Tổ chức Y tế thế giới đồng tình với các nghiên cứu cho rằng chất lượng không khí ở Việt Nam cuối tháng 9 xấu đi.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, trao đổi với VnExpress về chất lượng không khí ở Hà Nội, TP HCM và đưa ra các khuyến cáo.
- WHO đánh giá thế nào về chất lượng không khí tại Việt Nam?
- Nhiều dữ liệu đo chất lượng không khí cho thấy chất lượng không khí nửa cuối tháng 9 vừa qua kém đi rất nhiều so với cùng kỳ vài năm trước. WHO đồng tình với các nghiên cứu này.
- WHO theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới như thế nào?
- WHO không xếp hạng các thành phố về chất lượng không khí. Thay vào đó, WHO đưa ra hướng dẫn về chất lượng không khí, thu thập thông tin về chất lượng không khí từ các nước thành viên và các nguồn khác. Các nguồn gồm Clean Air Asia for Asia (hệ thống do Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ USAID lập năm 2001); cơ sở dữ liệu của Air Quality e-Reporting thuộc Cơ quan Môi trường châu Âu (European Environment Agency for Europe). WHO cũng sử dụng các phương pháp đo của dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (Global Burden of Disease) và công khai trên Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí toàn cầu (WHO Global Ambient Air Quality Database).
Hiện cơ sở dữ liệu của WHO đang kiểm soát hơn 4.300 thành phố và khu vực ở 108 nước. Thông tin mới nhất của cơ sở dữ liệu này là độ tập trung nồng độ bụi mịn PM2.5 và nồng độ bụi PM10 ở mức trung bình năm.
Độ tập trung trung bình năm của PM2.5 ở Hà Nội và TP HCM năm 2016 lần lượt là 48 μg/m3 và 42 μg/m3. Theo chuẩn của WHO, độ tập trung PM2.5 nên ở mức 10 μg/m3.
Bản đồ toàn cầu ở dưới cho thấy PM2.5 trung bình năm, kết hợp dữ liệu đo năm 2018 vàdữ liệu mẫu năm 2016. Các khu vực có màu đỏ đậm là các khu vực bị ô nhiễm cao và các điểm vàng là các điểm đo.
Bản đồ toàn cầu đo bụi mịn PM2.5, kết hợp dữ liệu đo năm 2018 và dữ liệu mẫu năm 2016. Ảnh: WHO. |
- Ô nhiễm không khí tác động thế nào đến sức khoẻ con người?
- Việc nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 hoặc bụi có kích cỡ nhỏ hơn làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi.
Quá nhiều ozone trong không khí có thể gây các bệnh về hô hấp, như hen suyễn, giảm chức năng phổi và dẫn tới các bệnh về phổi.
Nhiễm nitrogen dioxide (NO2) làm nặng thêm các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em bị bệnh hen. Sulfur dioxide (SO2) có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và chức năng của phổi, gây kích ứng mắt.
- Ô nhiễm không khí thường xảy ra ở những khu vực nào?
- Các thành phố có thu nhập thấp trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí. Theo dữ liệu mới nhất, 97% thành phố ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình với hơn 100.000 dân không đáp ứng các tiêu chuẩn về không khí của WHO. Với các nước có thu nhập cao, tỷ lệ giảm xuống 49%.
WHO ước tính trên toàn cầu, trong 2016, 7 triệu ca tử vong có thể do các ảnh hưởng chung của hộ gia đình và ô nhiễm không khí. Khoảng 94% ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đông Nam Á và các khu vực Tây Thái Bình Dương có số lượng nhiều nhất với con số tương ứng là 2,4 và 2,2 triệu ca.
Tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính năm 2016 có liên quan đến ô nhiễm không khí.
- Vậy chính phủ Việt Nam nên làm gì ?
- Với chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên tồi tệ hơn theo năm, hiện là lúc Việt Nam cần thực hiện tích cực kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí vào 2020, tầm nhìn 2015 (Quyết định số 9851 của Thủ tướng) và có những hành động cứng rắn hơn.
