WTO cảm thấy “kém lạc quan” về thương mại toàn cầu năm 2024

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo_Iweala ngày 18/1 cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn do “căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, những gián đoạn mới mà WTO nhận thấy ở Biển Đỏ, trên kênh đào Suez, kênh đào Panama”. Theo bà, điều này đồng nghĩa với việc WTO cảm thấy “kém lạc quan hơn”.

Phát biểu trước báo giới khi tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại TP Davos (Thụy Sĩ), bà Ngozi Okonjo-Iweala chỉ ra rằng, trong thời gian qua, tuyến đường thương mại quan trọng đã bị gián đoạn do các vụ tấn công của lực lượng Houthi vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, cùng với đó là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên xảy ra ở kênh đào Panama.

Theo Tổng Giám đốc WTO, cá nhân bà hy vọng cuộc xung đột ở Trung Đông có thể sớm chấm dứt; đồng thời cảnh báo, việc này có thể tạo ra “tác động lớn thực sự” đối với dòng chảy thương mại toàn cầu vốn đã yếu nếu xung đột mở rộng ra toàn khu vực. Bà cũng cho rằng, xung đột ở Trung Đông có thể là nhân tố bổ sung vào các yếu tố kìm hãm tăng trưởng thương mại, ví dụ như lãi suất cao hơn, thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng và cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng chuyện này sẽ sớm kết thúc và mọi cuộc xung đột dừng lại. Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là xung đột ở Trung Đông lan rộng ra toàn khu vực, bởi vì điều đó sẽ có tác động thực sự lớn đến thương mại. Mọi người đều đang lo lắng và hy vọng vào điều tốt nhất”.

1_lo-1705708903338
AI và AGI là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận kín và công khai tại WEF 54.

WTO từng dự báo hoạt động thương mại sẽ tăng 0,8% trong năm ngoái và 3,3% trong năm nay. Tuy nhiên, đây là số liệu được ghi nhận và tính toán trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Trung Đông và những diễn biến mới đây liên quan tới địa chính trị. Vì vậy, Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo các dự đoán tiếp theo sẽ đưa ra con số thấp hơn trong năm nay.

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận kín và công khai tại WEF 54. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đánh giá trí tuệ nhân tạo (AI) có những điểm chưa hoàn chỉnh, nhưng có thể giúp giải quyết những vấn đề mà con người phải đối mặt. Dẫn ví dụ trường hợp xảy ra đại dịch mới, ông chỉ ra rằng, AI có thể giúp rút ngắn thời gian phát triển và thử nghiệm vaccine phòng ngừa từ 1 năm xuống còn 1 tháng, và đây sẽ là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, ông Jerymy Hunt cho rằng, các nước cần thảo luận kỹ lưỡng về những giá trị mà AI chia sẻ.

Theo ông, vấn đề quyền tự quyết về AI có thể dẫn tới bất đồng giữa các bên, cụ thể là những công ty phát triển AI với các nhà hoạch định chính sách. Bộ trưởng Tài chính Anh nhấn mạnh, hiện vẫn có “nhiều lựa chọn” về AI, bao gồm quan điểm thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi không có công nghệ này. Ông cho rằng, vấn đề là làm thế nào để khai thác được lợi thế của công nghệ này. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo nguy cơ công nghệ này trở thành công cụ trong cuộc chạy đua siêu cường địa chiến lược mới, trong đó, phần lớn sức mạnh của công nghệ mới được tập trung vào vũ khí hơn là những thứ có thể giúp thay đổi cuộc sống hằng ngày của con người.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI, ông Sam Altman, nhận định một bước đột phá về năng lượng là cần thiết cho AI trong tương lai, được cho sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức đánh giá. Ông nói: “Điều đáng mừng là các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu hơn, đặc biệt là phản ứng tổng hợp hạt nhân hoặc năng lượng mặt trời, là những con đường phía trước cho AI. Không có cách nào để đạt được điều đó nếu không có bước đột phá về năng lượng. Do đó, tình thế thúc đẩy chúng tôi đầu tư nhiều hơn vào phản ứng tổng hợp. Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến AGI. Đây là công nghệ có thể phát triển trong tương lai gần”.

