Khi đạo đức, văn hóa ứng xử bị tha hóa, xuống cấp, con người mất lòng tin thì người ta quay lại mê tín dị đoan, tin vào thần thánh.
Thời gian qua, nhiều sự việc xảy ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là sự việc cô giáo bị bắt quỳ gối xin lỗi phụ huynh, học sinh bóp cổ cô giáo, hay người nhà hành hung bác sĩ trong bệnh viện...
Điều xót xa là trong khi sẵn sàng thực hiện những hành vi phản cảm trên thì người ta lại mù quáng tin vào lời thầy bói, thầy cúng, thầy lang đến mê muội để rồi khi nhận ra hậu quả thì đã quá muộn.
Chia sẻ nỗi buồn trước những hiện tượng trên, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, những hiện tượng trên xuất phát từ việc xuống cấp, tha hóa đạo đức, văn hóa ứng xử của con người.
"Trước đây, mỗi con người đều được học về luân lý. Con phải tôn trọng ông bà, cha mẹ, quan hệ làng xóm, quê hương, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo... Thế nhưng, dường như bây giờ người ta đã quên mất chuyện đó và xem thường luân lý, thiếu tôn trọng đạo đức.
Bên cạnh đó, xã hội hiện nay càng ngày càng phân hóa giàu-nghèo, người ta chỉ biết đến đồng tiền, quyền lực chứ không nghĩ rằng tình người mới là cái quan trọng nhất. Điều đó biểu hiện từ chuyện quan chức ăn hối lộ, bỏ trốn ra nước ngoài, DNNN làm thất thoát tiền của Nhà nước, đến một cán bộ công an cao cấp còn bảo kê cho đánh bạc....
Dễ thấy nhất là giờ ra đường thấy chuyện bất bình cũng chẳng mấy ai dám nói vì sợ bị trả thù, thiệt thân.
Còn rất nhiều câu chuyện buồn ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, từ giáo dục tới y tế, xã hội, kinh doanh... Như chuyện xét duyệt chức danh GS, PGS; chuyện người nông dân trồng cây đến lúc sắp thu hoạch thì có kẻ ghen ghét chặt hết và cuối cùng thủ phạm cũng chỉ bị phạt; hay lệnh đóng cửa rừng đã được đưa ra nhưng rừng vẫn bị phá...
Rõ ràng, trong xã hội hiện tại, người ta chỉ biết đến tiền và quyền mà ít biết đến tình người. Chính điều đó đã dẫn đến những hiện tượng rất đau lòng và đáng buồn ở trên", GS.TSKH Phạm Phố phân tích.
Sự việc cô giáo bị phụ huynh học sinh bắt quỳ để xin lỗi là câu chuyện đáng buồn, khiến dư luận đặc biệt những ngày qua. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ
"Và khi người dân thấy cái sai không dám nói, không dám bảo vệ cái đúng; muốn làm bất cứ điều gì, kể cả xin việc, thăng thiến trong sự nghiệp thì phải có tiền... thì họ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, quay sang tin vào mê tín dị đoan, tin vào thần thánh, nhờ thần thánh giúp đỡ", GS Phố nhận xét.
Xảy ra những hiện tượng này, theo GS.TSKH Phạm Phố, có trách nhiệm của tất cả các cơ quan quản lý.
"Quản lý chưa phù hợp nên mới sinh ra những chuyện đó. Tôi lấy ví dụ, khi có người lên tiếng rằng cần tăng lương cho giáo viên, miễn phí THCS thì lập tức có ý kiến nói lại người ta. Một nước nghèo như Cuba hay giàu có như các nước phương Tây, học bậc phổ thông đều được miễn phí và chỉ đến bậc đại học người dân mới phải trả học phí. Còn ở Việt Nam, thử hỏi tiền thuế dân đóng đi đâu mà không có tiền miễn học phí?
Tương tự, với ngành y tế, đã đóng bảo hiểm y tế rồi thì coi như được chữa bệnh miễn phí. Như ở Pháp, dù khám trong bệnh viện hay tư nhân, người dân chỉ phải trả 1 franc, sau đó cầm đơn ra hiệu thuốc là được cấp thuốc cho nếu như có bảo hiểm y tế. Ở Đức cũng vậy.
Y tế của Việt Nam không những không ưu đãi cho người đóng bảo hiểm y tế mà còn sinh ra hệ dịch vụ (hệ tư). Thuốc men tốt, thầy thuốc giỏi được giành để khám tư nhân. Tiền ấy có nộp vào ngân sách nhà nước hay không?", nguyên Hiệu trường trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn dẫn ví dụ.
GS Phố lo ngại, nếu không khắc phục được tình trạng này thì sẽ dẫn đến nhiều tai hại khác.
Những hiện tượng ấy sẽ ngăn trở sự phát triển của xã hội. Chưa kể nó còn gây ra những mâu thuẫn cục bộ, mâu thuẫn giữa các nhóm các tầng lớp với nhau, và đây chính là điểm yếu để những thế lực xấu có thể lợi dụng để phá hoại.
"Dù muộn nhưng vẫn phải làm và làm tích cực, còn có làm được không hay là do người quản lý, lãnh đạo.
Điều đáng lo nhất là các mối dây lợi ích chằng chịt sẽ xử lý thế nào. Cần có sự thay đổi từ chính sách, pháp luật, đảm bảo luật phải cho tất cả mọi người", GS.TSKH Phạm Phố nhấn mạnh.
Nam sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo tiếp tục gây rối
Học sinh N.V.M.T. không biết hối lỗi, tiếp tục gây rối tại trường sau sự việc bóp cổ cô giáo. Hội đồng kỷ luật trường ... |
Mất bạn vì TNGT, nhóm côn đồ trút giận lên bác sĩ cấp cứu
Mặc dù đã được giải thích rõ bệnh nhân đã ngừng thở trước đó, nhưng nhóm thanh niên vẫn lao vào hành hung các y, ... |