Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng ở người khỏe mạnh, không có bệnh nền nên việc chủ động tiêm vaccine phòng ngừa hằng năm giúp hạn chế nhiễm bệnh.
Theo bác sĩ Ngô Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm, rất dễ bùng phát thành dịch và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai và khả năng làm người mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Các chủng virus cúm xu hướng biến đổi mỗi năm, dẫn đến khó khăn trong việc phòng ngừa, điều trị, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc tiêm vaccine phòng cúm mùa đóng vai trò quan trọng và cần được thực hiện trước khi mùa cúm của năm đó bắt đầu. Để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa tối ưu, bạn nên được tiêm vaccine càng sớm càng tốt ngay sau khi vaccine của năm được cung cấp.
![Tiêm vaccine phòng ngừa hằng năm giúp hạn chế nhiễm bệnh. (Ảnh minh hoạ)](https://cdn-i.vtcnews.vn/resize/th/upload/2025/02/11/tiem-vaccine-cum-1-07304887.jpg)
Tiêm vaccine phòng ngừa hằng năm giúp hạn chế nhiễm bệnh. (Ảnh minh hoạ)
Trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong. Tại một số quốc gia, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa lạnh. Như Nhật Bản ghi nhận số nhiễm cúm tăng vào quý IV hàng năm, trong đó năm 2024 ghi nhận số nhiễm cao kỷ lục. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong; so với năm 2023, số mắc giảm 18,6%, số tử vong tăng 5 ca.
Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, virus sống đến vài năm.
Thông thường, cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng, gây tử vong ở nhóm nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, bên cạnh tiêm vaccine, người dân cũng cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh mũi họng hàng ngày. Mỗi người giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Khi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, tránh tự điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng.
Theo bác sĩ Ngô Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong những ngày qua, phòng tiêm chủng vaccine thuộc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận số lượng lớn người dân đến tiêm phòng, đặc biệt là vaccine cúm mùa, tăng gấp 3 lần so với bình thường.
“Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân đã chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình trước tình hình dịch cúm đang lan nhanh”, bác sĩ Hà nói.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có đầy đủ vaccine cúm. Phòng tiêm dịch vụ của bệnh viện làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả lễ Tết. Giá vaccine ngừa cúm là 350.000 đồng, giúp bảo vệ người tiêm trong suốt một năm. Mọi nhóm tuổi đều nên tiêm, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
https://vtcnews.vn/vi-sao-nen-tiem-vaccine-cum-hang-nam-ar924981.html