Xe buýt kế cận chạy xuyên tâm nội đô Hà Nội: Nhiều hệ lụy

UBND tỉnh Hà Nam vừa đề xuất mở hai tuyến buýt kế cận kết nối Hà Nam với TP.Hà Nội. Lộ trình của hai tuyến buýt với nhiều đoạn xuyên tâm vào nội đô của Hà Nội này đang dẫn tới những lo ngại về nguy cơ gia tăng ùn tắc trên một số trục đường vốn đã quá tải, đồng thời phá vỡ mạng lưới buýt của Thủ đô.

Chủ trương đúng

Với chủ trương mở các tuyến buýt kế cận kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận để thay thế cho các tuyến cố định liên tỉnh dưới 100km nhằm ngăn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình là chủ trương đã được UBND TP.Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo đó, ngày 30.5.2019, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản số 1505/UBND-GTXD đề xuất được mở hai tuyến buýt công cộng kế cận kết nối Hà Nam - Hà Nội.

Cụ thể, tuyến thứ nhất là Bến xe Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) - Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) có cự ly 73km. Lộ trình dự kiến: Bến xe khách Vĩnh Trụ - đường ĐT.491 - đường Thái Hòa (huyện Duy Tiên) - Quốc lộ 38 - nút giao Vực Vòng (huyện Đồng Văn) - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau đó vào trục đường Nghiêm Xuân Yêm - đường Khuất Duy Tiến - đường Phạm Hùng - Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) và ngược lại.

Tuyến thứ hai là Bến xe trung tâm thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) - Bến xe Gia Lâm (thành phố Hà Nội) có cự ly 75km. Lộ trình dự kiến: Bến xe trung tâm thành phố Phủ Lý - Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam - đường Lê Duẩn - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Lê Hoàn - Quốc lộ 1A - Đồng Văn - cao tốc Cầu Giẽ sau đó vào Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Quốc lộ 1A - đường Cổ Linh - đường Đàm Quang Trung - đường Nguyễn Văn Linh - đường Nguyễn Văn Cừ - Bến xe Gia Lâm (thành phố Hà Nội) và ngược lại.

Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách bằng xe ôtô do Sở GTVT Hà Nội tổ chức vào tháng 6.2019 vừa qua, ông Đào Việt Long - Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) - thừa nhận tình trạng xe tuyến cố định thông qua Hà Nội, xe hợp đồng trá hình như xe tuyến cố định, xe dù thường lợi dụng các khu đông dân cư, trường đại học, cao đẳng để đón, trả khách gây mất trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trên tuyến đường vành đai 3 và các tuyến đường xung quanh các bến xe. Một trong những giải pháp sẽ được thành phố Hà Nội nghiên cứu triển khai nhằm giải quyết bất cập này chính là mở các tuyến buýt kế cận có cự ly dưới 100km.

Cần có lộ trình hợp lý

Có thể nói đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam với TP.Hà Nội là phù hợp chủ trương. Tuy nhiên, lộ trình dự kiến của cả hai tuyến buýt kế cận tỉnh Hà Nam đề xuất đều có một số đoạn tuyến xuyên tâm nội đô Hà Nội. Theo đó, không chỉ gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông của nội đô vốn đã quá tải khi có thêm 160 lượt xe mỗi ngày (của cả hai tuyến) chạy xuyên tâm sau khi được cấp phép (nếu điều đó xảy ra), hai tuyến buýt kế cận này còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự ổn định và hợp lý của mạng lưới xe buýt Thủ đô.

Theo các chuyên gia giao thông, xe buýt kế cận và xe buýt nội đô của Hà Nội thay vì bổ trợ, cung cấp khách cho nhau (với điểm trung chuyển là các bến xe) thì lại trở thành đối thủ cạnh tranh tại các đoạn tuyến trùng lộ trình. Điều đó vừa lãng phí năng lực vận hành của buýt nội đô, lại vừa bất hợp lý về hạ tầng.

Các bến xe trên địa bàn TP.Hà Nội đã được quy hoạch và xây dựng đảm bảo theo các hướng kết nối từ các tỉnh đến các bến xe phía Bắc, phía Đông Bắc, phía Nam, phía Tây và phía Tây Bắc. Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, các tuyến xe buýt kế cận, xe khách liên tỉnh chỉ nên được cấp phép kết nối đến các bến xe vành đai của thành. Như vậy mới thực sự đáp ứng được mục tiêu ngăn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình và giảm giá thành, thu hút nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ.

xe buyt ke can chay xuyen tam noi do ha noi nhieu he luy Alexander-Arnold và những chiếc xe buýt chở ước mơ
xe buyt ke can chay xuyen tam noi do ha noi nhieu he luy Bà Nguyễn Bích Quy tường trình thêm chi tiết vụ bé trai chết trong xe buýt
xe buyt ke can chay xuyen tam noi do ha noi nhieu he luy Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt
 
/ laodong.vn