Nếu bạn để ý sẽ thấy bộ đồ vàng mã cúng ông Táo chỉ có áo, mũ và hia chứ không có quần, vậy vì sao ông Táo không mặc quần?
Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân bao gồm 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt xưa. Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mọi gia đình đều sửa soạn lễ cúng ông Công ông Táo, trong đó không thể thiếu trang phục mũ áo để các vị ăn mặc tươm tất lên chầu Ngọc Hoàng.
Vì sao ông Táo không mặc quần?
Bộ trang phục mà chúng ta chuẩn bị cho các vị Táo quân lên chầu trời gồm có 3 chiếc áo, 3 mũ (mũ Táo ông có 2 cánh chuồn, mũ Táo bà không có), 3 đôi hia, nhưng tuyệt nhiên không có quần. Nửa đầu thế kỷ 20, có nhà thơ từng viết về ông Táo như sau:
Ba ông vua Bếp dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần.
Thượng đế hỏi rằng : Sao thế nhỉ?
Thưa rằng: hạ giới nó duy tân.
Khúc giữa hãy còn nguyên thủ cựu,
Văn minh mới được đầu với chưn.
Hình tượng 3 vị Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ. |
Các bức tranh thể hiện hình tượng Táo quân cũng cho thấy các Táo che thân bằng tà áo dài thượt chứ không có quần. Bức tranh ông Táo của làng tranh dân gian Đông Hồ cũng vậy. Ba vị Táo quân ngồi xếp bằng trên điện, Táo bà ngồi giữa, 2 táo ông 2 bên, đều mặc áo thụng dài, nhưng vì không có quần nên phô ra cặp đùi béo múp hồng hào (là vua bếp, chẳng bao giờ thiếu ăn nên mập là phải).
Vậy vì sao ông Táo không mặc quần? Một số chuyên gia cho rằng, ông Táo ở trong bếp vừa nóng vừa nhiều tro than bồ hóng nên vốn ăn mặc rất mát mẻ, đến ngày lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng thì cần phải mặc triều phục, nhưng cũng chỉ đội mũ đi hia và mặc áo thụng. Cậy có tà áo dài che kín vạt trước, vạt sau nên ông Táo không cần mặc quần vì... không quen.
Nói về cuộc sống của Táo quân trong gian bếp, dân gian cho rằng đây là cuộc sống tuy không sang chảnh nhưng no ấm, không phải lo ăn lo mặc. Ca dao có câu:
Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.
Ông Công ông Táo là ai?
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc, và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Theo tích của người Việt, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau nhưng họ mãi không có con, vì vậy dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát, dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ, Cao lại gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến xứ khác và gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao sau khi nguôi giận thì quá ân hận nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường, cuối cùng tình cờ mò vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhận ra người hành khất là chồng cũ, Nhi mời vào nhà nấu cơm cho ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Ông Công ông Táo là ai? Theo truyện dân gian, đó là người phụ nữ và 2 người chồng, duyên nghiệp khiến họ cùng chết trong đống lửa. Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân, giao cho người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.
Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.