Xoá “điểm đen” mất an toàn giao thông dịp Tết

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân vui Tết đón xuân, năm nay, ngành Giao thông Vận tải đã xây dựng nhiều phương án giảm tải ách tắc giao thông tại cửa ngõ các thành phố lớn. Đặc biệt là xoá các “điểm đen” mất an toàn giao thông.

Nút giao đường trên cao từ BigC Thăng Long đến Pháp Vân (Hà Nội) luôn ách tắc vào các dịp lễ Tết. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân vui Tết đón xuân, năm nay, ngành Giao thông Vận tải đã xây dựng nhiều phương án giảm tải ách tắc giao thông tại cửa ngõ các thành phố lớn. Đặc biệt là xoá các “điểm đen” mất an toàn giao thông.

Ngăn chặn hành vi uy hiếp an toàn giao thông

Theo Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Định - Nguyễn Văn Chiến, năm 2019 toàn tỉnh có hơn 20 “điểm đen” nguy hiểm về giao thông được khắc phục. Cuối tháng 12.2019, Bình Định đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng công trình “xử lý điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến tỉnh lộ 637”, đoạn từ km 12+00 đến km 13+500 thuộc xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh).

Một số đoạn, tuyến trên Quốc lộ 1 chưa xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng cần được đầu tư, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.2 - Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - Trần Thái Hòa cho rằng, việc khắc phục các “điểm đen” tai nạn giao thông vừa đem lại sự an toàn, vừa đảm bảo mỹ quan, hạ tầng giao thông.

Theo Sở GTVT tỉnh Phú Yên, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020, nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nhất là trên các quốc lộ 1A và các điểm “đen” luôn ở mức cao. Sở GTVT đã triển khai nhiều biện pháp về vận tải hành khách, đảm bảo hạ tầng giao thông, cũng như tăng cường tuần tra kiểm soát; hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông.

Tại Khánh Hòa, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT, Công an tỉnh... tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi uy hiếp trực tiếp ATGT như ôtô khách chở quá số khách quy định, vi phạm tốc độ tối đa cho phép, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn cho phép, lạng lách, đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm... lưu ý đối với các trục đường quốc lộ và khu vực nông thôn và các địa điểm diễn ra lễ hội, điểm du lịch...

Nhiều phương án chống kẹt xe

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục đã yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng công an tiến hành điều tiết phân luồng phương tiện. Đồng thời chỉ đạo các trạm thu phí BOT trực 24/24 đặc biệt là các ngày trước và sau Tết, nếu cần thiết phải xả trạm theo quy định. Năm nay việc triển khai thu phí tự động không dừng cũng hạn chế được việc ách tắc tại các trạm thu phí BOT.

Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh đã công bố 3 lộ trình từ bến xe Miền Tây (TP.Hồ Chí Minh) về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tạo thuận lợi cho nhà xe có nhiều hướng lưu thông khi bị kẹt xe ở cửa ngõ Thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa - Giám đốc bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) cho biết, với các lộ trình này, hy vọng cửa ngõ phía Tây sẽ không còn cảnh ùn ứ kéo dài. Bởi với 3 lộ trình, các ngành chức năng hoàn toàn có thể chủ động điều tiết xe cộ khi phát sinh sự cố để tránh kẹt xe.

Ông Nguyễn Hoàng Huy - Phó giám đốc bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho hay, bến xe Miền Đông đã đề nghị bổ sung 2 hành trình dự phòng khi xảy ra tình trạng kẹt xe, sự cố giao thông ở khu vực cửa ngõ phía Đông. Khi xảy ra các sự cố kẹt xe ở các tuyến đường như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), bến xe sẽ nhanh chóng phối hợp các cơ quan điều chỉnh lộ trình xe cho phù hợp. Bến xe cũng đề nghị địa phương quản lý kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để nạn “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình” gây cản trở hành trình xe trong bến đi lại.

Ngoài các điểm nóng thường xuyên kẹt xe là bến xe Miền Đông - Miền Tây, trong dịp Tết Nguyên đán, người dân lo ngại nhất là tình hình kẹt xe trên hai tuyến cao tốc ở cửa ngõ phía Đông và phía Nam thành phố. Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị được giao quản lý, vận hành khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thời gian qua, bình quân mỗi ngày có 40.000 - 43.000 lượt phương tiện thông qua tuyến cao tốc này khiến thường xảy ra ùn ứ, nghiêm trọng nhất là đoạn từ TPHCM đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20km.

Giảm ách tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố

Theo Phó  giám đốc VECE - Nguyễn Thị Hoài Phương, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phối hợp các lực lượng chức năng để khẩn trương giải quyết sự cố, giải phóng nhanh hiện trường, đảm bảo an toàn giao thông và giao thông thông suốt. Ngoài ra, VECE sẽ phối hợp với VOV giao thông cập nhật tình hình đi lại trên tuyến đường này, gắn biển báo điện tử trên tuyến đường nhằm giúp chủ phương tiện lựa chọn lộ trình thích hợp; tổ chức mở làn ngược chiều, bán vé thủ công nhằm tăng năng lực thông hành qua trạm...

Tại Hà Nội, hiện việc ùn tắc dự kiến sẽ xảy ra tại tuyến đường trên cao với các nút  giao BigC, Nguyễn Trãi và khu vực Pháp Vân từ Bến xe Giáp Bát qua bến xe Nước Ngầm vào các ngày cận Tết khi người dân về quê ăn, và sau Tết là từ trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trở vào khu vực nội đô. Theo Chủ tịch HĐQT BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - Nguyễn Văn Khôi, dự báo dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không có sự ùn tắc giao thông vì toàn tuyến đã được cải tạo mở rộng, trừ trường hợp sự cố của các phương tiện giao thông. Nếu xảy ra sự cố đơn vị sẽ kịp thời cứu hộ để giải quyết. Để phục vụ tốt nhất việc đi lại của người dân đơn vị đã phối hợp với Thanh tra giao thông, đội CSGT số 14 Công an Hà Nội và C08 trực 24/24.

Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương về các tỉnh miền Tây có thể đáp ứng khoảng 35.000 - 40.000 xe/ngày lưu thông. Dự báo, vào thời gian trước và sau Tết Nguyên đán 2020, lượng xe tăng đến 150-200% khiến tuyến cao tốc này càng thêm quá tải. Theo đơn vị quản lý tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, trường hợp cao tốc kẹt xe, lực lượng sẽ chặn phân luồng từ xa, hướng dẫn phương tiện di chuyển, thoát ra quốc lộ 1.

Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở GTVT TPHCM, vào dịp Tết, Sở GTVT đã đề nghị lực lượng chức năng các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương cùng phối hợp trong việc trao đổi thông tin, cập nhật tình hình và lên phương án điều tiết giao thông, đặc biệt là ở các giao lộ.

Ngoài ra, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong... túc trực tại các điểm nóng như: Bến xe Miền Đông - Miền Tây, sân bay Tân Sơn Nhất, các cửa ngõ cao tốc miền Đông và miền Tây nhằm điều tiết giao thông, xử lý sự cố, cố gắng đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn. 

Nhóm PV

 

/ laodong.vn