Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thêm gần 5.000 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không quốc gia âm gần 5.000 tỷ đồng quý I và là khoản lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay.

Đà thua lỗ của Vietnam Airlines đã giảm bớt vào cuối năm ngoái khi chỉ lỗ sau thuế hơn 420 tỷ đồng quý IV. Tuy nhiên, tình trạng sức khoẻ của hãng hàng không lại trở nên xấu hơn nhiều trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, giảm 8,8% so với quý trước đó và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng đến 47,3% so với quý IV/2020, lên 11.329 tỷ đồng, khiến Vietnam Airlines lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 3.870 tỷ đồng. Hãng bay này ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 4.974 tỷ đồng (hơn gần gốp đôi cùng kỳ năm ngoái) khi tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của họ từ trước đến nay.

Vietnam Airlines lý giải lỗ nặng quý I ngoài giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không như Vacs, Skypec, Viags... cùng giảm mạnh.

Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thêm gần 5.000 tỷ đồng
Một máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đến 31/3, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 60.580 tỷ, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả 59.549 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.030 tỷ, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 14.218 tỷ đồng - đã lớn hơn khoản vốn điều lệ 14.187 tỷ đồng của hãng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ nguy cơ bị huỷ niêm yết. Trước đó, mã này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.

Tại phiên đại hội bất thường cuối năm ngoái, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng, thực hiện dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay.

Vietnam Airlines cho biết sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết "tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh".

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng được phép kêu gọi cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản tối đa 4.000 tỷ đồng trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi như khoản vay từ nguồn tái cấp vốn theo quy định của Chính phủ trong năm 2021 và 2022.

Cuối tháng 3, Thủ tướng cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Anh Tú

Vietnam Airlines làm gì với khoản vay 4000 tỷ đồng lãi suất 0%? Vietnam Airlines làm gì với khoản vay 4000 tỷ đồng lãi suất 0%?

Vietnam Airlines chia sẻ về phương án sử dụng khoản vay lãi suất thấp 4.000 tỷ đồng.

Hàng không tư nhân kiến nghị gói vay ưu đãi Hàng không tư nhân kiến nghị gói vay ưu đãi

Sau khi Vietnam Airlines được Chính phủ hỗ trợ vốn vay, các hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airways cũng kiến nghị vay ưu đãi.

"Cứu" Vietnam Airlines là cần nhưng đừng quên các hãng hàng không khác "Cứu" Vietnam Airlines là cần nhưng đừng quên các hãng hàng không khác

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, việc "giải cứu" Vietnam Airlines là cần thiết nhưng Chính phủ cũng cần nghĩ đến khó khăn chồng chất của ...

/ vnexpress.net