Xin hãy nhớ và đừng để tái diễn!

Cùng với việc thương tiếc, lo cho người đã khuất trong thảm kịch 39 người chết tại Anh, chúng ta nên nghĩ tới những bài học

Cuối cùng thì những thông tin chúng ta không mong đợi đã trở thành sự thật, khi cảnh sát Anh thông báo có nạn nhân người Việt trong vụ 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London. Tất nhiên, dù nạn nhân là ai, từ nước nào thì vụ việc cũng hết sức đau lòng, trong khi đây lại là những đồng bào của chúng ta tử nạn nơi đất khách!

Ngay sau khi có thông tin, từ Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cử ngay các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp sang Anh để làm việc với nhà chức trách Anh xử lý các công việc có liên quan.

xin hay nho va dung de tai dien
Người Việt Nam xếp nến thành con số 39, cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm kịch. (Ảnh: REUTERS/VOV)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu chính quyền các địa phương có gia đình nạn nhân có các biện pháp phù hợp, quan tâm chia sẻ động viên để họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh viết trên twitter: "Với lòng tiếc thương sâu sắc, tôi muốn gửi lời chia buồn chân thành và sự cảm thông sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Anh trong vụ việc này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thì nhấn mạnh: “Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này”.

Từ phía Việt Nam, ngay từ đầu vụ việc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, trong và ngoài nước của Việt Nam gấp rút vào cuộc triển khai các công việc cần thiết, nhất là trong việc phối hợp với phía Anh. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đều xác định phải làm hết sức mình trong phạm vi có thể, bởi “nghĩa tử là nghĩa tận” đối với đồng bào xa quê hương.

Trong một chừng mực nào đó, vụ việc gợi nhớ lại những sự kiện trước đây như nỗ lực giải cứu lao động Việt Nam tại Libya năm 2011 hay vụ bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương mới đây. Phải khẳng định rằng, chúng ta luôn sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân dù họ ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, theo các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật sở tại và luật pháp quốc tế.

Thứ hai, vụ việc cho thấy thực trạng và những góc khuất nhức nhối của nạn buôn người trên phạm vi toàn cầu. Như nhấn mạnh của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự.

Cuối cùng, góc nhìn có thể day dứt nhất là từ phía các nạn nhân và rộng hơn, của những người đã và đang có ý định đi tìm “miền đất hứa” bằng con đường không hợp pháp. Có những ý kiến cho rằng, họ ra đi vì không có nhiều cơ hội mưu sinh hay làm giàu ở trong nước, nhưng rõ ràng là không cần nhiều bằng chứng và lập luận để bác bỏ ý kiến này, dù lẽ thường, người ta ai chẳng muốn mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn và mỗi người đều muốn tìm cơ hội cho mình. Trong “thế giới phẳng” hội nhập sâu rộng ngày nay, ngay cả công dân của các quốc gia phát triển cũng đi tìm “miền đất hứa” của mình và Việt Nam thậm chí còn được đánh giá là một trong những nơi sống và làm việc tốt nhất đối với người nước ngoài.

Đi ra nước ngoài làm việc là quyền của công dân Việt Nam và họ cũng có rất nhiều lý do khác nhau để ra đi, nhiều địa phương của Việt Nam còn khuyến khích và hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động như một cách để thoát nghèo và từ đó, vươn lên làm giàu. Song các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn khuyến cáo công dân lựa chọn con đường hợp pháp, còn ngược lại, cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt, không chỉ bởi những chế tài của pháp luật mà đôi khi còn bằng cả sức khỏe và tính mạng! Cho tới nay, nước Anh không cấp giấy phép cho lao động phổ thông của Việt Nam, điều mà ai muốn tới đó tìm kiếm cơ hội việc làm chắc hẳn đều phải biết.

Từ nhiều quốc gia, các lao động nhập cư trái phép vào các nước phát triển, hoặc bị lừa gạt bởi tội phạm buôn người, hoặc hiểu rõ những rủi ro có thể đến với mình trên hành trình đi và làm việc bất hợp pháp nhưng vẫn đánh liều “nhắm mắt đưa chân”.

Có những ý kiến cho rằng chính quyền các nước đang phát triển làm không đủ những việc cần thiết để phòng ngừa thảm kịch, nhưng nói một cách công bằng, nếu như các nước phát triển còn gặp khó khăn đến thế trong việc ngăn chặn các di dân này xâm nhập, thì liệu có dễ dàng cho các nước đang phát triển ngăn ngừa họ ra đi?

