Với tình trạng quan hệ đối đầu nhau trong suốt chiều dài lịch sử, việc cơ quan tình báo của Mỹ trợ giúp cho Nga là điều khá hiếm thấy.
Tổng thống Putin cảm ơn CIA vì trợ giúp tình báo. |
Những ngày qua, cả thế giới bất ngờ trước thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để cảm ơn phía CIA. Đây được xem là việc “vô tiền khoáng hậu”, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang chạm đáy thấp nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Quốc hội Mỹ mở cuộc điều tra đối với nghi án Nga can thiệp vào bầu cử.
Hôm 16/12, lãnh đạo cơ quan an ninh nội địa của Nga cho biết, một nhóm khủng bố đã lên kế hoạch đánh bom thánh đường Kazan ở thành phố St. Petersburg và các tụ điểm đông người khác vào cuối tuần trước. Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã bắt giữ 7 đối tượng là tay chân có liên quan đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chủ mưu kế hoạch này cùng với các vũ khí, vật liệu nổ có liên quan.
Điều đáng nói, Moscow đã đập tan âm mưu khủng bố nhờ thông tin từ phía Mỹ cung cấp. Điện Kremlin tuyên bố: “Các thông tin nhận được từ CIA đủ để truy tìm và bắt giữ các nghi phạm hình sự”. Thông cáo từ Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Putin còn cảm ơn và gửi lời chúc mừng đến đích thân Giám đốc CIA Mike Pompeo và toàn bộ các nhân viên. Tổng thống Trump sau đó cũng gọi điện chúc mừng ông Pompeo, đồng thời ca ngợi đội ngũ nhân viên tình báo của mình là những người rất tài năng.
Cả hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ nhất trí rằng đây là một ví dụ tích cực về sự hợp tác giữa hai nước. Ngoài gửi lời cảm ơn, Tổng thống Putin cũng cam kết với người đồng cấp rằng, “nếu các cơ quan tình báo Nga nhận thông tin về các mối đe dọa khủng bố tiềm năng chống lại nước Mỹ và nhân dân Mỹ, phía Nga sẽ ngay lập tức cung cấp cho các đối tác Mỹ thông qua các kênh thông tin liên lạc chung”.
Hãng truyền thông Nhà nước Nga TASS cho biết, Moscow đã chủ động tiến hành cuộc điện đàm cảm ơn nói trên. Đây cũng là cuộc thảo luận qua điện đàm thứ hai chỉ trong vài ngày qua giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ sau cuộc điện đàm hồi hôm 14/12 về vấn đề Triều Tiên.
Việc trao đổi thông tin tình báo vốn là điều hiếm thấy trong quan hệ Washington-Moscow kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Trong khi các quan chức Nga cho biết hai nước vẫn thường xuyên trao đổi một số thông tin tình báo chống khủng bố thì đây mới là lần đầu tiên điện Kremlin khẳng định công khai rằng thông tin từ Mỹ đã giúp ngăn chặn một cuộc tấn công.
Trên thực tế, vì nhiều lý do nhạy cảm cùng với quan hệ gặp nhiều rào cản, việc chia sẻ thông tin tình báo về các vấn đề an ninh công cộng như khủng bố hiếm khi diễn ra giữa hai quốc gia đối địch mà thường là các đồng minh cung cấp cho nhau (ví dụ như Anh-Mỹ vẫn thường trao đổi thông tin về khủng bố).
Mỹ gần đây đã quy kết một số kênh truyền thông của Nga có liên quan đến hoạt động tình báo. |
Bên cạnh đó, còn có lý do khác khiến việc chia sẻ thông tin tình báo là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng là bởi các dịch vụ tình báo đều muốn bảo vệ các nguồn tin nằm vùng. Việc chia sẻ thông tin có giá trị cao (ví dụ về vị trí và thời gian của một cuộc tấn công khủng bố theo kế hoạch) có thể khiến “nguồn” thu thập thông tin bị lộ (trong trường hợp này là nguồn tin nằm vùng của CIA tại Nga).
Đối với cộng đồng tình báo, việc tiết lộ thông tin về kế hoạch khủng bố cho các đối tác nước ngoài thường đồng nghĩa với việc đặt mạng sống của nguồn nằm vùng rơi vào nguy hiểm (khi phía khủng bố có thể tìm ra để trả thù), hoặc khiến nguồn thông tin dày công gây dựng có thể bị cắt đứt (nếu phía Nga phát hiện ra và vô hiệu hóa).
Do đó, sự tương trợ đầy hữu hảo của CIA đối với Nga đến vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh được coi là động thái đầy tích cực từ chính quyền Trump.
Alexei Chepa, quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Đối ngoại trong Hạ viện Nga, ca ngợi sự giúp đỡ của CIA là một “bước tiến tới hợp tác”. “Càng thêm nhiều những hành động như vậy sẽ càng tốt cho cả hai nước chúng ta”, ông Chepa nói với hãng tin RIA Novosti.
Cuộc chiến tình báo giữa Nga-Mỹ thực chất đã trở nên căng thẳng trong suốt một tháng vừa qua, khi bộ Tư pháp Nga hồi đầu tháng này đã liệt 9 hãng truyền thông nước ngoài là "tình báo nước ngoài". Trong số 9 hãng truyền thông bị Nga liệt vào danh sách này có Đài tiếng nói Mỹ (VOA), Đài châu Âu tự do (RFE), Radio Liberty và IdelRealii.
Theo giới quan sát, động thái này của Nga là nhằm đáp trả lại việc chính phủ Mỹ gây khó dễ cho truyền thông Nga khi nói các kênh truyền thông của RT và Sputnik là công cụ giúp Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ.
Phi công Nga nói về “sứ mệnh cảm tử” khi hộ tống máy bay chở ông Putin ở Syria
Người phi công sẵn sàng biến thành lá chắn sống trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào máy bay ... |
Putin cảm ơn Trump vì giúp Nga phá hàng loạt âm mưu khủng bố
Tổng thống Nga cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì những thông tin do CIA cung cấp đã giúp nước này ngăn chặn hàng loạt ... |
Giải mã việc Tổng thống Putin tái tranh cử với tư cách ứng viên độc lập
Khi quyết định tái tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, Tổng thống Nga Putin hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ ... |