Xe buýt Hà Nội: Vô vàn bất cập

Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ trên địa bàn thành phố hiện chiếm tỉ lệ thấp nên đã hạn chế rất nhiều đến khả năng tiếp cận của hành khách. Trước thực tế đó, ngoài việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư hơn 300 nhà chờ tại khu vực ngoại thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của hành khách, nâng tỉ lệ người dân sử dụng xe buýt, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, UBND TP.Hà Nội đã có chủ trương kêu gọi, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Cần đa dạng các hình thức đầu tư

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 3.775 điểm dừng xe buýt (361 điểm có nhà chờ, chiếm tỉ lệ gần 10%). Trong đó, khu vực 12 quận nội thành có 1.329 điểm (340 điểm có nhà chờ, tỉ lệ trên 25%), khu vực ngoại thành gồm 2.446 điểm dừng (21 điểm có nhà chờ, tỉ lệ dưới 1%). Hệ thống điểm dừng, nhà chờ hiện nay cơ bản phù hợp với mạng lưới hiện tại; cự ly giữa các điểm dừng trên tuyến đáp ứng quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7.11.2014 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng xe buýt nội thành 630m, ngoại thành 900m). Các điểm dừng đều cung cấp thông tin cơ bản về các tuyến buýt dừng đón, trả khách (số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình rút gọn của tuyến); bảo đảm thuận lợi cho hành khách trong khu vực nội thành khi trên 80% người dân có thể tiếp cận bến với khoảng cách đi bộ dưới 500m.

Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ hạn chế. Tại nội thành, vẫn còn một số khu vực chưa bố trí được điểm dừng xe buýt do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ như khu đô thị Ciputra; khu ngoại giao đoàn và khu Tây Hồ Tây; khu Quảng An - Quảng Bá - Phủ Tây Hồ; khu vực trong ngõ từ 136 đến ngõ 209 Đội Cấn; khu vực dọc đường Quan Nhân... Cùng đó, tại khu vực ngoại thành, tỉ lệ người dân có thể đi bộ tiếp cận xe buýt dưới 500m còn thấp do mạng lưới xe buýt hiện nay vẫn chủ yếu hoạt động trên các đường trục chính. Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỉ lệ thấp đã hạn chế rất nhiều về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận của hành khách, đặc biệt những lúc thời tiết không thuận lợi. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là tỉ lệ điểm dừng có nhà chờ trong khu vực nội thành đạt thấp, bởi theo quy định, điểm dừng xe buýt tại nơi có vỉa hè rộng từ 5m trở lên phải lắp đặt nhà chờ. Song thực tế, số đường phố có vỉa hè rộng đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc phát triển thêm số lượng nhà chờ. Bên cạnh đó, nhiều công trình dân dụng, giao thông đang triển khai tại khu vực có điểm dừng nhà chờ, nên nhiều nhà chờ phải thu hồi, di chuyển để bảo đảm quy hoạch và tổ chức giao thông của công trình.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), năm 2019, Sở đã cùng UBND các huyện, thị xã khảo sát, lên kế hoạch lắp đặt 307 nhà chờ tại các khu vực ngoại thành và có Văn bản số 6859/BC-SGTVT ngày 7.8.2019 báo cáo đề xuất UBND Thành phố giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà chờ xe buýt và tổ chức quản lý sau đầu tư.

Cùng đó, việc đầu tư 600 nhà chờ xe buýt thuộc dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Vừa qua, UBND Thành phố đã có Quyết định số 6662/QĐ-UBND ngày 18.11.2019 quyết định chủ trương đầu tư. Hệ thống nhà chờ sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn Châu Âu; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, văn minh. Nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm. Hiện, thành phố đã phê duyệt chủ trương, các sở ngành liên quan đang triển khai các bước tiếp theo để kêu gọi doanh nghiệp.

