, em xin bác tha lỗi cho em về những gì em đã nói chiều nay. Còn bây giờ, em xin hứa với bác là em cũng sẽ có trách nhiệm để con Leng này được ở với bác mãi mãi”. Nói xong, Tú ngửa cổ dốc gọn ly rượu vào miệng. Cũng thật lạ, rượu đổ vào miệng Tú như đổ vào ống… Không thấy yết hầu động đậy chút nào.

Ông Tài cũng ngửa cổ uống hết chén rượu, rồi nói: “Tôi cũng sẽ không giữ con Leng cho tôi, mà tôi giữ nó cho rừng Mường Mun. Và tôi chỉ nhờ anh một việc, nói với lãnh đạo cho tôi thôi việc hoặc nghỉ hưu. Hình thức nào cũng được”.

***

Năm ngày sau, tại cuộc họp giao ban tuần ở Cục Kiểm lâm tỉnh, khi Cục trưởng Hoàng Văn Ðạt yêu cầu Tú báo cáo lại tình hình con Leng, Tú thẳng thắn trình bày những cảm nhận của mình về việc ông Tài nuôi con hổ Leng và cuối cùng anh đề nghị: “Từ thực tế mắt thấy, tai nghe, được chứng kiến tình cảm của ông Tài với con hổ Leng, tôi đề nghị lãnh đạo Cục có bằng khen cho ông Tài và thưởng tiền xứng đáng”. Cục trưởng Ðạt im lặng. Thấy thái độ của Ðạt như vậy, trừ bà Thu lên tiếng ủng hộ, còn không ai dám nói gì. Khi tan cuộc họp, Ðạt làu bàu nói với một ông Cục phó: “Không hiểu thằng này ăn của ông Tài bao nhiêu mà lại bảo vệ ông ấy như vậy?!”.

Và một tuần sau đó, ông Tài nhận được quyết định nghỉ theo chế độ 176 - nghĩa là về hưu, nhận một khoản tiền.

Nhưng cũng phải mất nửa tháng sau ông mới nhận được gần 2 nghìn đồng và chắc chắn đó là số tiền lớn nhất mà ông nhận được từ trước đến nay và cho mãi mãi về sau.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới