Dù đã được điều chuyển về các bến xe phía nam nhưng nhiều nhà xe chạy tuyến nghệ an, hà tĩnh vẫn rầm rộ vượt tuyến, xé rào lập văn phòng đại diện quanh bến xe Mỹ Đình để hoạt động. Lực lượng chức năng có biết sự hoạt động vi phạm này hay có sự bảo kê
Xe khách Nghệ An, Hà Tĩnh hoạt động rầm rộ trong vành đai 3
Đầu năm 2017, để hạn chế xe khách chạy xuyên tâm trên đường vành đai 3, UBND TP Hà Nội đã điều chuyển toàn bộ xe khách từ bến Mỹ Đình đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về các bến xe khu vực phía Nam thành phố như Giáp Bát, Nước Ngầm.
Qua một thời gian lực lượng chức năng làm nghiêm, siết chặt, hoạt động luồng tuyến dần đi vào quy củ, nề nếp. Nhưng đến nay, dường như có sự lơi lỏng nên xe khách Nghệ An, Thanh Hóa đang bất chấp, xé rào vượt tuyến về xung quanh bến xe Mỹ Đình hoạt động rầm rộ.
Xe khách của Công ty Vận tải Thanh Xuân vào tận Khuất Duy Tiến hoạt động lấy hàng, đón khách
Trong đó, nổi lên tình trạng xe khách “trá hình”, mở văn phòng trên dọc trục vành đai 3 và khu vực bến xe Mỹ Đình để hoạt động đón khách, trả khách. Tình trạng này đang gây xáo trộn, bức xúc trong cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động các tuyến xe đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh chấp hành đúng quy định.
Ghi nhận trong nhiều ngày của phóng viên cho thấy, toàn bộ các loại xe khách “trá hình” hoạt động vượt tuyến lên khu vực Mỹ Đình là xe khách loại lớn, 45 chỗ giường nằm.
Xe khách của nhà xe Trần Anh, hoạt động rầm rộ hàng ngày ở 12 Phạm Văn Đồng
Cụ thể, địa bàn 4 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân đều có các nhà xe chuyên tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh nằm rải rác ven vành đai 3 hoạt động. Xe khách 45 chỗ ngồi đỗ tận cửa các văn phòng hoặc đỗ la liệt trên một số tuyến phố quanh khu vực bến xe Mỹ Đình để đón khách, nhận hàng hóa.
Nhà xe Trần Anh hoạt động 1 ngày 4 chuyến đi Vinh- Hà Tĩnh- Đồng Hới
Điển hình như, như Công ty lữ hành du lịch quốc tế Phúc Lợi, mở văn phòng tập kết hành khách, hàng hoá tại số 71 Khuất Duy Tiến. Công ty sử dụng nhiều xe trung chuyển, đón khách từ văn phòng ra bến xe Nước Ngầm.
Với các chuyến về đêm muộn như lúc 23h15 phút, Công ty ngang nhiên đưa cả xe to 45 chỗ giường nằm BKS 37B-108.58 vào 71 Khuất Duy Tiến để đón khách. Hành khách có thể gọi điện để đặt chỗ trước, khi lên xe mới phải trả tiền, giá vé giường nằm ở Hà Nội về Nghệ An được Công ty Phúc Lợi thu với mức 230.000 đồng/vé.
Các văn phòng của nhà xe mở ra nhằm phục vụ việc chạy xé rào, vượt tuyến hoạt động nhộn nhịp
Tương tự, Công ty vận tải Thanh Xuân mở văn phòng tại số 102 C3 Khuất Duy Tiến; đón khách đi Nghệ An bằng xe giường nằm. Chuyến sớm nhất là 19h hàng ngày, muộn nhất 22h hàng ngày.
Ghi nhận xe giường nằm BKS 29B - 090.27 của đơn vị này trong nhiều ngày cho thấy, xe đón khách rồi đi thẳng ra đầu cao tốc Pháp Vân, nằm lì tại đây khoảng 30 phút để bắt thêm khách rồi mới chịu di chuyển tiếp. Giá cước mỗi lượt Công ty Thanh Xuân thu là 180.000 đồng/người, nhưng không xé vé cho hành khách.
