Vụ cướp tàu hỏa năm 1963 ở Anh đã được lên kế hoạch và thực hiện một cách xuất sắc, không một tiếng súng nổ, không có đổ máu. Cho tới nay, đây vẫn là một trong những vụ phạm tội khét tiếng nhất nước Anh dù nó đã xảy ra cách đây 55 năm.
Tái hiện cảnh nhóm cướp chuyển tiền từ tàu ra xe.
Vào đêm thứ 5 ngày 8.8.1963, một đoàn tàu bắt đầu lăn bánh từ Glasgow tới London, Anh. Ngoài bưu kiện thông thường, đoàn tàu này còn chở một lượng tiền mặt nhất định, thường là 300.000 bảng Anh, nhưng vì hôm sau là ngày Bank Holiday (ngày nghỉ dành cho các ngân hàng ở Anh) nên lượng tiền trên tàu nhiều hơn hẳn ngày thường với 2,6 triệu bảng, tương đương khoảng 50 triệu bảng theo thời giá hiện tại (1,2 nghìn tỷ đồng), đây cũng là số tiền kỷ lục vào thời điểm đó. Số tiền và những bưu kiện có giá trị được phân loại và chất vào hai toa đầu tiên của tàu.
Nhóm cướp táo tợn
Vụ cướp tàu táo tợn xảy ra cả nước Anh bàng hoàng vì khó có thể ngờ một băng nhóm tội phạm nhỏ ở London lại có thể liều lĩnh như vậy. Trong cuốn “The Robbers Tale” năm 1965 của tác giả Peta Fordhams nói rằng, một tên trùm thế giới ngầm London chính là người vạch ra âm mưu này nhưng về sau băng nhóm của hắn đã không dám thực hiện vì quá mạo hiểm.
Được biết, chủ mưu của vụ cướp là Bruce Richard Reynolds, một tay buôn đồ cổ và một tên trộm, kẻ cướp khét tiếng ở London. Reynolds và 14 tên khác, trong đó có các thành viên của băng “Những kẻ cướp bờ biển miền nam” - nhóm tội phạm có nhiều kinh nghiệm về tín hiệu để dừng tàu, đã thực hiện vụ cướp gây chấn động.
Cụ thể, vào năm 1962, khi đang ở tù, một thành viên của băng nhóm nói trên tình cờ kể về kế hoạch này cho bạn tù Bruce Richard Reynolds. Reynolds cho rằng ý tưởng này “hay ho” và đã dành những tháng cuối cùng trong tù để vạch kế hoạch.
Sau khi được thả, Reynolds bàn kế hoạch với nhóm “Những kẻ cướp bờ biển miền nam” của mình. Tên này chọn cấp phó là Douglas Gordon Goody, một thợ cắt tóc kiêm tội phạm “bán thời gian” nổi tiếng vì độ liều lĩnh và chịu áp lực giỏi.
Các thành viên băng “Những kẻ cướp bờ biển miền nam” dù trung thành và lão luyện nhưng số lượng thành viên quá ít để thực hiện một vụ cướp quy mô. Reynolds đã đồng ý hợp tác với băng “Những kẻ cướp bờ biển miền đông ”do Ronald Buster Edwards cầm đầu. Khi lực lượng đã đủ, Reynolds bắt đầu rình thời cơ.
Vụ cướp vỏn vẹ 40 phút
Nhờ những mối quan hệ trong thế giới ngầm, Reynolds dễ dàng nắm được lịch trình, địa điểm cất tiền và số nhân viên trên tàu. Điều duy nhất mà Reynolds không biết chắc là tiền sẽ được chuyển tới London vào ngày nào. Nhưng nhờ một “tay trong”, tên trộm này biết được ngày chuyển tiền và lên kế hoạch cho vụ cướp vào ngày 6/8/1963.
Tuy nhiên, còn một vài chi tiết quan trọng cần phải giải quyết. Theo kế hoạch ban đầu, băng cướp phải lên tàu, cắt rời đầu máy và hai toa chứa tiền, đưa tới một địa điểm đã định sẵn để chuyển tiền lên các xe tải chờ ở đó. Vấn đề là cần tìm một người biết lái tàu và phải tìm cách dừng đoàn tàu mà không gây nghi ngờ.
