Những chuyện đau lòng xảy ra như: Thầy sàm sỡ nữ sinh lớp 3, cô bắt trò uống nước từ giẻ lau bảng; phụ huynh bắt thầy quỳ, đánh cô đang mang thai… đang khiến bầu không khí giáo dục chùng xuống. Vì sao một số thầy hư hỏng? Vì sao một số phụ huynh không tôn trọng người dạy con mình?
Xã hội chúng ta đang thay đổi chóng mặt, làm rạn vỡ không ít mối quan hệ, tất nhiên có những cái cũ lỗi thời, bị thay thế, nhưng những giá trị cốt lõi đảm bảo cho sự vận hành của một xã hội đạo đức, văn minh cũng đang bị đe dọa.
Đất nước trải qua thời gian dài chiến tranh, rồi khó khăn kinh tế những ngày sau giải phóng. Thời đó, tuy khó khăn, nhưng chúng ta đã sống nhường cơm sẻ áo, yêu thương nhau trong tình thân ái, tất cả vì những mục tiêu cao đẹp của của đất nước. Và, giáo dục đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh của mình khi giữ vững phát huy tối đa giá trị của mỗi người, của đất nước, làm nên nhiều thắng lợi không chỉ đấu tranh, kiến thiết đất nước mà còn bồi đắp tâm hồn đẹp cho cả một thế hệ.
Khi đất nước phát triển, một bộ phận cha mẹ đền bù những mất mát, thiệt thòi cho con mình bằng cách bao bọc, chăm lo và kỳ vọng thái quá. Cùng với mở cửa du nhập văn hóa tiên tiến, đang có những va đập và đứt mạch thế hệ. Từ 9X trở đi, có lẽ không nhiều em hiểu được những khó khăn của thế hệ trước một cách sâu sắc khi đang sống trong nhung lụa, thừa hưởng sự bao bọc của cha mẹ. Chớp mắt một cái, một thế hệ mới tinh?
Sự đứt mạch này có lỗi của giáo dục, không phải lỗi riêng cho các thầy cô, mà có phần của phụ huynh, và một phần là khách quan của sự phát triển. Chúng ta đã giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa tốt, nhưng trong mỗi gia đình, câu chuyện này không được liền mạch, không sâu sắc, cụ thể, thiết thân. Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình đang ngày càng rộng ra khi công nghệ đang phát triển như vũ bão. Không ít ông bà, cha mẹ bị “bỏ rơi”, những vách ngăn thế hệ ngày càng kiên cố.
Ngày trước ở Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội có một người thầy đã dạy cho chúng tôi một bài học sâu sắc về cái gọi là đứt mạch thế hệ.
Thời đó, chúng tôi tổ chức buổi kỷ niệm long trọng về ngày Thương binh - Liệt sỹ. Những bài hát, những câu chuyện chúng tôi dàn dựng nhằm truyền tải thông điệp tri ân thế hệ đi trước ngã xuống vì Tổ quốc. Đến phần phát biểu của thầy Bùi Thanh Quất - Trưởng khoa và là thầy dạy Logic, thầy hỏi các bạn tôi - đều là con thương binh, liệt sỹ, rằng: Bố hy sinh, mẹ bị thương ở đâu trên cơ thể, ở chiến trường nào? Rất ít bạn trả lời chính xác. Thầy lại hỏi: Mỗi tháng được nhà trường trợ cấp bao nhiêu, được ưu tiên những gì? Bạn nào cũng trả lời chính xác.
Hôm đó, thầy buồn mà nói rằng: Đừng học vẹt, đừng tôn vinh phô trương, trống rỗng thế. Đến cha mẹ mình bị thương, hy sinh chính xác ngày tháng năm nào, ở đâu, không nhớ chính xác thì “tôn vinh lễ lạt cái gì vậy các em”. Hôm đó, chúng tôi cúi đầu, nhận lỗi trước thầy, và thấy xấu hổ với sự vô tâm, hình thức của mình không chỉ ở lễ kỷ niệm này, không chỉ với các bạn có bố mẹ là thương binh, liệt sĩ...
Một bài học đến giờ chẳng quên nổi giữa bao bộn bề lo toan của cuộc sống.
Trở lại, một số thầy hư hỏng. Xin đặt câu hỏi: Vì sao có những người khi làm con thì bất hiếu, làm học trò thì bất hảo.., mà vẫn làm thầy, dạy con cái chúng ta? Vì Bộ Giáo dục coi nhẹ đạo đức người thầy? Vì trước khi làm thầy, họ chưa phải con ngoan, từ một gia đình không ổn?
Trả lời các câu hỏi này sau những gì xảy ra với giáo dục sao thấy rối bời quá. Mong “tư lệnh” giáo dục nhìn ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách và dài hạn cho những câu hỏi trên. Và, mỗi gia đình cũng thấy mình trong câu chuyện này, không chỉ chuyện riêng của ngành giáo dục.
Có hai nghề làm thầy quan trọng là thầy giáo và thầy thuốc. Bởi thế mỗi khi thầy giáo (dạy người), thầy thuốc (chăm lo sức khỏe) mà hỏng, thì xã hội lâm nguy.
Vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh: Mỗi lần học thêm là 1 lần ám ảnh
Theo 1 số phụ huynh làm đơn tố cáo, các học sinh bị thầy giáo dâm ô, hiện đều có biểu hiện tâm lý sợ ... |
Nam giáo viên tiểu học bị tố dâm ô hàng loạt học sinh
Sau đơn tố cáo của nhiều phụ huynh học sinh ở Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức đã tạm giữ nam giáo viên 44 ... |