Tài sản cho con, \"bồ nhí\": Phải điều tra nguồn gốc!

Tất cả các vụ việc được dư luận đặt ra cần phải làm rõ nguồn gốc tài sản là ở đâu, không chứng minh được thì phải tịch thu.

Thay đổi đối tượng phân bố tài sản?

Mới đây, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chỉ rõ, vừa qua dư luận, báo chí, cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy đảng các địa phương có biểu hiện "quan tâm" đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé, hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.

Thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm "siêu tốc" vào vị trí lãnh đạo ở địa phương.

Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/11, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Vấn đề chống tham nhũng tôi thấy đã quá nhiều người nói nhưng vấn đề cốt yếu là phải thu hồi tài sản vẫn chưa làm được. Đây là câu chuyện quan trọng, là tinh thần của Bộ Luật hình sự mới.

Từ đó, mới có điều Luật nếu khắc phục được hậu quả thì có thể giảm án tử hình, miễn tử hình. Thế nhưng, thông qua việc xử lý một số vụ án tham nhũng vừa qua thì không thấy thu hồi được tài sản.

Một trong những lý do là những người tham nhũng có thể mua nhà, đổi tên, đổi họ, chuyển cho con cháu, bồ nhí. Hiện trạng này có nét nào đó tương tự như vụ hotgirl Thanh Hóa rầm rộ thời gian qua. Tất nhiên, nếu muốn khẳng định, tất cả các thông tin phải được điều tra chứ không thể qua suy đoán.

Vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh thăng tiến thần tốc vẫn khiến dư luận băn khoăn. Ảnh minh họa

Vừa qua tôi thấy Ả Rập Xê Út điều tra, bắt giữ một số doanh nhân và chính trị gia của nước này trong một cuộc điều tra chống tham nhũng. Qua đó có thể thấy, chống tham nhũng phải truy tìm, kê biên tất cả những người tham nhũng, nghi vấn tham nhũng, phải kê biên tài sản thì mới tịch thu được.

Nếu xảy ra việc lãnh đạo mang danh đề bạt nhân viên nữ, nói là ưu ái phái nữ, nhưng thực tế là đề bạt bồ nhí, phân chia tài sản, đó là lẫn lộn tốt xấu. Khi đó, thực hiện chủ trương chính sách nhiều khi cũng lẫn lộn, việc gì cũng đúng quy trình, kế hoạch, nhưng lại không ai kiểm soát được\'\'.

Theo vị nguyên lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, vụ việc liên quan đến biệt phủ ở Yên Bái, nhà của Giám đốc Sở TN-MT vẫn còn khiến dư luận băn khoăn. Bởi lẽ, dư luận đặt ra vấn đề tiền ở đâu xây được biệt thự như vậy. Vậy mà, khi xử lý, mới chỉ cách chức không điều tra.

\'\'Cho nên, nếu có chuyện phân chia tài sản cho bồ nhí hay vợ bé thì cũng không có gì mới. Đây vẫn là phân chia tài sản cho các người thân, như con cái mới 17 tuổi đã sở hữu cả trăm tỷ đồng, chỉ là thay đổi đối tượng nhận tài sản.

Thực tế chuyện đề bạt bồ nhí chỉ cần xét nghiệm ADN là biết ngay. Vấn đề ở đây là phải có điều tra, như Hàn Quốc họ điều tra tới cùng, dù đó là ai\'\' - ông Thuận thẳng thắn.

Phải truy rõ nguồn gốc tài sản

Riêng về vụ việc ở Thanh Hóa thì không xử lý được, theo vị chuyên gia trên, chính vì điều này khiến người dân có quyền nghi ngờ, vì sao không điều tra?.

Vị chuyên gia nói thẳng, không chỉ ở Thanh Hóa mà còn vụ gia đình ông Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, ông Võ Kim Cự...

"Xã hội đòi hỏi tất cả các vụ việc đã đến lúc phải xử lý, tài sản được công luận nghi ngờ thì phải chứng minh, không chứng minh được thì tịch thu. Tránh việc xử lý chỉ cách chức, vì so với chức danh thì họ vẫn còn nhà, còn hàng trăm tỷ đồng sống đàng hoàng đến cuối đời, mấy đời con cháu còn chưa hết.

Để có được lòng tin của dân, tất cả các sự việc phải làm đến nơi, đến chốn không được làm nửa vời, các vụ án tham nhũng, nghi tham nhũng thì phải truy tài sản đến cùng đó là tinh thần mới trong Luật phòng chống tham nhũng.

Còn xử lý qua loa là sự xúc phạm, coi thường dư luận, quần chúng, nhân dân", ông Thuận nhận định.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với Đất Việt, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Đoàn Thái Bình cho biết: "Việc chuyển tài sản sang cho người khác đã diễn ra nhiều, nhưng ai khẳng định được là tài sản tham nhũng?

Còn về vụ bổ nhiệm ở Sở Xây dựng Thanh Hóa thì thanh tra đã kết luận và xử lý kỷ luật, còn tiếp theo làm gì thì các cấp có thẩm quyền có quyền quyết định".

Saudi Arabia thiệt hại 100 tỷ USD vì tham nhũng

Hoạt động tham nhũng của Hoàng gia và quan chức đã khiến Saudi Arabia thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD trong suốt hàng thập ...

ĐBQH hiến kế phòng chống tham nhũng

Tham nhũng len lỏi trong cuộc sống, không từ bỏ cấp nào, ngành nào. Muốn hạn chế được nó, cả hệ thống chính trị phải ...

Chấp nhận đi tù, \'hy sinh đời bố\' để tham nhũng

Trao đổi bên lề QH chiều qua, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nhiều đối tượng tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời ...

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tai-san-cho-con-bo-nhi-phai-dieu-tra-nguon-goc-3346872/)