Người dân đổ xô đi tiêm vaccine cúm

Bệnh cúm gia tăng ở nhiều địa phương, nhiều người phải nhập viện điều trị khiến người dân lo lắng đổ xô đi tiêm vaccine phòng bệnh. Tại nhiều trung tâm tiêm chủng ở Hà Nội, số người đi tiêm cúm đông. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đi tìm mua thuốc kháng virus do lo ngại mắc cúm.

Vaccine không tăng giá

Tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhiều người đến tiêm vaccine phòng cúm. Hiện Trung tâm chỉ có vaccine cúm của Hà Lan, tiêm cho trẻ em từ 6 tuổi đến người lớn, giá 365 nghìn đồng/mũi. Bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi chưa tiêm vaccine phòng cúm bao giờ, nay thấy nhiều người có bệnh nền mắc cúm bệnh nặng hơn nên tôi đi tiêm”. Theo đại diện Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc, người dân đến tiêm vaccine cúm đều đều quanh năm, nhưng từ Tết ra đến nay, số người đến tiêm tăng hơn.

nguoi-tre-tiem-cum-tai-vnvc.jpg -0
Nhiều người tiêm vaccine phòng cúm.

Tại Phòng tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, người đến tiêm vaccine phòng cúm cũng rất đông. BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, mùa đông xuân là mùa có số lượng bệnh nhân mắc cúm gia tăng. Từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh cúm được người dân và các cấp, các ngành quan tâm nhiều, điều đó là tốt, nhưng bệnh cúm tăng không phải là điều quá bất thường. Tháng 1/2025, Hà Nội ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5. “Nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm trong những ngày qua đang tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên, có những điểm tiêm tăng gấp đôi, gấp ba. Ngày thường không ai để ý đi tiêm, đến lúc bắt đầu có dịch bệnh thì nhiều người dân đổ xô đi tiêm, sẽ có thể chậm, muộn trong phòng dịch”, BS Tuấn nói.

Theo Trung tâm tiêm chủng VNVC, tỷ lệ người dân chủ động đi tiêm cúm cũng gia tăng hơn 500% so với ngày thường và tiếp tục có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trên nhóm người lớn, người cao tuổi chiếm gần 50%, gồm cả người dân trễ lịch tiêm cúm trong dịp Tết Nguyên đán và những người lo ngại do ca bệnh tử vong gần đây. BS Bạch Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Y khoa VNVC cho biết, nhiều cha mẹ đã tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm do lo ngại bị lây nhiễm trong môi trường tập thể. Nhiều người lớn chủ động đưa gia đình đi tiêm vaccine cúm và vaccine phòng bệnh hô hấp khác. Có nhiều gia đình và đại gia đình hơn 20 thành viên cùng đến tiêm vaccine.

Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, tỷ lệ người đến tiêm cúm tăng nhẹ trong những ngày qua. Đơn hàng vaccine cúm bán tăng lên, nhưng giá vaccine không tăng. Theo ghi nhận của PV Báo CAND tại nhiều điểm tiêm chủng, giá vaccine cúm ổn định, không tăng, dao động từ 320.000-350.000 đồng/mũi; không khan hiếm vaccine.

Tuy nhiên, tâm lý “nước đến chân mới nhảy” vẫn xảy ra khi dịch bệnh bùng phát. BS Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, việc người dân cần chủ động tiêm vaccine định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch là rất cần thiết. Bởi lẽ thông thường vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Tất cả các loại vaccine đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, đạt khả năng phòng bệnh tối đa sau 1 tháng.

Cẩn trọng với triệu chứng nặng để nhập viện

Theo Bộ Y tế, hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cho dịch bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm phát triển. Tổ chức Y tế thế giới thống kê, mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu ca nặng, 290.000-650.000 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc cúm tăng và hiện tại chưa ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận hàng nghìn ca mắc cúm mùa trong năm 2024 phải điều trị, nhiều ca nặng phải thở máy. Từ đầu năm 2025 đến nay, số bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết, những bệnh nhân nặng điều trị tại đây thường là người già, có bệnh nền, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch… Nếu người khoẻ mạnh có hệ miễn dịch tốt khi mắc cúm thường nhẹ và chỉ cần nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường là tự khỏi và không phải nhập viện. Với người có bệnh nền và hệ miễn dịch yếu, bệnh nhân cao tuổi, virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Chuyên gia cũng chỉ rõ, người dân cần phân biệt bệnh cúm với cảm lạnh để biết các triệu chứng tăng nặng và nhập viện kịp thời. Cảm lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi. Còn cúm có triệu chứng ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở… và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

BS cũng khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltaminvir (Tamiflu) và không mua tích trữ khiến thị trường khan hiếm. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng khẳng định thị trường không thiếu thuốc Tamiflu, số lượng thuốc tồn kho hiện tại hơn 10.000 hộp, ngoài ra vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp và sắp tới sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên với giá bán buôn vẫn giữ nguyên, nên người dân không lo thiếu thuốc, không phải mua dự trữ. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thuốc kháng virus chủ yếu dành cho người có nguy cơ mắc bệnh cúm nặng, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch,… và phải có chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

BS Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc quan trọng nhất để phòng bệnh cúm là người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và chủ động tiêm phòng vaccine cúm hằng năm để tạo miễn dịch.

https://cand.com.vn/y-te/nguoi-dan-do-xo-di-tiem-vaccine-cum-i758927/

Trần Hằng / CAND