Truy xuất nguồn gốc cho phép người dùng biết quá trình sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm và không thể chỉnh sửa khi dùng công nghệ blockchain.
Chiều 31/10, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký hợp tác cùng doanh nghiệp Phần Lan chuyển giao giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc ứng dụng blockchain tại Việt Nam. Việc triển khai các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp Việt chứng minh về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.Trước mắt Phần Lan sẽ tài trợ dự án thí điểm cho một doanh nghiệp của Việt Nam.
Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem nhãn. Ảnh: ST |
Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cho biết, việc truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp. Hiện thị trường nội địa đang tạo sức ép lớn và các nước nhập khẩu cũng luôn đòi hỏi sự minh bạch thông tin do doanh nghiệp cung cấp về chuỗi cung ứng sản phẩm.
Ứng dụng giải pháp này, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm sẽ được mã hóa có tính hệ thống và không thể can thiệp (sửa) theo ý muốn của doanh nghiệp khi có vấn đề phát sinh. Ví dụ thông tin về ngày sản xuất hàng hóa hoặc thành phần nào đó vào một thời điểm nhất định, không ai có thể xóa thông tin đó theo mục đích có lợi, kể cả chủ sở hữu cũng không thể sửa chữa hay thay đổi.
Thông tin được hệ thống sẽ thu thập, lưu trữ liên tục cả chuỗi sản xuất, có khả năng truy xuất chính xác nguồn gốc sản phẩm theo các mục đích khác nhau. Như vậy với doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu và các nước yêu cầu cao sẽ có cơ sở để chứng minh được tính minh bạch, khách quan về chất lượng sản phẩm.
Từ quý III/2019, Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) mà Việt Nam là thành viên yêu cầu tất cả doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu phải cập nhật đồng bộ đủ bảy thuộc tính của hàng hóa lên hệ thống dữ liệu đám mây (iCloud). Bảy thuộc tính gồm: mã thương phẩm toàn cầu, nhãn hiệu sản phẩm, mô tả sản phẩm, tên chủ sở hữu, hình ảnh sản phẩm, thị trường mục tiêu, phân loại sản phẩm toàn cầu. Nếu không đồng bộ, thống nhất các thông số này, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc buôn bán trực tiếp trên mạng sẽ không bán được hàng hóa.