Vụ trộm trà từng làm chao đảo kinh tế Trung Quốc

Cạo đầu, đeo tóc giả và giả vờ mình là thương nhân Trung Quốc, nhà thực vật học Anh Robert Fortune trộm hạt giống chè vào những năm 1840.

Người Trung Quốc đã uống trà được khoảng 2.000 năm khi đồ uống này bắt đầu thu hút sự quan tâm của người Anh. Văn hóa trà của Trung Quốc đã được ghi lại trong một bài thơ từ thời Tây Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 9 sau Công nguyên).

Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu trà sang châu Âu vào những năm 1600. Vào thời đó, Trung Quốc là nhà sản xuất trà duy nhất trên thế giới và họ cung cấp số lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng nhanh.

Khi thức uống này xâm nhập vào nước Anh, nó trở nên phổ biến trong giới thượng lưu và là món hàng xa xỉ đối với người dân bình thường. Người Anh dần dần mua trà với số lượng lớn và thức uống này nhanh chóng trở thành mặt hàng thương mại quan trọng nhất mà Anh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một phần nhờ vào thế độc quyền xuất khẩu trà, Trung Quốc nhanh chóng trở thành thế lực kinh tế lớn nhất thế giới đầu thế kỷ 19. Cuối những năm 1880, Trung Quốc sản xuất khoảng 250.000 tấn trà mỗi năm, 53% trong số đó được xuất khẩu. Trà chiếm tới 62% tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

"Trà đã thay đổi vai trò của Trung Quốc trên trường thế giới", Sarah Rose, tác giả một cuốn sách về trà ở Trung Quốc, nói.

vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc
Nhà thực vật học Robert Fortune vào năm 1854. Ảnh: SMH.

Tuy nhiên, thế độc quyền của họ đã bị phá vỡ bởi một nhà thực vật học người Scotland Robert Fortune. Năm 1842, khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất giữa Anh và Trung Quốc kết thúc, Fortune được Hiệp hội Thực vật Hoàng gia Anh ủy nhiệm thực hiện một cuộc thám hiểm, thu thập thực vật ba năm ở Trung Quốc.

Trong chuyến công du, Fortune chứng kiến những vườn trà tuyệt đẹp của Trung Quốc nhưng ông cũng phải vật lộn với chứng say sóng và đối mặt với những cuộc tấn công liên tục từ cướp biển. Ông ghi lại toàn bộ hành trình của mình trong cuốn sách được xuất bản năm 1847.

Công ty Thương mại Đông Ấn của Anh chú ý đến công việc của Fortune. Họ tin rằng nếu có thể thu được những cây giống tốt nhất và bí mật sản xuất từ Trung Quốc, họ có thể trồng trà tại thuộc địa Ấn Độ và kiểm soát một lĩnh vực thương mại thống trị kinh tế thế kỷ 19. Vì vậy, công ty ủy thác Robert Fortune đến Trung Quốc để trộm cây chè.

Chính quyền Trung Quốc thời bấy giờ cấm người nước ngoài mua cây chè. Đây là một công việc đầy rủi ro nhưng với thù lao 624 USD - gấp 5 lần mức lương của Fortune và hứa hẹn về quyền sở hữu thương mại đối với bất kỳ loại cây nào ông thu được trong chuyến đi, nhà khoa học khó có thể cưỡng lại cám dỗ.

Tháng 9/1848, Fortune đi từ Thượng Hải qua Hàng Châu đến các vùng trồng chè ở Chiết Giang và An Huy trong chuyến đi gian nan kéo dài ba tháng với hai phụ tá. Fortune bắt chước diện mạo của người dân địa phương bằng cách cạo tóc, gắn tóc giả phía sau gáy và mặc trang phục của một quý tộc địa phương hoặc thương gia giàu có.

"Tôi là người Trung Quốc đến từ một tỉnh vượt ra ngoài Vạn Lý Trường Thành", ông nói với những người dân địa phương bằng tiếng Trung.

