Chuyện buồn giáo sư

Nhiều người rất giỏi phải ngậm ngùi vì chẳng thể qua được vòng bỏ phiếu, trong khi đó nhiều người ghi điểm đầy đủ qua các thang bảng điểm trở thành giáo sư dù thực sự không đủ năng lực.

Báo điện tử VTC News xin giới thiệu bài viết của TS Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng ĐH Thành Tây) xung quanh những ồn ào của việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

chuyen buon giao su

Việc xét chuẩn giáo sư, phó giáo sư khiến dư luận xôn xao thời gian qua. (Ảnh minh hoạ)

"Khi còn học đại học, dạy tụi tôi là một giáo sư (GS) rất có uy tín và tâm huyết. Thầy có nhiều mối quan hệ quốc tế, mời cả những GS quốc tế có giải Nobel sang dạy chúng tôi vài tiết học. Cả đời thầy là một tấm gương về một nhà giáo mẫu mực, là thầy của nhiều thế hệ nhà khoa học của Việt Nam.

Chỉ có điều thầy chưa bao giờ có bằng Tiến sĩ (TS). Không bởi vì thầy không đủ năng lực mà bởi vì thời thế nó thế. Thầy con nhà tư sản, khi đó rất khó khăn trong việc học hành.

Khi đó mọi người bắt đầu nói đến chuyện chuẩn GS và đưa ra việc GS thì bắt buộc phải là TS, thậm chí là phải có Habilitation (TSKH). Và lúc đó có nhiều dư luận cho rằng thầy và một số thầy khác (đặc biệt ngành sử học) không phải là GS nữa cho dù trước đó thầy hướng dẫn rất nhiều TS bảo vệ thành công.

Năm 2017, chuẩn tiến sĩ mới ra đời bắt buộc phải có bài báo peer review, một bước tiến đáng kể trong việc học thuật. Và vì vậy, năm 2017 lượng nghiên cứu sinh đăng ký làm TS giảm đột biến, thừa chỉ tiêu rất nhiều.

Đơn giản vì khi mà thầy là các GS, PGS còn chưa biết viết bài quốc tế thế nào thì làm sao trò làm nổi. Và vì vậy sinh ra quy định mới về GS, PGS để phù hợp.

Tiếc rằng, bản đề án đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị bác bỏ nên thực tế năm 2018 là chuẩn TS đang cao hơn cả chuẩn GS, PGS.

PGS, GS theo chuẩn không đủ sức hướng dẫn TS theo chuẩn.

Nhớ lại đầu những năm 2000, thống kê cho thấy các GS, PGS Việt Nam có năng suất khoa học rất thấp khi so sánh với quy định. Và khi đó lý do chủ yếu được cho rằng do GS các nước có phòng riêng, lương cao và điều kiện nghiên cứu tốt hơn.

Chính vì vậy, GS sau đó được nâng tuổi nghỉ hưu, có bậc lương riêng cao hơn hẳn các giảng viên khác và thậm chí rất nhiều nơi cũng đã thiết kế phòng làm việc riêng cho GS.

Chính những quyền lợi đặc biệt này mà trở thành PGS, GS trở thành một cuộc đua gay cấn từ việc giờ dạy, đăng bài, hướng dẫn thạc sĩ, xuất bản sách đến việc lấy lòng hội đồng. Và cuộc đua nào cũng sẽ có mặt trái của nó.

Nhiều người rất giỏi phải ngậm ngùi vì chẳng thể qua được vòng bỏ phiếu, trong khi đó nhiều người ghi điểm đầy đủ qua các thang bảng điểm trở thành GS dù thực sự không đủ năng lực. Trong đó có nhiều GS, PGS nắm giữ các vai trò quản lý nhà nước.

Nếu được đề xuất thì tôi đề nghị chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn cứng của GS về khoa học. Sau đó việc lấy tín nhiệm, công nhận và bổ nhiệm đều thuộc về các đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo. Các đơn vị này có quota nhất định về số lượng GS để phục vụ các nhiệm vụ dẫn dắt chuyên môn.

Hoặc chí ít đơn giản nhất là dự thảo về GS, PGS của Bộ Giáo dục và Đào tạo được chấp thuận thì mọi việc cũng trở nên phù hợp hơn.

Chợt nhớ đến người thầy GS không có bằng TS của mình, hoá ra mọi thứ tiêu chuẩn có thể chỉ là phù phiếm và hợp thời ở thời điểm nào đó.

Còn những giá trị vô hình như tâm người thầy hay đóng góp cho sinh viên thì chẳng thể đo đếm được.

chuyen buon giao su Nhiều hội đồng không phát hiện giáo sư, phó giáo sư thiếu tiêu chuẩn

Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành, liên ngành Toán, Ngôn ngữ, Sử - Khảo cổ - Ngôn ngữ sau khi rà soát vẫn giữ ...

chuyen buon giao su Giáo sư, phó giáo sư được hưởng những quyền lợi gì?

Ngoài việc được kéo dài thời gian làm việc, các giáo sư, phó giáo sư còn được hưởng ưu đãi trong nghiên cứu khoa học, ...

/ https://vtc.vn