Trong vụ việc tài xế xe ôm công nghệ GrabBike phản ứng khoản thu 60.000 đồng/ngày được Grab thu hộ thuế cho Nhà nước, có một thực tế là họ không còn biết “nắm” ai. Trong khi đó, Grab là bên trung gian đứng ra thu hộ theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Không được giảm trừ gia cảnh
Việc thu hộ thuế đối với tài xế GrabBike được Grab cho biết thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn số 384/TCT-TNCN ngày 8.2.2017, công văn số 1531/TCT-TNCN ngày 2.4.2017 của Tổng Cục thuế; công văn 5729/CT-TTHT ngày 19.6.2017 và công văn số 357/CT-TTHT ngày 11.1.2018 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Theo các công văn này, tài xế xe ôm công nghệ nói chung và GrabBike nói riêng được xếp vào đối tượng chịu thuế là “cá nhân kinh doanh”, phải nộp thuế tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên doanh thu (còn gọi là thuế khoán). Cụ thể, các tài xế xe ôm công nghệ phải đóng mức thuế giá trị gia tăng là 3% doanh thu, mức thuế thu nhập cá nhân là 1,5% trên doanh thu và đối với tiền thưởng là 1%.
Các tài xế xe ôm công nghệ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Tuy nhiên, đối tượng chịu thuế này sẽ không được hưởng chính sách giảm trừ gia cảnh cũng như các loại giảm trừ khác. Anh H - tài xế GrabBike, nhà ở quận Tân Bình, TPHCM - cho biết: “Dù tôi có tới 4 con nhưng không nghe nói được giảm trừ gì cả. May mà tôi có nhà, chứ nếu phải đi thuê nhà ở thì thu nhập chẳng còn được bao nhiêu để nuôi con”.
Trong khi đó, một tài xế GrabBike khác là anh P vừa nhận được thông báo có thể sẽ phải đóng thuế thu nhập. Vì từ đầu năm đến hết tháng 8.2019, tổng thu nhập của anh đã đạt gần 70 triệu đồng, khả năng sẽ vượt 100 triệu đồng trong năm nay. Dù anh P có hai con nhỏ và đang ở nhà thuê, nhưng cũng không nghe nói được giảm trừ cho con cái.
“Sống mòn” vì không được giảm trừ
Anh C - một tài xế của Go-Viet (hộ khẩu phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TPHCM) - cho biết, nhà đông anh em nên khi có vợ con, anh phải thuê nhà ở riêng. Anh đặt vấn đề, diện cá nhân kinh doanh đã không được giảm trừ gia cảnh và các chi phí khác nhưng đối với các chi phí hợp lý như xăng dầu, nhớt… cũng không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Đây cũng chính là câu hỏi nhức nhối nhất mà nhiều tài xế GrabBike đã đặt ra trong cuộc tiếp xúc đại diện Grab hồi cuối tháng 8 khi bị trừ khoản thu thuế 60.000 đồng/ngày (sau đó Grab đã ngừng thu), nhưng chưa có lời giải đáp.
Tuy nhiên trên thực tế, Grab cũng chỉ là trung gian thu hộ cho nên khó có đủ chuyên môn hay thẩm quyền để trả lời cho thắc mắc trên của hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ. Cái gốc của vấn đề chính là hướng dẫn từ cơ quan thuế, cũng không đề cập rõ là các “cá nhân kinh doanh” là tài xế xe ôm công nghệ có được khấu trừ các “chi phí sản xuất kinh doanh” như xăng nhớt, sửa chữa bảo dưỡng xe máy, trang phục, điện thoại, Internet... vào thu nhập chịu thuế. Một số tài xế GrabBike và Go-Bike cho hay, những khoản chi phí trên có thể chiếm tới 1/3 tổng thu nhập hàng năm của mỗi tài xế. Như vậy, nếu tổng thu nhập của họ đạt 100 triệu đồng thì khoản thu thực tế chỉ còn 70 triệu đồng.
Theo những công bố mới nhất, tổng số tài xế xe ôm công nghệ thuộc diện “cá nhân kinh doanh” của các ứng dụng Grab, Go-Viet, Be, MyGo hiện đã lên đến hơn 420.000 người. Đa phần trong số họ thuộc diện nghèo, khó khăn, có thu nhập thấp, một người làm phải nuôi 2-3 miệng ăn. Gọi họ là “cá nhân kinh doanh” song thực chất là hành nghề chở thuê kiếm sống qua ngày. Họ với thu nhập đã thấp, lại không được giảm trừ hay khấu trừ đối với các loại chi phí, gia cảnh, vì thế càng trở nên “sống mòn” trong tình thế hiện nay.
Đóng giả tài xế xe ôm để hiếp dâm phụ nữ |
Chạy “xe ôm”, xích lô ở Hà Nội phải được cấp phép, có thẻ hành nghề |
Hà Nội đề xuất cấp thẻ cho xe ôm |