Xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định

Nhà xe tuyến cố định sử dụng xe hợp đồng "trá hình" để gom khách chở theo tuyến cố định đang diễn ra ngày càng phổ biến.

Kỳ 1: Doanh nghiệp tuyến cố định sử dụng xe hợp đồng “trá hình” chở khách

Tình trạng doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cắt bớt “lốt” chạy trong bến xe, thay vào đó sử dụng xe hợp đồng “trá hình” vận chuyển khách diễn ra ngày càng phổ biến, làm rối loạn môi trường kinh doanh vận tải khách.

xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định

Xe hợp đồng "trá hình" của nhà xe tuyến cố định Kết Đoàn gom khách lẻ, bán vé cho từng người ngay tại văn phòng đại diện trên đường Mỹ Đình

Đặt xe tuyến cố định, khách bất ngờ được xe hợp đồng “trá hình” đón

Sáng 9/3, PV Báo Giao thông đặt xe di chuyển từ Hà Nội về TP Hải Phòng qua số điện thoại hotline của nhà xe Kết Đoàn chuyên tuyến cố định từ Hà Nội - Hải Phòng.

Tuy nhiên thay vì nhắc khách vào bến đón xe, nhân viên nhà xe lại chỉ dẫn đến văn phòng đại diện tại 122 Mỹ Đình (cạnh bến xe Mỹ Đình) để được đón.

Theo lịch hẹn, đúng 9h sáng, PV có mặt ở địa chỉ trên, phía bên trong có một bàn làm việc, nhân viên trực tiếp thu tiền và in vé xe Hà Nội về TP Hải Phòng với giá 150.000 đồng/người đưa cho khách hàng.

Mặc dù là văn phòng đại diện tuy nhiên tại đây không khác gì một “bến cóc”, nhà xe Kết Đoàn ngang nhiên giao nhận hàng hoá, đón/trả khách một cách nhốn nháo.

Đáng chú ý, chiếc xe 16 chỗ BKS 14F-001.13 dán biển “Kết Đoàn” phía đầu xe chở PV và 10 người khác không phải xe tuyến cố định mà mang phù hiệu xe hợp đồng.

Sau khi gom đủ khách tại văn phòng, chiếc xe này len lỏi trong đường làng Mỹ Đình rồi rẽ ra đường Lê Đức Thọ - Đại lộ Thăng Long để lên đường Vành đai 3.

Bất chấp quy định cấm, chiếc xe hợp đồng “trá hình” vẫn đi vào làn đường khẩn cấp để “chạy đua” với thời gian, đón thêm 2 khách ở cầu Tam Trinh trên đường dẫn từ Vành đai 3 lên cầu Thanh Trì lúc 9h40.

Khoảng 5 phút sau, chiếc xe này dừng trên lối lên cầu Thanh Trì, chuyển 1 khách sang xe khác và dừng chờ 10 phút để trả hàng tại lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định

Văn phòng đại diện của nhà xe Kết Đoàn ngay cạnh bến xe Mỹ Đình hoạt động như một "bến cóc"

Theo ghi nhận của PV, dù là xe hợp đồng nhưng chiếc xe 16 chỗ của nhà xe Kết Đoàn hoạt động không khác gì xe khách tuyến cố định, gom khách lẻ và bán vé cho từng người.

Khoảng 11h chiếc xe về tới TP Hải Phòng, tài xế cũng ngang nhiên trả khách dọc đường và “tấp” vào văn phòng phía ngoài bến xe Thượng Lý để chuyển hàng hoá khách gửi xuống đây.

Trước đó, PV cũng ghi nhận chiếc xe 16 chỗ khác của nhà xe Kết Đoàn BKS 14F- 001.31 cũng mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe tuyến cố định.

Tương tự, trong các ngày 6-8/3, PV Báo Giao thông ghi nhận trên tuyến Hà Nội – Thanh Hoá, nhà xe Vân Anh, bên cạnh những chiếc xe khách phù hiệu tuyến cố định cũng sử dụng 2 chiếc xe phù hiệu hợp đồng BKS 36B-031.28 và 36B-031.13 gom khách lẻ, đón/trả như tuyến cố định với giá vé 250.000 đồng/phòng trên xe Limousine 22 phòng.