Ngay chân cầu vượt Mai Dịch, số 12 Phạm Văn Đồng là văn phòng của nhà xe Trần Anh, khai thác tuyến Hà Nội- Vinh - Hà Tĩnh - Đồng Hới. Xe hoạt động với tần suất 4 chuyến/ngày, vào 10h sáng, và từ 21 – 23h, giá vé 200.000đồng/người. Trước cửa văn phòng xe Trần Anh đã hình thành nơi tụ tập taxi, xe ôm để đón, chở khách khá nhộn nhịp.
Khó xử lý, chế tài nhẹ hay còn lý do khác?
Tình trạng xe khách tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh "lách luật", vượt tuyến vào tận khu vực vành đai 3 hoạt động diễn ra ngày một nhức nhối, gây bức xúc cho người dân và các doanh nghiệp chạy cùng tuyến đang hoạt động ở khu vực bến xe phía Nam.
Một doanh nghiệp chuyên chạy tuyến Vinh- Hà Nội bức xúc: “Chúng tôi đang hoạt động yên ổn tại bến Mỹ Đình nhiều năm, chấp hành đúng chủ trương của UBND TP, chuyển về hoạt động tại các bến xe phía Nam theo đúng luồng tuyến. Nhưng không hiểu sao, các doanh nghiệp làm ăn không đúng, xé rào vượt tuyến vẫn hoạt động rầm rộ ở trong vành đai 3 đi Vinh, Hà Tĩnh? Lực lượng chức năng không nắm, không quản lý được hay sao? Nếu cứ tiếp diễn, các doanh nghiệp chấp hành đúng luật như chúng tôi sẽ rất thiệt thòi”.
Đại diện Đội Thanh tra GTVT Nam Từ Liêm cho biết, công tác xử lý vi phạm xe khách “trá hình” thực sự vô cùng khó khăn, phức tạp. Các nhà xe khi bị phát hiện lỗi thường xin xỏ, nếu không được sẽ chây ì, không chịu ký vào biên bản.
Cụ thể như, tối 3/6, Tổ công tác của Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm tuần tra tại khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình, phát hiện một số xe khách hoạt động vượt tuyến nhưng cũng rất khó khăn trong xử lý. Đơn cử, xe 16 chỗ BKS 29B - 108.10 trung chuyển khách từ 28 Phạm Hùng ra bến xe Nước Ngầm, khi phát hiện lực lượng chức năng đã bỏ chạy, chỉ đến khi bị Tổ công tác chia ra các ngả, không còn “lối thoát”, lái xe mới chịu ký vào biên bản. Theo đó, xe trung chuyển này của nhà xe Nhuận Năm, chạy tuyến Nước Ngầm- Nghệ An, một ngày 4 lần xe này đón khách từ 28A Phạm Hùng...
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm đón trả khách tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh dọc trục đường vành đai 3 cho thấy, ít khi xuất hiện bóng dáng lực lượng chức năng. Các văn phòng này vừa bán vé tại chỗ, vừa nhận đặt vé qua điện thoại, hoạt động như một bến “cóc” đón khách, nhận hàng, bất kể ngày đêm.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề, việc tuần tra, xử lý vi phạm xe khách “trá hình”, vượt tuyến thời gian qua hiệu quả không cao là vì đâu? Vì sao các nhà xe này bất chấp để hoạt động vi phạm, xé luồng tuyến, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe hay còn vì những lý do nào khác?
Hà Nội: Trên 150 xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý
Ngày 29.5, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ ngày 15.5, thực hiện đợt cao điểm ra quân kiểm tra, ... |
Quảng Ninh cách ly 20 người đi xe khách, Hải Phòng yêu cầu người từ TP.HCM ra kê khai y tế
Corona: Xe khách chở 20 người khi vào tỉnh Quảng Ninh đã được cách ly để phòng dịch Covid-19 do trên xe có một du ... |