Xuất khẩu cà phê trước mối lo từ EU

Mặc dù đạt tăng trưởng lớn về kim ngạch, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam chưa thực sự bền vững do sản lượng ngày một giảm. Ngoài ra, các quy định mới về xuất khẩu cũng đang là cản trở không nhỏ...

Gia tăng sản phẩm chế biến

Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022 nhưng kim ngạch đạt 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% nhờ giá bán tăng cao.

Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

dn-cafe-tham-gia-hoi-cho-qt.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam, xuất khẩu cà phê Việt Nam có sự chuyển dịch đáng kể. Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta chiếm tỷ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD; cà phê nhân Arabica xuất khẩu đạt 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD; cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.

Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chế biến có sự gia tăng đáng kể. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn với kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4%, kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022-2023). Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chế biến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ, hướng tới xuất khẩu bền vững là phải hướng đến chế biến, đó là bài toán tăng giá trị cũng như chất lượng. Mới đây, Công ty cổ phần Phúc Sinh đã ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation để thúc đẩy phân phối sản phẩm cà phê mang thương hiệu K COFFEE tại thị trường Mỹ, châu Âu, Australia, New Zealand và Nhật Bản. Các dòng sản phẩm K COFFEE được chế biến trong quy trình sản xuất khép kín của hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị công nghệ rang xay của Italia nhằm giữ đúng vị cà phê nguyên chất 100%.

Đạt tiêu chuẩn và ổn định quy mô

Đánh giá về sản xuất và thị trường cà phê xuất khẩu hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng kim ngạch khoảng 3,5-4 tỷ USD là con số còn hạn chế.

Sản xuất cà phê trong nước đối diện nhiều khó khăn khi diện tích ngày một giảm, sự chuyển dịch trồng cà phê chất lượng chưa đạt yêu cầu. Lượng cà phê xuất khẩu dù có sự chuyển dịch sang sản phẩm chế biến song tỷ lệ còn nhỏ - chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, các vùng trồng cà phê Việt Nam cần tuân thủ các quy định mới xuất khẩu tại nhiều thị trường.

cafe-2.jpg
Chuyên gia nước ngoài khảo sát cà phê tại Công ty TNHH Tám Trình, tỉnh Lâm Đồng.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ cà 2023-2024 thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, thu hoạch rộ cuối tháng 12-2023. “Dù giá đang cao nhưng ngành hàng cà phê sẽ gặp những khó khăn nhất định như diện tích suy giảm, chịu ảnh hưởng bởi quy định mới từ châu Âu...”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với tái canh cây cà phê, khảo sát và bảo đảm diện tích nguyên liệu cho cà phê xuất khẩu thì các vùng trồng cà phê phải tuân thủ quy định chống phá rừng và suy thoái rừng từ châu Âu.

Theo quy định này, 7 mặt hàng: Cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu tương, gia súc, gỗ, cao su và các sản phẩm chế biến có liên quan như: Đồ gỗ, lốp, thịt đông lạnh, các sản phẩm in... sẽ không được phép nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) nếu sản phẩm được trồng trên đất phá rừng vào thời điểm từ 31-12-2020 trở lại đây. Từ tháng 12-2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tập đoàn lớn; tháng 6-2025 sẽ chính thức áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định này xem như rào cản cho nhập khẩu vào EU, trong đó có cà phê Việt Nam.

caphe-3.jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông cho rằng, các doanh nghiệp cần thiết lập vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết nông dân, xây dựng vùng trồng đạt chuẩn và tính đến bài toán chế biến.

“Để sản xuất được dòng sản phẩm nguyên chất xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng, yêu cầu cao về chất lượng, Phúc Sinh cũng tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững UTZ, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường. Phúc Sinh thuê chuyên gia từ các nước phát triển cà phê đến tư vấn, đào tạo cho người trồng cà phê, sau đó theo dõi nông dân thực hành và đánh giá nông hộ theo tiêu chuẩn UTZ. Nếu các hộ đạt yêu cầu sẽ thu mua cà phê với giá cao hơn thị trường; nếu chưa đạt, Phúc Sinh tiếp tục huấn luyện và đào tạo”, ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Thực tế, nhiều vùng trồng cà phê của Việt Nam đang chủ động tái canh, đưa các giống cà phê chất lượng, năng suất tốt vào chế biến. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ cùng các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng gắn với định danh vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu từ quá trình gieo trồng.

Bộ cũng sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về sản xuất, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại các vùng trồng. Mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ tái canh 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới có năng suất cao và chất lượng vượt trội.

 https://hanoimoi.vn/xuat-khau-ca-phe-truoc-moi-lo-tu-eu-647826.html

Đỗ Minh / HNM