Đúng như chia sẻ của Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Gareth Ward, vụ việc đau lòng này là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người ở Anh, ở Việt Nam và trên thế giới. Và rằng, bên cạnh việc thương tiếc cho người đã khuất, chúng ta cũng nên nghĩ về những người tiếp theo có thể bị tội phạm mua bán người lợi dụng để có thể ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra.

Một nhà văn từng nói đại ý rằng, thật đáng buồn nếu cuộc sống không có pháp luật, nhưng cũng đáng buồn không kém nếu cuộc sống chỉ có pháp luật mà thiếu vắng đi những giá trị khác. Vụ việc đau lòng này sẽ còn được nhắc tới trong nhiều năm sau như một câu chuyện đáng nhớ về nhiều khía cạnh - từ pháp luật cho tới đạo đức xã hội, lòng nhân đạo, tình nghĩa đồng bào… với những bài học chung cho tất cả, nhưng thiết nghĩ không ai có thể “học thay” người khác và mỗi người, mỗi gia đình phải tự rút ra bài học sâu sắc nhất cho chính mình.

Số phận cá nhân gắn bó với số phận chung của dân tộc, của đất nước, nhưng mỗi người cũng luôn có thể lựa chọn con đường riêng. Dù rất đau lòng nhưng khi thảm kịch xảy ra cũng chính là lúc chúng ta có thể cùng nhìn lại để nhận ra rằng có những giá trị không thể đánh đổi bằng tiền bạc hay mạng sống, có những giá trị vượt qua khác biệt về màu da, biên giới lãnh thổ hay thể chế chính trị… Và những bài học cần được rút ra để thế giới và cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, hoặc ít nhất cũng bớt đi những mảng tối đau lòng!

Xin trân trọng giới thiệu bài thơ “Nguyện cầu” của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, một người con của quê hương Nghệ - Tĩnh, như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người xấu số và sẻ chia với các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ việc:

NGUYỆN CẦU

Hạt Essex, sáng 23 tháng 10

Ba mươi chín linh hồn đông lạnh

Nước Anh bàng hoàng, quê nhà đau đớn

Mong một phép màu: không phải Việt Nam

Dẫu không Việt Nam, cũng máu đỏ da vàngDa trắng, đen, nâu...cùng là đồng loại

Cũng chín tháng mười ngày, cũng khổ đau nếm trải

Thập loại chúng sinh tiếng khóc tự bao đời

Tim không muốn tin, lý trí vẫn trào sôi

Những lần sang Anh bỗng về trong ký ức

Ga tàu điện ngầm, gặp ánh nhìn thân thuộc

- Cháu quê đâu ? - Dạ, Hà Tĩnh, Nghệ An!

Còn cháu Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang...

Nhiều người sang đây...đều nhờ "cò xuất khẩu"

- Kiếm tiền dễ không, có nơi tạm trú

Mỗi ngày nhọc nhằn, nhặt được bao nhiêu?

Mấy cháu tha hương mắt ngấn lệ, cúi đầu

- Ngày được vài "oi" (Euro), nếu không bị "trấn"

Đêm tuyết trắng, thùng các-tông trú tạm

Bọn khá hơn, liều mình chốn núi xa

Trồng gai dầu, còn gọi cần sa

- Cần sa ư, nguy hiểm, vậy mà.. ?

- Đã liều thân, đường cùng, nhắm mắt

Bao đứa bạn, chốn lao tù đắng đót

Chỉ mong có ngày về lại quê hương

Dù đói no, thở nhịp sống bình thường

Sớm chiều lúa khoai, tựa vai bố mẹ

Mắt uống trời xanh, tai nghe chim hót

Sống lại tuổi thơ, võng kẽo kẹt ầu ơ!

Ba mươi chín cháu tôi, đã hết một giấc mơ

Giá nghe được lời những người đi trước

Giá người thân... giá cháu không lỡ bước

Thì có đâu nước mắt tháng năm này...

Xin người đời đừng bàn ngược tán xuôi

Để người đi yên bình nơi chín suối

Nếu đầu thai, kiếp sau, ai đó hỏi

Ba chín linh hồn: làm con mẹ cha thôi!.

/ vtc.vn