Tại TP. Thanh Hóa , nhà xe này lập văn phòng đại diện tại số 40 Lê Hoàn để bán vé, giao nhận hàng hóa và gom khách lên xe đi Hà Nội. Do đây là ngã ba giao nhau giữa đường Trần Oanh và đường Lê Hoàn, cách cổng Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ khoảng 30m, nên việc tồn tại “bến cóc” của nhà xe Vân Anh đã khiến khu vực này thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân.

xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định

Chiếc xe BKS 29B-204.92 phù hiệu tuyến cố định của nhà xe đón khách tại văn phòng 40 Lê Hoàn rồi chạy thẳng đi Hà Nội mà không vào bến xe phía Bắc Thanh Hóa để đóng lệnh xuất bến, ngang nhiên bắt khách dọc đường trên QL1

Tuyến cố định hoạt động bát nháo, bỏ bến chạy dù

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, điểm chung của những chiếc xe phù hiệu tuyến cố định của nhà xe Kết Đoàn và nhà xe Vân Anh đó là thường xuyên bỏ bến, bắt khách dọc đường và sử dụng xe trung chuyển trái phép đón trả khách.

Sáng 4/3, trong vai khách hàng, PV đặt vé từ Hà Nội về TP Thanh Hóa của nhà xe Vân Anh, khoảng 7h40 được một xe 7 chỗ Innova BKS trắng 36E-684.33, dán số hiệu 23 ở góc phải kính xe phía trước, không có phù hiệu xe trung chuyển, không niêm yết thông tin nhà xe đón tại khu vực cổng chợ Minh Khai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tài xế sau đó cho xe chạy vòng qua đường Văn Tiến Dũng - Khu dân cư Học viện Cảnh sát đón thêm 3 khách rồi di chuyển về văn phòng tại đường Trần Vỹ nhận hàng, tiếp tục đón thêm 1 khách khác trên đường Lê Đức Thọ và chạy thẳng lên đường Vành đai 3 ra bến xe Nước Ngầm.

Dù không có nhận diện xe trung chuyển của nhà xe, chiếc Innova vẫn vô tư qua cổng bến chạy thẳng vào khu vực bán vé của nhà xe Vân Anh, trả khách tại đây rồi rời bến tiếp tục hành trình đón những vị khách khác cho chuyến xe sau.

xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định

Xe trung chuyển trái phép của nhà xe Vân Anh vô tư vào bến xe Nước Ngầm đón/trả khách ngay phía trước khu vực quầy vé

Quá trình từ Hà Nội - TP Thanh Hóa, xe khách BKS 29B-200.36 liên tiếp trả khách dọc đường và thay vì vào bến xe phía Bắc theo đúng lịch trình và quy định của xe chạy tuyến cố định, tài xế cho xe chạy thẳng về văn phòng đại diện tại số 40 Lê Hoàn để trả khách.

Khung cảnh nhốn nháo ngay trước cửa xuống xe khi các tài xế xe trung chuyển của nhà xe Vân Anh liên tục hỏi khách nơi về để bố trí xe đưa đón tận nơi.

Giống như ở Hà Nội, những chiếc xe trung chuyển của nhà xe này ở TP Thanh Hóa cũng được đánh số thứ tự, nhưng biển số màu vàng và được đăng ký xe kinh doanh, tuy nhiên với phù hiệu xe hợp đồng, thay vì xe trung chuyển theo quy định.

Ngày 6/3, PV tiếp tục ghi nhận tại văn phòng 40 Lê Hoàn, sau khi đón khách bằng xe trung chuyển về đây và hướng dẫn mua vé, lên xe BKS 29B-204.92, tài xế đã cho xe chạy qua đường Đại lộ Lê Lợi hướng về cầu Nguyệt Viên ra Quốc lộ 1 chạy thẳng đi Hà Nội mà không qua bến xe phía Bắc để đóng lệnh xuất bến.

Tương tự, chiều 9/3, PV lên xe khách BKS 15B-026.45 của nhà xe Kết Đoàn về Hà Nội tại bến xe Thượng Lý, trên xe chỉ có 3 hành khách. Sau khi rời bến, chiếc xe chạy “rùa bò” đón thêm khoảng chục khách khác trước khi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Thay vì vào bến xe Giáp Bát theo đúng tuyến đăng ký, chiếc xe này trả khách dọc đường tại đường dẫn lên cầu Thanh Trì rồi chạy thẳng đường Vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long - Lê Đức Thọ - Mỹ Đình để về văn phòng đại diện số 122 Mỹ Đình trả khách và hàng tại đây lúc 17h30.

Tài xế cho biết, 18h chiếc xe này sẽ tiếp tục hành trình từ Hà Nội - TP Hải Phòng và đón khách ngay tại văn phòng này mà không vào bến xe.

“Quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô không cấm một doanh nghiệp vận tải có cả xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Tuy nhiên, phải thực hiện đúng quy định đối với từng loại hình vận tải mà chiếc xe được đăng ký. Xe đăng ký phù hiệu hợp đồng không được phép gom khách lẻ, bán vé cho từng người như xe tuyến cố định. Như vậy là vi phạm quy định về kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng và cần phải xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

 (còn tiếp)
 
 
 
Yến Chi / Báo Giao thông