Chính quyền ở tầm quốc gia và địa phương cần xem xét những hành động sau đây để đảm bảo không khí sạch và cải thiện sức khoẻ cho người dân.
Thứ nhất, cần củng cố hệ thống theo dõi chất lượng không khí và chia sẻ dữ liệu với công chúng theo thời gian thực. Trong khi thông tin về chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM có sẵn trên website, không phải tất cả mọi người biết về kênh này và có người thậm chí không được tiếp cận.
Hiện số lượng các trạm đo chất lượng không khí chính thức bị hạn chế. Nên lắp đặt nhiều trạm đo hơn và đưa chúng đi vào hoạt động. Không nhất thiết phải sử dụng các thiết bị đắt đỏ.
Mặt khác, nhiều người hiện dùng các ứng dụng cho điện thoại thông minh để theo dõi chất lượng không khí. Chính phủ có thể cân nhắc có một dữ liệu chất lượng không khí chính thức dùng cho điện thoại thông minh.
Thứ hai, để bảo vệ sức khoẻ người dân, chính phủ cần bảo đảm các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm trong thời gian mà mức ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn của WHO.
Các biện pháp khẩn cấp đó nhắm đến ngành công nghiệp, các dự án sản xuất điện, giao thông, các cơ sở xử lý rác thải và đốt cháy trong nông nghiệp. Các thành phố có thể tăng việc quét đường dùng công nghệ phun nước để giảm bụi của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).
Thứ ba, cần nhận dạng các nguồn ô nhiễm không khí một cách thấu đáo, có một kế hoạch dài hạn bảo đảm không khí sạch và đảm bảo cách thực hiện. Hầu hết ô nhiễm ngoài trời đều vượt ngoài tầm kiểm soát của cá nhân, cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách địa phương, quốc gia và quốc tế.
Điều đó có nghĩa là trong thời điểm ô nhiễm không khí, nhà chức trách thuộc các lĩnh vực vận tải, năng lượng, quản lý rác thải, quy hoạch đô thị và nông nghiệp nên hợp tác với nhau để giúp không khí sạch trở lại.
Chất lượng không khí cũng nằm trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
- Các biện pháp hiệu quả giúp giảm ô nhiễm không khí là gì?
- Với ngành công nghiệp, các công nghệ sạch đã giúp giảm phát thải công nghiệp, cải thiện việc quản lý rác thải đô thị và nông nghiệp. Năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, sinh học) nên được dùng cho các phương tiện giao thông, trong các hoạt động của gia đình như nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng.
Nên ưu tiên các hình thức giao thông vận tải có tốc độ nhanh, chuyển sang các phương tiện ít phát thải. Khuyến khích các mạng lưới dành cho xe đạp và người đi bộ.
Về quy hoạch đô thị, làm cho thành phố trở nên xanh hơn và gọn ghẽ hơn để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (không gây thất thoát, lãng phí).
Cần có các chiến lược giảm rác thải, phân loại rác, tái chế, tái sử dụng. Nên có các biện pháp quản lý rác sinh học để sản xuất khí sinh học, dùng các phương án đốt rác rắn có chi phí thấp hoặc hạn chế phát thải.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park. Ảnh: WHO. |
Ô nhiễm gia tăng, TP.HCM lên kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy
TP.HCM cho rằng, sự gia tăng của xe máy được xem là tác nhân gây ô nhiễm, do vậy cần phải kiểm soát khí thải ... |
Không khí ô nhiễm, người Hà Nội có muôn kiểu “bảo vệ đường thở”
Đối phó với khí thải của các phương tiện, mỗi khi ra đường người dân Hà Nội nghĩ ra nhiều cách lọc khí đang mức ... |
Không khí Hà Nội lại trở lại ngưỡng đỏ sau một ngày “dễ thở“
Theo ghi nhận của hệ thống Pam Air, hầu hết các điểm đo ở Hà Nội có ngưỡng đỏ (chỉ số AQI từ 150-200). |