Liên quan đến ảnh hưởng của công nghệ với quá trình bầu cử, khi được hỏi liệu AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và dẫn đến sự xáo trộn đối với người lao động hay không, CEO OpenAI cho rằng: “Đây là vấn đề có thể nghĩ tới”.

Là một công cụ có tiềm năng sức mạnh, nhưng vào lúc này, AI không thể thay thế được các công việc ở quy mô mà nhiều nhà kinh tế lo ngại. Do vậy, theo ông Sam Altman, công nghệ cần được đặt đúng chỗ, để trở thành công cụ phục vụ sản xuất.

Tại TP Davos nơi diễn ra WEF 54, trong những gian cửa hàng, nơi các tập đoàn công nghệ lớn như Salesforce, Microsoft và Google thuê lại của người địa phương, người tham dự hội nghị có thể tìm kiếm những nội dung mới nhất về AI hay trải nghiệm các tính năng công nghệ mới. Hãng Intel của Mỹ cho rằng, trong khi năm 2023 nêu bật khả năng của công nghệ AI thì năm 2024 sẽ tập trung vào việc tăng độ chính xác của kết quả sử dụng. Từ đây, các doanh nghiệp có thể sử dụng AI trong những ngành nghề có tính rủi ro cao.

Giám đốc điều hành của Intel, ông Pat Gelsinger nhận định: “Tôi tin rằng, giai đoạn tiếp theo của AI sẽ hướng tới việc xây dựng tính chính xác về mặt hình thức cho các mô hình cơ bản. Ví dụ như, các bác sĩ cần tới AGI để chẩn đoán bệnh, các nhà khoa học cần AGI để kiểm tra sự cố trong dây chuyền lắp ráp hay cho quá trình vận hành tự động của những mẫu xe. Tôi tin rằng con người sẽ cảm thấy thoải mái với độ chính xác cao mà công nghệ mang lại. Ngày nay, một số vấn đề nhất định đã được giải quyết tốt nhờ AI, nhưng có rất nhiều vấn đề thì không. Vì vậy, về cơ bản, bạn vẫn cần biết rằng công nghệ đang được hoàn thiện và giúp cải thiện năng suất của người lao động”.

Trong khi đó, CEO của hãng Salesforce AI, bà Clara Shih cho rằng, cách tốt nhất để cải thiện độ chính xác là thông qua thử nghiệm. Theo đó, AI có thể điều chỉnh theo các mức độ tin cậy cho từng cấp độ. Từ đây, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái rằng công nghệ này có thể được tin cậy trong các tình huống rủi ro cao.

Bà Shih nhận định: “Ba giai đoạn của AGI sẽ được thử nghiệm. Giai đoạn 1 là, tích cực sử dụng công nghệ để hỗ trợ công việc. Giai đoạn 2 là, theo dõi một cách có ý thức công nghệ ở chế độ lái tự động để đảm bảo độ chính xác. Giai đoạn cuối cùng là, tin tưởng rằng công nghệ sẽ hoạt động theo mức độ tin cậy mà con người đã lựa chọn”.

Về phần mình, CEO kiêm Chủ tịch của Công ty Sàn giao dịch Chứng khoán Nasdaq, bà Adena Friedman, đánh giá năm ngoái là năm của “khám phá”. Hiện ngành Tài chính, trong đó có Nasdaq, sẽ sử dụng AI để cập nhật các mã cũ nhằm hiện đại hóa các hệ thống cũ, cải thiện quy trình làm việc tự động, giúp tiết kiệm thời gian của nhân viên mỗi ngày. Bà Friedman nói: “AI thu hút nhiều sự chú ý sau khi xuất hiện hồi năm ngoái. Chúng tôi đã thực hiện một số thử nghiệm. Chúng tôi bắt đầu hiểu được tiềm năng của nó. Năm nay, sẽ là năm chúng tôi bắt đầu triển khai thử”...

Theo CAND