Trung Quốc chỉ trích Mỹ “vô lý” và “không công bằng” khi đưa ra đánh giá chính sách thương mại của Bắc Kinh tại cuộc rà soát định kỳ của WTO.
Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) cho rằng, nhiều khiếu nại và yêu cầu của Mỹ và các quốc gia phương Tây trong cuộc rà soát chính sách thương mại đối với Trung Quốc vào tuần trước, bao gồm các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, không nằm trong phạm vi của diễn đàn hoặc thương mại do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giám sát.
Theo ông Vương Thụ Văn, phần lớn những lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc là “không công bằng”. “Việc yêu cầu Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ ngoài WTO là không công bằng, vô lý và không thể chấp nhận được”, ông nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ nghiêm túc xem xét tất cả các mối quan ngại nằm trong phạm vi WTO để đáp ứng các nghĩa vụ với tư cách là thành viên.
Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. (Ảnh: SCMP) |
Ông Vương Thụ Văn cũng phản pháo lại những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đã không thực hiện cam kết mở cửa nền kinh tế và cải cách các biện pháp bảo vệ đối với các doanh nghiệp nhà nước.
"Trung Quốc hy vọng rằng một số lệnh cấm và hạn chế có thể được dỡ bỏ, nhưng điều này sẽ cần các cuộc đàm phán của WTO hoặc các thỏa thuận song phương", ông Vương Thụ Văn nói, trích dẫn các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư trước đó với Washington và thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - EU đã bị đình trệ.
“Chúng tôi hiểu mong muốn của một số nước rằng Trung Quốc nên nới lỏng hơn nữa tiếp cận đầu tư. Việc chỉ trích Trung Quốc về vấn đề này là vô lý. Chúng tôi sẵn sàng mở rộng hơn nữa cơ hội tiếp cận đầu tư nước ngoài, sẵn sàng đàm phán các vấn đề đầu tư thông qua các hiệp định đầu tư song phương, hiệp định thương mại tự do hoặc tại WTO”, ông Vương Thụ Văn nhấn mạnh.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh, Australia và Canada đều chỉ trích các hành vi của Trung Quốc tại lần rà soát thứ tám về chính sách thương mại của các quốc gia thành viên WTO, cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện “các hành vi thương mại không công bằng” và gây ra “cưỡng ép kinh tế”.
Việc rà soát về chính sách thương mại quốc gia của WTO được thực hiện 3 năm một lần. Lần rà soát gần đây đối với Trung Quốc là vào năm 2018. Năm nay, Trung Quốc đã nhận được số câu hỏi kỷ lục, 2.562 câu hỏi từ 39 quốc gia thành viên, tăng 16% so với năm 2018.
Đợt rà soát năm nay đối với Trung Quốc trùng với kỷ niệm 20 năm Trung Quốc gia nhập WTO. Nhiều lời chỉ trích về khả năng thực hiện các cam kết của Bắc Kinh với tư cách là một thành viên đã gia tăng thời gian qua, đặc biệt là việc nước này được hưởng ưu đãi với tư cách là nền kinh tế đang phát triển.