Vì sao Sở GTVT TP.HCM "kiên trì" với vành đai thu phí xe vào trung tâm?

Sở GTVT TP.HCM cho rằng hiện tại là thời điểm phù hợp để lập vành đai khi các vướng mắc về công nghệ, chế tài và pháp lý thu phí ở lần đề xuất trước.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương dự án thu phí xe vào trung tâm bằng một vành đai ở các quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10.

Theo tìm hiểu, nội dung đề xuất không có nhiều điểm mới về công nghệ, quy mô và phạm vi thu phí so với dự án cách đây 2 năm của Công ty CP công nghệ Tiên Phong.

Vậy Sở GTVT kiên trì thu phí xe vào trung tâm vì điều gì?

Thời điểm phù hợp?

Trả lời báo chí chiều 17/7, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP), cho biết đây là thời điểm phù hợp để Sở đề xuất dự án.

Theo thống kê của Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm, lượng ôtô đăng ký mới tăng hơn 15% trong khi nhiều khu vực nội đô đã quá tải, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xuất hiện.

Số lượng ôtô đăng ký mới ở TP.HCM tăng liên tục trong các năm qua. (Ảnh: Lê Quân)

Đồng thời, ông Đường cho biết giải pháp đã được giải quyết khi công nghệ thu phí nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) phổ biến, các trạm BOT trên toàn quốc đều áp dụng để thu phí không dừng.

Yếu tố cuối theo ông Đường là liên quan đến pháp lý, thông qua Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP.HCM ban hành một số loại phí.

Cùng với đó, chế tài xử lý các phương tiện không nộp phí cũng sẽ được giải quyết khi Bộ Giao thông Vận tải đang soạn dự thảo điều chỉnh luật và nghị định liên quan. Góp ý cho dự thảo này, Sở cũng đã kiến nghị bổ sung quy định phạt nguội đối với các phương tiện không nộp phí.

Trên cơ sở thống nhất của Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị thành phố, Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương dự án thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm và giao Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư.

So với đề xuất cách đây 2 năm của Công ty CP công nghệ Tiên Phong, dự án này không có nhiều khác biệt về phạm vi, địa điểm và số cổng thu phí. Điểm khác cơ bản là hình thức đầu tư và tổng mức đầu tư.

Nếu như năm 2017, Công ty Tiên Phong đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì nay Sở GTVT đề xuất chuyển sang đầu tư công.

Đồng thời, tổng mức đầu tư được kéo giảm từ 1.660 tỷ đồng xuống còn 250 tỷ đồng. Giải thích về chênh lệch này, ông Đường cho biết con số mà nhà đầu tư đề xuất năm 2017 là tổng kinh phí trong vòng đời 15 năm của dự án, bao gồm cả chi phí lãi vay, bảo trì, thay thế thiết bị.

Trong khi đó, Sở đề xuất 250 tỷ đồng dựa trên toàn bộ định mức đơn giá chi phí đầu vào như cổng thu phí, hệ thống đường truyền, chi phí thanh toán bù trừ… giống các trạm BOT đang thực hiện.

Vành đai thu phí được Sở GTVT TP.HCM đề xuất. (Đồ họa: Minh Trí)

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty công nghệ Tiên Phong, nhận định đề xuất của Sở dựa trên nghiên cứu của doanh nghiệp và có điều chỉnh về phương án đầu tư. Ông cho rằng dự án mới chỉ ở bước đề xuất chủ trương nên khi nghiên cứu chi tiết có thể sẽ thay đổi chứ không cố định ở con số 250 tỷ đồng.

Chưa giải quyết cái gốc của kẹt xe

Bình luận về đề xuất, ông Đồng Văn Khiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ TP, cho rằng dự án chưa giải quyết được cái gốc của tình trạng kẹt xe khu trung tâm mà mới chỉ dừng lại ở chuyện thu phí nộp ngân sách.

Theo ông, người dân có công việc ở trung tâm thì họ vẫn phải đi xe vào và chấp nhận nộp phí. Mặt khác, việc người dân ở khu vực bên trong vành đai cũng bị thu phí để về nhà là điều vô lý.

“Mục đích của thu phí là hạn chế xe cá nhân nhưng lại chưa có các phương tiện để thay thế. Do vậy, nếu cấm xe hơi mà người dân chuyển qua xe máy thì đâu cũng vào đó”, ông Khiêm lo ngại.

Còn KTS Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng giải pháp lập vành đai thu phí khá phức tạp trong khi thành phố có thể áp dụng phương án đơn giản và hiệu quả hơn đó là tăng phí đậu xe khu trung tâm.

Dẫn chứng việc tăng phí đậu xe ở 23 tuyến đường quận 1, 5 và 10 đã phát huy hiệu quả, chuyên gia này đề nghị Sở GTVT mở rộng thêm các tuyến đường khác.

Chuyên gia cho rằng thành phố cần thêm nhiều giải pháp để giảm kẹt xe chứ không thể trông chờ vào vành đai thu phí. (Ảnh: Lê Quân)

Phản hồi ý kiến chuyên gia, ông Ngô Hải Đường nói rằng dự án này chỉ là một phần trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân mà Sở đang thực hiện.

Do vậy, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khác đồng bộ với dự án này, trong đó chú trọng tăng cường vận tải công cộng như xe buýt mini, các tuyến xe buýt kết nối metro số 1, BRT.

"Cơ quan chức năng sẽ mở thêm các bãi đậu xe dọc vành đai để người dân gửi xe rồi sử dụng phương tiện công cộng vào trung tâm", ông Đường thông tin.

Về thời gian bắt đầu thu phí và mức phí, đại diện Sở GTVT cho biết chưa thể công bố bởi các yếu tố này sẽ được đơn vị tư vấn nghiên cứu khi được UBND TP chấp thuận chủ trương. Theo quy trình, sau khi đơn vị tư vấn nghiên cứu và báo cáo chi tiết, Sở GTVT sẽ gửi các sở, ngành góp ý, Ủy ban MTTQ thành phố phản biện.

Theo nội dung dự án, cơ quan chức năng sẽ thu phí ôtô đi vào trung tâm gồm quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 bằng hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.

Vành đai thu phí được giới hạn bởi các tuyến đường từ Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và kết thúc ở đường Tôn Đức Thắng.

Mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng.

/ vtc.vn