Nông trại Leatherslade, nơi băng cướp ẩn náu.
Reynolds có quen một tên trộm vặt tên là Ronald Arthur Ronnie Biggs. Do thiếu tiền nên Biggs đã tìm đến Reynolds hỏi vay. Reynolds gợi ý hắn tham gia vụ cướp tàu và hứa sẽ chia cho hắn 40.000 bảng nếu tìm được một người biết lái tàu. Tình cờ, Biggs lại quen một người từng là nhân viên lái tàu tên là Peter. Cả hai đều mờ mắt trước số tiền chia phần và nhanh chóng đồng ý.
Vấn đề thứ hai đã được giải quyết trong một cuộc họp của nhóm. Roger John Cordrey, một thợ máy lành nghề và hiểu biết về tàu hỏa, đã đề xuất một ý tưởng đơn giản là sẽ chỉnh sửa tín hiệu buộc đoàn tàu phải dừng lại theo yêu cầu.
Sau khi đánh giá toàn bộ lộ trình của đoàn tàu, cả nhóm quyết định rằng địa điểm tốt nhất để chỉnh tín hiệu sẽ là khu vực Leighton Buzzard ở Bedfordshire. Theo lịch trình, đoàn tàu sẽ tới Leighton Buzzard lúc 3 giờ 30 sáng - thời điểm lý tưởng vì băng cướp sẽ có đủ thời gian để chặn tàu, mang tiền xuống và tẩu thoát vào bóng đêm.
Ngay bên ngoài thị trấn Leighton Buzzard là bảng tín hiệu. Tùy thuộc vào giao thông đường sắt và tình trạng đường ray, bảng này có thể bật hoặc là tín hiệu xanh báo hiệu đường thông thoáng để đi, hoặc là tín hiệu vàng báo hiệu chuẩn bị dừng và tín hiệu đỏ là dừng hẳn lại.
Ngoài ta, nhóm cướp còn thuê nông trại Leatherslade nằm ở trung tâm một cộng đồng nhỏ làm nghề nông, chỉ cách nơi định cướp tàu 43km, làm địa điểm phân chia tiền sau khi cướp được. Nó gồm một ngôi nhà 2 tầng xiêu vẹo và vài khu nhà phụ nhỏ bên ngoài, đủ chỗ cho cả băng cướp.
Reynolds định tiếp cận chủ nông trại qua trung gian để mua lại khu này. Để trì hoãn vụ mua bán, Reynolds sẽ đề nghị chủ nhà cho một nhóm thợ ở lại nông trại vài ngày để chuẩn bị sửa sang. Mọi việc trôi chảy theo đúng ý định Reynolds. Tất cả chỉ còn chờ thời điểm.
Vào đêm thứ 5 ngày 8/8/1963, khi đi qua địa phận Leighton Buzzard vào khoảng 3 giờ sáng, người lái tàu Jack Mills bỗng nhìn thấy một tín hiệu màu đỏ gần khúc cua có tên Sears Crossing. Có nằm mơ người lái tàu Jack Mills cũng không nghĩ rằng đó thực chất là tín hiệu giả do một toán cướp tạo ra. Vài phút sau, đoàn tàu chở bưu kiện dần đi chậm và dừng lại.
Phụ tàu David Whitby bước xuống và tiến đến hộp điện thoại khẩn cấp phía trước. Tại đây, anh phát hiện điện thoại không hoạt động, đường dây đã bị cắt. Khi quay lại tàu, những bóng đen từ đâu xuất hiện và đẩy anh xuống dốc kè đường sắt.
Trong khi đó, một người đàn ông bịt mặt leo lên buồng lái và nhanh chóng hạ gục Jack Mills bất tỉnh, còn nhóm khác thì đang tiến hành tháo móc nối, gắn hai toa có chứa số tiền lớn gắn vào đầu tàu. Mọi việc xong xuôi, một trong những tên cướp nhảy vào ghế lái. Tên này di chuyển đoàn tàu đi thêm 1dặm về phía cầu Bridego.
Vụ cướp diễn ra hết sức nhanh lẹ và âm thầm. Nhân viên trong 2 toa tàu chở tiền đã bị nhóm cướp khống chế. Chỉ trong vòng vài phút, họ bị trói, bịt miệng và bắt nằm úp mặt xuống sàn. Trong khi đó, những người trên 10 toa bị bỏ lại Sears Crossing thậm chí còn không nhận thấy điều gì bất thường.
