Vụ việc đang gây xôn xao cộng đồng mạng là chuyện nhóm bạn trẻ muốn bơi thuyền vớt rác trên kênh rạch được yêu cầu phải có giấy phép.
Rác được các bạn trẻ gom vào bọc vi sinh, sau đó đem đi tiêu hủy - Ảnh Tuổi trẻ
Báo Tuổi trẻ cho biết, anh Vũ Ngọc Chiến cùng nhóm bạn lên ý tưởng dùng thuyền sup, một loại thuyền kết hợp giữa phao và ván trượt, đi vớt rác trên kênh rạch. Rác sau đó được gom vào bọc vi sinh tự phân hủy và có xe chở đi tiêu hủy. Hoạt động được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng tham gia.
Sau khi ý tưởng chín muồi và đã thử nghiệm lần 1, sáng 17-3, nhóm anh Chiến tổ chức buổi dọn rác dọc một số con kênh thuộc phường Thảo Điền, quận 2 với sự góp mặt của gần 100 người. Các bạn trẻ được tập huấn cách chèo thuyền và trang bị áo phao. Nhưng đến khi hoạt động chuẩn bị diễn ra thì cơ quan chức năng địa phương có mặt hỏi giấy phép tổ chức. Buổi dọn rác bị hủy vào phút cuối.
Vụ việc này gây khá nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Nó cũng làm chúng ta liên tưởng đến chuyện ông Tây James Joseph Kendall, dọn rác ở đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 3 năm trước. Khi Jemes Joseph Kendall cùng một số người bạn tiến hành vớt rác dưới cống bốc mùi hôi thối thì đại diện chính quyền phường Yên Hòa tỏ ý bất bình vì hoạt động này chưa được xin phép, chưa có ý kiến của chính quyền.
Hai vụ việc này có nhiều nét tương đồng, giống như câu thành ngữ “củi mục bà để trong rương/hễ ai đụng đến trầm hương của bà”. Việc dọn rác nên được ủng hộ và cổ vũ, bởi đó là ý thức tốt của người dân với môi trường sống xung quanh mình. Ấy thế nhưng thay vì tạo điều kiện thì chính quyền địa phương thường xử lý một cách máy móc: không cho phép làm vì “chưa xin phép”.
Nhóm tổ chức dọn rác của anh Chiến chia sẻ với báo chí về việc họ gặp khó khăn với cơ quan chức năng, rất muốn tổ chức nhiều buổi dọn rác làm sạch kênh rạch nhưng không biết phải xin phép ai. Đã có lần nhóm xin được dọn rác tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng gặp cơ quan này xin phép lại bị chỉ qua cơ quan khác. Nhóm rất mong cơ quan chức năng có chỉ dẫn cụ thể.
Những thủ tục hành chính giấy tờ mỗi khi đến gặp các cơ quan công quyền nhiều khi làm nản lòng những người muốn hoạt động có ích cho cộng đồng. Tất nhiên mọi quy định thì phải nên tuân theo, xong không chỉ vì chuyện “chưa xin phép” mà khiến một buổi lao động công ích của hàng trăm bạn trẻ nhiệt huyết bị hủy bỏ. Thay vì máy móc yêu cầu họ, hãy vào cuộc để tạo điều kiện nhanh nhất cho nhóm tổ chức được làm một việc tốt cho môi trường.
Một câu chuyện khác cũng gây xôn xao không kém. Đó là sau 2 lần tổ chức buổi xin lỗi vì “cưỡng hôn nữ sinh trong thanh máy” tại chung cư Golden Palm (Hà Nội) không thành (vì đương sự không thèm đến xin lỗi), kẻ biến thái Đỗ Mạnh Hùng đã bị cơ quan chức năng xử phạt 200.000 đồng.
200.000 đồng là mức xử phạt theo luật, đó là hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100.000 đến 300. 000 đồng).
Mức xử phạt như đùa cợt, trêu ngươi này đã được áp dụng với rất nhiều trường hợp trước đây, và vụ việc nào cũng khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Ấy thế nhưng hết năm nay qua năm khác, nó vẫn nguyên như thế, không được sửa chữa theo hướng tăng nặng lên để những người bị hại cảm thấy được an ủi phần nào.
Xâm phạm cơ thể người khác với mục đích xúc phạm, làm nhục, cưỡng ép họ, ấy thế nhưng chỉ bị phạt nhẹ còn hơn lỗi tiểu bậy ngoài đường (lỗi tiểu bậy theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng) vứt rác thải sai quy định bị phạt từ 5 triệu đến 7 triệu đồng. Vậy chẳng phải là việc xúc phạm nhân phẩm và cơ thể người khác, còn không bị pháp luật xem trọng bằng việc tiểu bậy hay vứt rác thải ra đường?
Chính vì những án phạt 200.000 đồng cho hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” mà việc cưỡng hôn, dâm ô phụ nữ, trẻ em mới không bao giờ chấm dứt. Những kẻ biến thái có quyền cười cợt trên nỗi đau của nạn nhân, vì chúng chỉ vứt ra 200.000 đồng là xong việc.
Những chuyện gây bất bình, phi lý như thế này bao giờ mới có thể thay đổi?
200 ngàn phạt kẻ “cưỡng hôn”: Sự nhạo báng, sự bất lực, sự vô vọng
Số tiền 200 ngàn đồng tiền phạt trong vụ mà báo chí mở ngoặc kép là “cưỡng hôn” giống như một sự nhạo báng, một ... |
Danh dự, nhân phẩm chỉ có giá 200.000 đồng?
Trước việc ông Hùng bị phạt hành chính 200.000 đồng sau khi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy, nhiều người cho rằng ... |