Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật phòng, chống tham nhũng đến các đối tượng ngoài nhà nước?

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). ​

co nen mo rong pham vi dieu chinh cua luat phong chong tham nhung den cac doi tuong ngoai nha nuoc

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về dự án (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Luật PCTN đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là cần thiết nhằm quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi được bố cục gồm 11 Chương với 129 điều. Dự thảo tiếp tục kế thừa Luật hiện hành khi quy định: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng”.

Thảo luận về dự án Luật PCTN, đa số các đại biểu tán thành với các quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, về cơ bản việc sửa đổi bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật qua tổng kết thi hành, đồng thời kế thừa các quy định phù hợp của Luật hiện hành mà thực tiễn thi hành không gặp khó khăn, vướng mắc và đang có tác động tích cực. Tuy nhiên một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung cuả Luật cho phù hợp với thực tiễn như: Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Cho ý kiến về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN đến các đối tượng ngoài nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng: áp dụng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (gọi chung là doanh nghiệp); các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội).

Về vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hóa (Đồng Tháp) cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ngoài Nhà nước là không ổn và cần nghiên cứu lại. Bởi đối với khu vực ngoài Nhà nước là các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng… họ có điều lệ riêng, có đặc thù riêng.

Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên đối tượng áp dụng của Luật vẫn là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước; khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, do đó, không phù hợp với việc dự thảo Luật thay đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, gây mâu thuẫn giữa các quy định ở phần chung với phần cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp với bản chất của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Một vấn đề khác trong Dự thảo Luật PCTN liên quan đến việc kê khai tài sản, cũng còn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1: Một số ý kiến cho rằng mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn).

Phương án 2: Một số ý kiến khác lại đề nghị, thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức.

Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.

Đồng tình với phương án 2, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), chỉ nên áp dụng với đối tượng kê khai có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên quy định lại đối tượng kê khai tài sản ở cấp địa phương, bởi hệ số phụ cấp từ cấp huyện trở lên ở các địa phương đều có sự khác nhau.

Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật PCTN hiện hành, theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời tội phạm tham nhũng.

Bởi vì, đa số các vụ việc tham nhũng đều có tính chất phức tạp, người có hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên việc xác minh, điều tra để phát hiện tội phạm tham nhũng đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ tố tụng và có những quyền hạn nhất định thuộc về lĩnh vực tố tụng.

Do đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng, nếu cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán giữ lại vụ việc để xác minh, làm rõ, ra kết luận thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, người có hành vi tham nhũng có thể hợp thức hoá các chứng từ, che giấu dấu vết tội phạm, không loại trừ đối tượng có thể bỏ trốn… gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý sau này.

co nen mo rong pham vi dieu chinh cua luat phong chong tham nhung den cac doi tuong ngoai nha nuoc Tài sản cho con, "bồ nhí": Phải điều tra nguồn gốc!

Tất cả các vụ việc được dư luận đặt ra cần phải làm rõ nguồn gốc tài sản là ở đâu, không chứng minh được ...

co nen mo rong pham vi dieu chinh cua luat phong chong tham nhung den cac doi tuong ngoai nha nuoc Kim tiền mỹ nữ và ở tù tưởng tượng

Tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 9.11, đại biểu Sùng Thìn Cò - Phó ...

co nen mo rong pham vi dieu chinh cua luat phong chong tham nhung den cac doi tuong ngoai nha nuoc ĐBQH hiến kế phòng chống tham nhũng

Tham nhũng len lỏi trong cuộc sống, không từ bỏ cấp nào, ngành nào. Muốn hạn chế được nó, cả hệ thống chính trị phải ...

(http://www.dangcongsan.vn/phap-luat/co-nen-mo-rong-pham-vi-dieu-chinh-cua-luat-phong-chong-tham-nhung-den-cac-doi-tuong-ngoai-nha-nuoc-461334.html)

Báo điện tử Đảng Cộng sản