Tại cầu Bridego, chúng đã lấy đi 128 túi đựng tiền, nặng tới 2,8 tấn và chuyển chúng ra những chiếc Land Rovers đã đợi sẵn. Toàn bộ vụ cướp chỉ mất vỏn vẹn 40 phút. Sau đó, toán cướp hân hoan quay về nông trại Leatherslade cùng nhau tận hưởng thành quả vừa thu được.
Hội ngộ trong tù
Vụ cướp tàu đã gây ra cơn chấn động ở nước Anh thởi điểm bấy giờ. Một cuộc điều tra quy mô ngay lập tức được tiến hành, có sự tham gia của Đội cảnh sát cơ động Scotland và các thám tử giỏi nhất trong lực lượng Cảnh sát Buckinghamshire do thám tử Tommy Butler - một huyền thoại của Sở Cảnh sát London - dẫn đầu.
Ba tên liên quan đến vụ cướp bị cảnh sát dẫn giải.
Qua những thông tin trên đài truyền thanh, băng cướp xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo, gây một cơn chấn động ở nước Anh. Toàn bộ cảnh sát trong khu vực đang ráo riết tìm thủ phạm.
Ban đầu, vụ cướp đã khiến cảnh sát bối rối vì số tiền cực lớn và hầu như không có bất kỳ dấu vết gì trước, trong và sau vụ cướp. Mãi đến ngày thứ 8, công tác điều tra mới đạt được đột phá đầu tiên. Tin báo từ người dân cho biết có một chiếc xe khả nghi đỗ tại một nông trại cách hiện trường vụ án 48km.
Khi đến nông trại, cảnh sát vui mừng xác nhận đây đúng là nơi trú ẩn của băng cướp, khi tìm thấy một lượng lớn thực phẩm đang dùng dở, túi ngủ bị bỏ lại trên gác và trong hầm rượu, những tờ giấy bọc tiền có dấu của ngân hàng cùng nhiều bao tải…
Kết quả phân tích mẫu vân tay trên các chai nước sốt, bia và vài quân bài bị bỏ lại đã giúp cảnh sát lần ra được băng cướp. Chỉ 6 ngày sau khi vụ cướp diễn ra, tên đầu tiên là Roger Cordrey đã bị cảnh sát tóm. Tiếp sau đó, trong năm 1963 cảnh sát đã lần lượt Bruce Reynolds, Ronald Biggs, Charlie Wilson, Tommy Wisbey, Jim Hussey, Bob Welch và tên cuối cùng là Bruce Reynolds bị bắt vào năm 1968. Chúng bị đưa vào nhà tù Bedford chờ xét xử.
Sau thời gian truy lùng, cảnh sát đã bắt 15 tên. Bản án dành cho mỗi tên là từ 20 đến 30 năm tù. Toàn bộ băng đảng bị kết án tổng cộng 307 năm tù. Tuy nhiên, Ronnie Biggs, một trong số 15 tên, đã trốn thoát khỏi nhà tù vào năm 1965.
Sau hai lần phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi gương mặt, tên này đi tới Paris (Pháp), rồi Australia và cuối cùng là lập gia đình ở Brazil. Sau hàng chục năm trốn chạy, năm 2001 Biggs quay lại Anh và bị bắt. Còn về số tiền bị cướp, cho đến nay các nhà chức trách không thể thu hồi.
Ba vụ án chấn động, kinh hoàng nhưng hung thủ mãi mãi là ẩn số
Những vụ án giết người dưới đây đã làm dân chúng kinh hoàng và khiến cảnh sát rối trí trong suốt cả một thời gian ... |
Bắt \'quỷ râu xanh\' giết người hàng loạt
Những ngày đầu giải phóng, thành phố Sài Gòn xảy ra hàng loạt vụ trọng án như hiếp dâm, giết người, đốt xác, cướp của ... |
Vì sao không dựng hiện trường vụ thảm án 5 người bị sát hại?
Sau khi sát hại 5 người trong 1 gia đình vào những ngày cận Tết Nguyên đán, Tình đã lục lọi lấy đi nhiều tài ... |