Lái xe buýt: Áp lực cao, thu nhập thấp

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải, nhu cầu sử dụng nhà chờ xe buýt của hành khách xuất hiện tại tất cả điểm dừng (không kể nội thành, hay ngoại thành). Do vậy, với khu vực không thể thu hút nhà đầu tư xã hội hóa, việc sử dụng ngân sách để đầu tư nhà chờ là cần thiết vì sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, nếu các nhà chờ được đầu tư, việc thực hiện các nội dung tuyên truyền để thu hút người dân sử dụng xe buýt, tuyên truyền về pháp luật, trật tự an toàn giao thông... cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Tuyến buýt 6A (bến xe Giáp Bát - Cầu Giẽ) nhiều năm nay là những điểm dừng xe buýt tạm bợ được cắm dọc tuyến quốc lộ 1 cũ đoạn đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Nhiều chỗ do không có vỉa hè, lại có tuyến đường sắt chạy song song nên cột biển báo điểm dừng cắm bên trong hàng rào hành lang đường sắt, hành khách phải đứng ngoài hàng rào, ngay sát lề đường để chờ xe buýt vừa bụi bẩn, vừa mất an toàn giao thông. Khu vực nội thành cũng có không ít điểm dừng xe buýt rất nhếch nhác. Như trục đường đê Nguyễn Khoái (đoạn thuộc quận Hoàng Mai) có hàng chục điểm dừng xe buýt song chỉ có một cột sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến, lộ trình mà không có mái che. Thậm chí, có điểm dừng được cắm luôn trên mái đê. Ông Trần Thuận Thành (trú tại khu Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng) cho hay, do đường hẹp, lưu lượng phương tiện đông nên để bảo đảm an toàn, khách chờ xe buýt phải leo cầu thang lên mái đê. Ngày nắng đã khổ, gặp phải ngày mưa, khách không biết trú vào đâu.

Xe buýt dài 10m, chỉ kém xe container, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách. Trong điều kiện ùn tắc giao thông, xe buýt phải gồng mình bơi trong trong vòng vây hoạt động của các loại hình phương tiện khác. Tài xế buýt mới lái dễ “choáng” và bò ra đường. Do không có làn đường dành riêng, xe buýt phải đi theo kiểu... "điền vào chỗ trống" và tạt đầu phương tiện bởi nếu nhường thì không biết lúc nào mới hoàn thành chuyến xe. Lái xe Nguyễn Đắc Minh chạy tuyến  95 Nam Thăng Long - Đại học Sư phạm 2 Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) cho biết, nghề lái xe buýt rất vất vả. Ngoài áp lực khi tham gia giao thông, họ còn phải đối mặt với nhiều bất cập như hành khách không chủ động mua vé, cố tình trốn vé hoặc vé tháng của người này cho người khác mượn để đi khi bị phát hiện thì gây hấn. Trong khi đó đó, hiện 90% nhà chờ không có nhà vệ sinh rất bất tiện cho cả hành khách và lái phụ xe. Ngoài ra, lái xe chạy tuyến 53B nói rằng, công việc triền miên không có ngày nghỉ (trừ ốm đau, nghỉ phép) vì xe không bao giờ dừng. Ngày mùng Một Tết Nguyên đán ưu ái hơn do được “mở hàng” vào lúc 9 giờ sáng, ngày 30 Tết đóng bến lúc 18 giờ. Lái xe, nhân viên bán vé muốn về sum họp bên mâm cơm tất niên gia đình cũng phải 20 giờ. Những ai ở xa về đến nhà có khi đã Giao thừa. Mà không chỉ có lái xe, bán vé mà cả bộ máy liên quan đến vận hành cũng phải chạy theo, từ thợ bảo dưỡng, rửa xe, thu ngân, điều hành... theo ca kíp. Những người làm nghề lâu năm đều cảm nhận không có được những ngày Tết trọn vẹn.

Trong khi đó, thu nhập bình quân lái xe buýt dao động khoảng 10-12 triệu đồng/tháng nếu đi làm đủ ngày công. Được biết, trước đây, nghề xe buýt rất hấp dẫn nhưng bây giờ ngược lại bởi một nguồn lực rất lớn chạy sang lái xe cho các công ty của khu công nghiệp lớn, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, công việc nhàn nhã hơn, không có chuyện phải chạy đêm hôm, chỉ chạy mỗi lượt cả sáng và chiều.

Đặng Tiến

/ laodong.vn