- Mỹ điều tra nguy cơ an ninh quốc gia đối với ô tô Trung Quốc
- Trung Quốc vận hành trạm vũ trụ trên mặt đất đầu tiên
- 11 tàu chiến Trung Quốc hiện diện gần Đài Loan
Việc duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng tương tự năm ngoái được cho là bước đi thận trọng về mặt chiến lược của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình.
Theo SCMP, các nhà phân tích cho biết việc Trung Quốc duy trì mức tăng 7,2% ngân sách quân phòng trong năm nay giống như năm ngoái cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện các bước đi thận trọng về mặt chiến lược để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh khu vực lẫn thế giới có nhiều biến động, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này chững lại.
Yue Gang, một đại tá đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân (Quân đội Trung Quốc) đánh giá: “Mức tăng trưởng trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc phù hợp với sự tăng trưởng của GDP”.
Ông nói thêm rằng chi tiêu là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định của quốc phòng và mở rộng quân sự.
Mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay được đặt ở mức khoảng 5%, cũng tương tự mục tiêu năm ngoái.
Fu Qianshao, cựu chuyên gia về thiết bị của Quân đội Trung Quốc, cho biết tỷ trọng chi tiêu quân sự so với GDP của Trung Quốc chỉ dưới 1,5% trong khi của Mỹ và các đồng minh “cao hơn nhiều”.
Các nước NATO đã cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng mỗi năm. Mỹ, quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, sẽ chi khoảng 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm nay.
Fu cho biết: “Bắc Kinh cần tăng chi tiêu quân sự một cách thích hợp… để cải thiện trình độ trang bị và huấn luyện. Sự gia tăng không xuất phát từ căng thẳng gần biên giới, mà là để điều chỉnh hàng năm theo kế hoạch của Trung Quốc. Giá thiết bị công nghệ cao đang tăng lên và việc tăng chi tiêu quân sự là điều bình thường để thích ứng với những tiến bộ về thiết bị quân sự”.
Trong báo cáo công việc thường niên của chính phủ, lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường đề cập đến việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến tranh bằng cách cải thiện lực lượng dự bị, một bộ phận của quân đội chịu trách nhiệm hỗ trợ sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động phòng thủ.
Trong khi đó, tài liệu quy hoạch quốc gia của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, tách biệt với báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính, cam kết sẽ cải thiện khả năng huy động của quân đội. Tài liệu cũng nêu rõ sẽ mở rộng năng lực và phối hợp của ngành công nghiệp quốc phòng cho cơ sở hạ tầng quân sự.
Theo ông Fu, đó là tín hiệu rõ ràng về nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phân bổ thêm nguồn lực trên khắp đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông nói: “Trong trường hợp khẩn cấp về thời chiến trong tương lai, việc huấn luyện phải được tiến hành thường xuyên để đảm bảo khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến”.
Mức ngân sách quốc phòng năm 2024 được công bố trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 5/3.
Trong bản báo cáo công việc của chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết mức tăng chi tiêu sẽ “đảm bảo tài chính vững chắc hơn cho các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang trên mọi mặt trận”.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, với mức tăng 7,2%, ngân sách quốc phòng năm 2024 của đất nước tỷ dân sẽ ở mức 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (232 tỷ USD), cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2%. Mức tăng trong các năm 2022, 2021, 2020 và 2019 lần lượt là 7,1%, 6,8%, 6,6% và 7,5%.
Quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2027 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập – sẽ hoàn thành hiện đại hóa quân đội, đặt nền tảng để nước này trở thành một lực lượng quân sự “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049.