Khi một địa phương có nhiều lựa chọn để đầu tư như Vĩnh Phúc thì họ có quyền loại bỏ các dự án nhiều rủi ro về môi trường.
Vĩnh Phúc có quyền từ chối
UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL (Hong Kong) trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại rất đồng tình với việc quyết liệt từ chối từ tỉnh Vĩnh Phúc và thấy việc kiên quyết từ chối này không lạ.
Ông Nam cho rằng, các nhà máy dệt nhuộm phải xử lý ô nhiễm cực kỳ khó và tốn kém, nếu không đạt yêu cầu thì đời sống người dân, môi trường sẽ đối diện với những nguy hại từ nước thải, hóa chất, khí thải...
Vấn đề ở đây, nếu địa phương đã có nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc và dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển của họ thì họ có quyền từ chối, chứ không có chuyện bắt ép chấp nhận dự án.
Một góc Khu công nghiệp Khai Quang. Ảnh Báo đầu tư
Việc Vĩnh Phúc phải lần thứ 4 kiến nghị văn bản lên Trung ương, chứng tỏ kiến nghị trên chưa được giải quyết, nên với những nguy cơ trước mắt họ sẽ vẫn tiếp tục đề nghị.
"Khi một địa phương đã có các quy hoạch phát triển cụ thể thì cứ theo quy hoạch đó để làm, đặc biệt, khi họ không có quy hoạch về các nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì việc xử lý đơn độc rất khó khăn, phải lập các khu công nghiệp riêng để xử lý đồng bộ, tổng thể trong khu vực đó, còn làm riêng lẻ từng nhà máy là rất khó khăn.
Thêm nữa, hiện nay, Samsung đang mở rộng thêm rất nhiều nhà máy tại Vĩnh Phúc, như nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Haesung Vina, số vốn đầu tư ban đầu chỉ 11 triệu USD, sau 4 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của Haesung Vina hiện đã đạt mốc 72 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4 nghìn lao động.
Không chỉ riêng Haesung Vina, mà hiện Vĩnh Phúc luôn là điểm đến của những dự án đầu tư có quy mô lớn.
Theo số liệu mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 230 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký trên 3,55 tỷ USD. Chính vì thế, họ có quyền lựa chọn các dự án sinh lợi cao, thỏa mãn điều kiện về xã hội, môi trường địa phương cao hơn.
Cho nên mọi phương án quyết định phải công khai, tôn trọng ý kiến địa phương chứ không áp đặt bắt địa phương phải nhận dự án được", ông Nam phân tích.
Về việc từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, theo vị chuyên gia trên, cũng tùy từng địa phương, có địa phương có quá ít doanh nghiệp thì họ sẽ nhận. Thế nhưng cần đề nghị xử lý vấn đề môi trường dệt nhuộm sao cho bảo đảm, không thể chấp nhận đầu tư bằng mọi giá rồi ô nhiễm môi trường.
Nên cẩn trọng
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Vĩnh Phúc cũng có những phân tích, đánh giá riêng của mình.
Nếu trước đây nhiều địa phương trải thảm đỏ bằng mọi giá kéo nhà đầu tư nước ngoài về để phát triển, đưa ra hàng loạt các điều kiện ưu tiên, chấp nhận giá trị lợi ích kinh tế thì đối diện hậu quả ô nhiễm môi trường, nhưng giờ thì khác.
Với các công nghệ lĩnh vực sản xuất mà ảnh hưởng, tác động môi trường lớn, như nhà máy dệt nhuộm, sử dụng hóa chất, thực phẩm nhiều thì họ có quyền từ chối.
"Tôi cho rằng đây là những quyết định mạnh dạn của Vĩnh Phúc, dám từ chối các nhà đầu tư nếu dự án đó có nguy cơ, đối diện nhiều rủi ro khó lường nên được nhân rộng. Trước đó, năm 2015, Đà Nẵng cũng đã từng từ chối dự án nhà máy dệt nhuộm và may mặc của Tập đoàn dệt may của Hong Kong với tổng số vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD.
Ngoài ra, quý II cùng năm 2015, một công ty của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần đến 30 ha đất để làm khu liên hợp dệt nhuộm. Tuy nhiên, do hai dự án có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên thành phố đã từ chối hai dự án này.
Chúng ta không thể đánh đổi lợi ích kinh tế bằng môi trường, nhất là khi địa phương đã có các đánh giá khách quan, tổng thể, thì việc từ chối là cần thiết.
Đến lúc có sự lựa chọn thì tiêu chuẩn phải khắt khe, phải cao hơn, đề phòng loại trừ các nguy cơ mà khó có thể sửa sai.
Chúng ta vẫn khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nhưng phải chọn các nhà đầu tư ra sao để bảo đảm thân thiện với môi trường, vẫn có giá trị kinh tế, thay đổi đời sống địa phương bằng việc tăng thêm công ăn việc làm", ông Đào chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc từ chối các dự án cũng phụ thuộc vào từng địa phương, vì nhiều nơi không thu hút được đầu tư, số lượng các dự án ít, nên vẫn chấp nhận để phát triển.
Vấn đề hiện nay là thẩm định hệ quả của các dự án là rất khó khăn, thậm chí tốn kém. Với các dự án nhà máy dệt nhuộm thì nên có sự đánh giá tác động môi trường, đời sống người dân một cách kỹ lưỡng.
Nghề nuôi rắn hổ mang ở Vĩnh Phúc
Xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) có tới hơn 1.000 hộ dân nuôi rắn hổ mang, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200 tấn rắn sang các ... |
Bắt gã “yêu râu xanh” hiếp dâm bé gái hàng xóm nhiều lần
Trong suốt một thời gian dài, Hạnh đã tìm cách lợi dụng rồi ép bé gái hàng xóm phải giao cấu trái ý muốn. |