Vợ chồng đại gia cà phê Trung Nguyên sẽ có mặt vào ngày 20/9 trong vụ xử phúc thẩm vụ án ông Đặng Lê Nguyên Vũ “đá” vợ ra khỏi công ty.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ kháng cáo gì trong bản án sơ thẩm?
Dự kiến sáng 20/9, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM sẽ đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án dân sự “tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” gây chú ý dư luận, bởi thực tế đây là tranh chấp giữa đại gia cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Sau khoảng thời gian dài thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải đối mặt với liên tiếp 2 vụ kiện đến từ người vợ, là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Internet
Vụ việc từng gây chú ý dư luận khi giữa năm 2017 khi bà Thảo khởi kiện chồng, là ông Vũ với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Trung Nguyên ra TAND TP.HCM.
Bà Thảo khởi kiện với 4 yêu cầu: buộc ông Vũ hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực trái pháp luật, khôi phục lại chức danh cũ cho bà, chấm dứt các hành vi ngăn chặn để bà thực hiện quyền, nghĩa vụ của 1 cổ đông công ty cũng như là thành viên HĐQT…
Trên cơ sở xét xử phúc thẩm, cuối tháng 9/2017 TAND TP.HCM đã ban hành bản án. Theo đó, tòa chấp nhận 1 phần yêu cầu của bà Thảo với tư cách là nguyên đơn, gồm các nội dung như: hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo do ông Vũ ký với tư cách là Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên; khôi phục lại chức danh cũ là Phó tổng Giám đốc thường trực cho bà Thảo; ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty…
Ngoài ra, một số yêu cầu khởi kiện của bà Thảo cũng được tòa đình chỉ giải quyết như: yêu cầu công ty cung cấp lại tài khoản để kiểm soát hoạt động quản lý kinh doanh công ty; yêu cầu tòa ngăn chặn, có biện pháp quản lý chi tiêu, thanh toán của ông Vũ thông qua tài khoản của công ty; hay yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi sửa đổi điều lệ, thay đổi cấu trúc điều hành công ty…
Tòa còn ghi nhận thêm 1 số nội dung mà các đương sự có thỏa thuận với nhau, chủ yếu xung quanh việc công ty Trung Nguyên phải cung cấp các báo cáo tài chính từ trước đến nay cho bà Thảo; ông Vũ với tư cách Chủ tịch HĐQT phải triệu tập các cuộc họp HĐQT, đại hội cổ đông theo quy định pháp luật.
Sau phiên sơ thẩm nói trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cả công ty CP tập đoàn Trung Nguyên do ông Nguyễn Duy Phước làm đại diện, đã có đơn kháng cáo.
Bị tòa sơ thẩm tuyên phải hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên đã kháng cáo
Cụ thể, đơn kháng cáo của ông Vũ yêu cầu tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của bà Thảo là hủy bỏ quyết định bãi nhiệm mà ông đã ký đối với chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo, khôi phục lại chức vụ. Theo ông Vũ, những việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Ông Vũ kháng nghị yêu cầu sửa 1 phần bản án sơ thẩm, mà cấp tòa sơ thẩm buộc công ty Trung Nguyên cung cấp các báo cáo tài chính và việc ông Vũ với tư cách là người lãnh đạo cao nhất công ty phải triệu tập các cuộc họp HĐQT hay hội nghị cổ đông.
Còn phía công ty Trung Nguyên kháng cáo toàn bộ bản án của cấp sơ thẩm. Phía Trung Nguyên đề nghị cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của bà Thảo.
Gian nan \'đường về\' của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Việc vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ – bà Lê Hoàng Diệp Thảo đáo tụng đình trong 2 vụ án gồm: ly hôn và tranh chấp tại công ty cà phê Trung Nguyên, đã gây chú ý dư luận, khi mà thương hiệu cà phê Trung Nguyên hơn 20 năm phát triển, hiện là thương hiệu lớn của kinh tế đất nước.
Trao đổi với P.V VietNamNet, bà Thảo khẳng định, mong muốn của bà là quay về Trung Nguyên để tham gia điều hành, quản lý, kiểm soát lại tình hình đang rối ren về tài chính, hoạt động kinh doanh. Bà Thảo cũng hé lộ thông tin, đang có 1 nhóm người thao túng, làm lũng đoạn, rút ruột Trung Nguyên - cơ đồ mà bà cùng chồng đã gầy dựng hơn 20 năm qua.
