Bất thường dự án Cát Linh - Hà Đông

Cần thanh tra toàn diện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để làm rõ những bất thường và trách nhiệm các bên liên quan khi để liên tục đội vốn, "vỡ" tiến độ nhiều lần

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bộ này vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tổng thể tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh, lùi giai đoạn kết thúc dự án đến năm 2021.

Ì ạch 7 năm, đội vốn 7.000 tỉ đồng

Thông tin về tiến độ thực hiện dự án theo đề nghị điều chỉnh này, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết việc xây dựng nhà ga, đường ray, hoàn thiện trang trí kiến trúc khu depot, lắp đặt thiết bị và đóng điện toàn tuyến sẽ thực hiện xong trong tháng 8. Từ tháng 9-2018 sẽ cho chạy thử (từ 3-6 tháng); tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành khai thác thương mại. Đến năm 2021 kết thúc bảo hành toàn dự án.

Còn theo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - tổng thầu EPC, đến nay, các hạng mục xây dựng cơ bản của dự án đã hoàn thành hơn 95%; hệ thống thiết bị hoàn thành 60%. Hiện có hơn 600 nhân lực thi công dự án, tăng gấp đôi so với trước ngày 1-1-2018. Dự kiến đến tháng 12 đáp ứng yêu cầu vận hành khai thác thương mại.

Đây không phải lần đầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị lùi tiến độ.

Cát Linh - Hà Đông là 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội (tuyến 2A), do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008 (tương đương 8.769 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 133,86 triệu USD.

Dự án khởi công vào ngày 10-10-2011, ban đầu dự kiến đến tháng 6-2014 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình; chạy thử từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2015, từ ngày 30-6-2015 chính thức khai thác thương mại. Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD, tương đương tỉ giá quy đổi cùng thời điểm trên 19.000 tỉ đồng; tăng 315,18 triệu USD, tức khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Sau đó, dự án nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ, đình trệ thi công do vướng mặt bằng, tai nạn lao động, chậm vốn. Vào tháng 12-2016, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tiến độ, bắt đầu chạy thử vào tháng 10-2017 do chờ xác định lại tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ chạy thử này tiếp tục bị "vỡ", dẫn đến xin điều chỉnh mới lần này.

Như vậy, tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công và đã kéo dài hơn 4 năm so với tiến độ thi công đặt ra ban đầu.

bat thuong du an cat linh ha dong

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ trên 4 năm, đội vốn trên 315 triệu USD

Phải làm rõ trách nhiệm

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII (đoàn Hà Nội), cho rằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục lùi, hoãn tiến độ, đội vốn hơn 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu là vấn đề bất thường. "Với việc được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT phải có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ rõ ràng về việc vì sao dự án bị đội vốn, vì sao chậm, lùi, giãn tiến độ? Lỗi thuộc về ai và ai phải chịu trách nhiệm? Anh là chủ đầu tư anh phải biết vì sao chậm, vì sao đội vốn" - bà An thẳng thắn.

Cũng theo bà An, với lần đề nghị điều chỉnh mới này, Bộ GTVT cần có cam kết cụ thể chứ không thể có chuyện cứ lùi và dây dưa mãi như thế, gây thêm thiệt hại kinh tế, bất bình trong dân.

Mặc dù phía tổng thầu cho rằng dự án đã hoàn thành 95% các hạng mục xây dựng cơ bản và Bộ GTVT khẳng định từ tháng 9 tới sẽ vận hành khai thác thương mại nhưng với những gì đã diễn ra, nhiều người nghi ngờ dự án sẽ "về đích" đúng hẹn. ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, nói thẳng ông chưa có lòng tin với lời cam kết này, vì dù chỉ còn 5% công việc nhưng 5% đó là thế nào thì không mấy ai rõ. "Thanh tra Chính phủ cần thực hiện thanh tra toàn diện dự án này để có báo cáo, đánh giá cụ thể về nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan. Không thể cứ để một dự án được thực hiện mà không tuân theo quy luật, quy trình nào như thế được. Không thể thực hiện dự án cả gần 1 tỉ USD mà thông tin mù mờ, số liệu không có, không thể giám sát" - ĐB Xuyền đề nghị.

Trao đổi với báo chí về những ý kiến cho rằng cần thanh tra dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc thanh tra các dự án như Cát Linh - Hà Đông hay các dự án đã hoàn thành là hoàn toàn bình thường. "Tuy nhiên, theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh - Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018. Bộ GTVT sẵn sàng làm việc nếu có chương trình thanh tra" - ông Đông nói.

Gây bất bình

PGS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH - nhấn mạnh việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục lùi, hoãn, giãn tiến độ của dự án rồi việc đội vốn đã nối dài sự bất bình, thử thách lòng tin của người dân. "Đây rõ ràng là những điều không bình thường đối với một dự án lớn, dự án trọng điểm mà ai cũng đặt ra một dấu hỏi. Phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao dự án cứ bị chậm, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc này" - ông Cường nêu quan điểm.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

bat thuong du an cat linh ha dong Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Cam kết gì để không “bàn lùi”?

Ngày 3.4, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện phía nhà thầu Trung Quốc cho biết, tiến độ dự án đường sắt trên cao ...

bat thuong du an cat linh ha dong Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 100 công nhân làm hạng mục cuối

Mỗi ngày tại khu Depot của dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội có khoảng 500 công nhân làm việc, tăng ...

bat thuong du an cat linh ha dong Vì sao đến năm 2021 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới kết thúc?

Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, sau 24 tháng kể từ khi hoàn thành, nhà thầu có ...

/ https://nld.com.vn