Tháng 10/1848, ông đến một xưởng sản xuất trà xanh, chứng kiến quy trình và còn biết rằng các nhà sản xuất địa phương đã thêm chất phụ gia độc hại để khiến sản phẩm trông hấp dẫn hơn. Ông khám phá ba vùng trồng trà xanh khác nhau, thu thập các mẫu và ghi chú đầy đủ trước khi quay trở lại Thượng Hải vào tháng 1/1849. Tại đây, ông liên lạc với công ty ở London bằng thư: "Tôi rất vui mừng khi thông báo rằng tôi đã mua được một lượng lớn hạt giống và cây non mà tôi tin tưởng sẽ đến Ấn Độ an toàn".

Fortune thu thập được 13.000 cây và 10.000 hạt nhưng chúng phải được vận chuyển trong mùa đông đến vùng dãy Himalaya của Ấn Độ thông qua Hong Kong và Calcutta. Fortune đã tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề: bình Wardian. Vào những năm 1830, tiến sĩ Nathaniel Bagshaw Ward khám phá ra rằng nếu để cây vào một bình thủy tinh kín thì cây có thể sống sót và phương pháp này được sử dụng để vận chuyển thực vật qua khoảng cách lớn.

Fortune dành nhiều tuần để đóng gói cây giống vào hộp thủy tinh và thử một số phương pháp để đóng gói hạt giống trước khi chuyển toàn bộ lô hàng đến Hong Kong. Hành trình tiếp theo là một thảm họa nhưng vài tháng sau ông mới biết tin.

Tháng 5/1849, ông đến một vùng trồng trà đen của tỉnh Phúc Kiến. Đây là nhiệm vụ quan trọng hơn vì trà đen được ưa chuộng hơn trà xanh ở phương Tây. Khi trở về Thượng Hải vào cuối mùa thu năm đó, Fortune nhận được tin tức từ Ấn Độ rằng chỉ 1.000 hạt giống sống sót sau hành trình và hầu hết đều bị nấm mốc. Một quan chức quá nhiệt tình đã quyết định mở các bình thủy tinh để kiểm tra cây giống nên hầu hết cũng đã chết.

Không nản lòng, Fortune quyết định thử nghiệm đặt hạt giống vào bình thủy tinh để chúng nảy mầm và sinh trưởng trên đường vận chuyển. Cuối cùng, phương thức này thu được kết quả tích cực và hạt trà đen được được vận chuyển thành công đến các đồn điền Ấn Độ do công ty Đông Ấn kiểm soát.

"Ông ấy thậm chí còn đưa cả những nông dân trồng chè đi cùng", Li Xiangxi, thuộc gia đình buôn trà lâu năm ở Trung Quốc, nói. "Bằng cách đó, họ có thể học được cách trồng trà. Họ cũng lấy cả các công cụ canh tác và công cụ điều chế".

"Trong vòng một thế hệ, ngành công nghiệp trà ở vùng dãy Himalaya của Ấn Độ vượt xa Trung Quốc về chất lượng, khối lượng và giá cả", Rose viết.

Anh thành công trong việc trồng, thu hoạch và sản xuất trà ở Ấn Độ, phá vỡ thế độc quyền lâu năm của Trung Quốc. Lượng trà Trung Quốc sản xuất giảm đáng kể xuống còn 41.000 tấn, trong đó chỉ có 9.000 tấn được xuất khẩu. Trung Quốc tụt lại phía sau trong khi người Hà Lan và người Mỹ theo chân Anh, đến các vùng trồng trà của Trung Quốc để "học lỏm".

Lượng trà được sản xuất tại Trung Quốc không phục hồi cho đến những năm 1950. Khoảng 170 năm sau khi bị trộm bí mật thương mại, Trung Quốc mới giành lại được vị thế là nhà xuất khẩu trà lớn nhất thế giới.

Phương Vũ (Theo SCMP)

vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc Người Việt lĩnh án tù trong vụ trộm dầu lớn nhất Singapore
vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc Biển thủ hai tấn tiền mặt - vụ trộm ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc
vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc Ly kỳ vụ trộm xe Ford Ranger ở chung cư Hà Đô
vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc Vụ trộm cướp ly kỳ nhất thế giới: “Đánh bại” 10 lớp bảo vệ ở kinh đô kim cương
vu trom tra tung lam chao dao kinh te trung quoc Trung Quốc bắt 3 nghi phạm trong vụ trộm tiền ảo lớn nhất lịch sử
/ vnexpress.net