Ngoài ra bà Thảo còn tỏ ra lo lắng rằng, trường hợp bà được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì ngày về của bà cũng không phải dễ dàng. Bà mong muốn được pháp luật bảo vệ, không bị cản trở, gây khó dễ khi quay về điều hành tại Trung Nguyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Trong đơn, bà Thảo kể ra hàng loạt các việc mà ông Vũ nhắm vào bà nhằm triệt tiêu toàn bộ quyền hành, vị trí của bà. Đầu tiên, ông Vũ bãi nhiệm hàng loạt các chức danh quản lý cấp cao của bà Thảo ở các công ty trực thuộc tập đoàn, chuyển các chức danh đó sang cho ông. Tiếp đó, ông Vũ vu khống khi khởi kiện bà tại tòa án Singapore nhằm mục đích chiếm đoạt công ty Trung Nguyên International, là công ty cá nhân mà bà bỏ 100% vốn để thành lập.
Vợ “vua cà phê Việt” còn đề cập, cấp quản lý của tập đoàn có hành động gây náo loạn, kích động, gây mâu thuẫn tranh chấp…thậm chí đến nhà máy của công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên, là nơi bà đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, để tuyên truyền sai lệch, ép nhân viên viết tâm thư chống lại bà...
Nhiều người nhận định, nếu như tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên tinh thần của bản án sơ thẩm thì quá trình bà Thảo quay lại với đế chế Trung Nguyên chắc chắn sẽ còn không ít gian nan phía trước.
Luật sư Nguyễn Việt Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Theo các quy định của luật Doanh nghiệp, việc bãi nhiệm 1 chức danh cán bộ quản lý quan trọng phải đảm bảo 2 điều kiện: quyết định bãi nhiệm đó phải được người có thẩm quyền ban hành và việc ban hành đó theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Như thông tin báo chí, thời gian qua về vụ việc xảy ra tại công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo là nhân danh Chủ tịch HĐQT công ty chứ không phải là nhân danh HĐQT hay Tổng giám đốc. Để xem xét về quyết định bãi nhiệm đó đúng hay sai thì không khó, chỉ cần căn cứ vào luật doanh nghiệp và điều lệ công ty tại thời điểm ban hành quyết định đó.
Điều 108 Luật doanh nghiệp có đề cập rõ, HĐQT có quyền, “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định”. Vấn đề đang tranh cãi trong vụ Trung Nguyên là chức danh bà Thảo bị bãi nhiệm, cụ thể là Phó Tổng giám đốc thường trực, 1 bên nói là cán bộ quản lý quan trọng, còn 1 bên nói là không quan trọng.
Thực tế điều lệ của công ty CP Trung Nguyên ngày 29/2/2006 cũng có quy định rõ HĐQT có quyền “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc (Tổng Giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của công ty”, nhưng lại không liệt kê, giải thích rõ các vụ trí quản lý thế nào là được coi là quan trọng.
Nhưng có thể tiếp cận vấn đề theo 1 cách khác, đó là căn cứ khoản 2 điều 111 luật Doanh nghiệp 2005 và điều 23.3 và 23.4 điều lệ công ty Trung Nguyên thì có thể thấy rõ, chức danh Chủ tịch HĐQT không có quyền bãi nhiệm bất cứ chức vụ của bất kỳ người nào trong công ty, cho dù đó là nhân viên bình thường. Điều 23.3 của điều lệ công ty Trung Nguyên chỉ rõ từng quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT nhưng không thấy cái quyền bãi nhiệm chức vụ người khác trong công ty.
Do đó, quyết định bãi nhiệm chức danh bà Thảo, mà ông Vũ ký trong trường hợp này, với tư cách nhân danh chủ tịch HDQT là không có giá trị pháp lý, chưa kể quyết định đó có nhiều thiếu sót về thể thức văn bản.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: "Thôi, chắc là kiếp nạn"
"Không, không bao giờ. Luôn luôn đến đây là sự đau lòng. Không ai hài lòng. Sự việc đau lòng xảy ra, không ai muốn. ... |
Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ có mặt tại phiên tòa đặc biệt
Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ hòa giải về quyền nuôi con và thẩm định giá tài sản. |
Bà Diệp Thảo xin hoãn phiên hòa giải với ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đồng ý với kết quả định giá và nhiều yêu cầu khác vẫn chưa được giải quyết nên có ... |
Bà Diệp Thảo: Vợ chồng chia cổ phần như chuyển túi phải qua túi trái
Sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiên và phát ngôn trên truyền thông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng phản bác ... |