Chuyên gia Biển Đông Gregory Poling cho rằng chưa có dấu hiệu thể hiện Trung Quốc muốn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử công bằng với ASEAN.
Hình ảnh căn cứ ở đá Subi trên Biển Đông do Trung Quốc xây dựng trái phép hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: FP.
"Tôi hoàn toàn nghĩ rằng có rủi ro trong tiến trình đàm phán COC hiện nay. ASEAN và Trung Quốc đã bàn về nó trong 20 năm qua và tôi đồ rằng họ sẽ mất thêm 20 năm nữa", ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, trả lời câu hỏi của VnExpress trong cuộc họp báo chiều 30/1 tại Hà Nội.
Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí bắt đầu thảo luận COC dựa trên khung mà các ngoại trưởng đã thông qua trong tháng 8/2017. Dự kiến hai bên bắt đầu đàm phán vào đầu năm nay.
Chuyên gia kỳ cựu của CSIS nhận thấy không có dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc đàm phán nghiêm túc một COC công bằng với ASEAN. Nếu như các nước thành viên của Hiệp hội, bao gồm cả Việt Nam theo đuổi COC, dừng những nỗ lực khác ở Biển Đông, sẵn sàng ngăn chặn các hành động gây hấn, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự, vẫn triển khai các thiết bị quân sự ở khu vực này.
"Dần dần, Bắc Kinh sẽ giành lợi thế trước các nước cùng có yêu sách ở Biển Đông. Cuối cùng họ sẽ biến đường 9 đoạn thành hiện thực, kể cả khi không ai chấp nhận tính hợp pháp của nó", ông Poling cảnh báo.
Trước tình hình đó, chuyên gia CSIS cho rằng các nước ASEAN không nên coi COC là lựa chọn duy nhất ở Biển Đông, mà song song với nó, cần thực hiện các nỗ lực khác. Đó là chú trọng xây dựng năng lực của cảnh sát biển và hải quân, chuẩn bị sẵn để đối phó với các tình huống trên biển, khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh với máy bay, tàu và cả lực lượng ngư dân. Các thành viên ASEAN cần đầu tư cho các mối hợp tác với các nước quan tâm đến tình hình ở Biển Đông, không chỉ là Mỹ, Australia hay Nhật Bản.
Mặc dù không lạc quan về tiến trình COC nhưng ông Poling đánh giá các nước ASEAN không nên dừng đàm phán bộ quy tắc này, bởi vì nó vẫn có giá trị khi các nước ASEAN thảo luận với Trung Quốc về quy tắc hành xử trên biển. Các nước có yêu sách ở Biển Đông cần nhận thức rằng COC nên có phạm vi bao quát rộng hơn, để lôi kéo các nước không có quyền lợi trực tiếp tham gia. Các vấn đề nên được thảo luận là hoạt động của cảnh sát biển, quản lý nghề cá hay phát triển dầu khí. Thực tế ở Đông Nam Á có nhiều vấn đề mà không liên quan trực tiếp đến tất cả 10 thành viên như sông Mekong hay eo biển Malacca.
"Tôi cho rằng đây là lúc các nước thành viên ASEAN có yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia bắt đầu nói về điều mình muốn ở COC, thay vì để Trung Quốc chi phối thảo luận", ông Poling nói.
Giám đốc AMTI đang có chuyến đi đến các nước ASEAN, thảo luận với các bên để thúc đẩy sáng kiến Quản lý nghề cá và hợp tác môi trường ở Biển Đông. Ông kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp các nước thành viên ASEAN có thoả thuận với nhau để đặt lên bàn thảo luận với Trung Quốc, chứ không phải hỏi Bắc Kinh "Các ông muốn bàn gì nào". Sau trạm dừng chân đầu tiên ở Việt Nam, ông Poling sẽ đến Jakarta, Indonesia.
Khủng hoảng kinh tế tiếp theo "chọn" Trung Quốc?
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay và một khi có biến động về tín dụng, nước này dễ dàng bị rơi vào ... |
Hải quân Mỹ thách thức yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông
Báo cáo thường niên của hải quân Mỹ về hoạt động tự do hàng hải (FON) cho thấy Washington thách thức yêu sách trên biển ... |