- Đầu tư 1.000 tỷ đồng làm nút giao QL51 với cao tốc Bến Lức - Long Thành
- Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau bao giờ thi công?
Một loạt cao tốc đã và chuẩn bị đưa vào khai thác trong thời gian gần đây không có trạm dừng nghỉ, không có cây xăng khiến không ít lái xe lo ngại và băn khoăn, liệu như vậy có hợp lý?
Từ ngày 1/9 tới, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến chính thức thông xe sẽ kết nối với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,1 km, cầu Bạch Đằng - Đại Yên dài 25 km và Hạ Long - Vân Đồn 71,2 km thông xe trước đó, tạo thành toàn tuyến cao tốc dài 176km chạy dọc tỉnh.
Như vậy, Quảng Ninh sẽ là địa phương có tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 176 km từ cầu Bạch Đằng tới Móng Cái.
Tuy nhiên, các tài xế và người dân băn khoăn, lo lắng khi tính từ trạm dừng nghỉ cuối cùng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đi đến hết cao tốc qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có tổng chiều dài trên 200km, nhưng suốt chặng đường này không có trạm dừng nghỉ và cây xăng.
|
Cao tốc Vân Đồn- Móng Cái dự kiến thông xe vào ngày 1/9 tới đây |
Anh Nguyễn Đức Hoàng ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: “Tôi vừa trở về sau chuyến đi Hà Nội- Vân Đồn, cao tốc rất đẹp, rất thuận tiện, đi một mạch từ Hà Nội đến Vân Đồn rất thích, dù vậy, suốt từ trạm dừng nghỉ tại TP Hải Dương thuộc cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đến Vân Đồn không hề có trạm dịch vụ cũng như cây xăng. Và tôi được biết, từ Vân Đồn đến Móng Cái cũng không hề có. Rất mong nhà đầu tư cũng như cơ quan chức năng xem xét điều này”.
Không chỉ anh Hoàng, mà rất nhiều lái xe cũng như người dân đều cho rằng, các cao tốc có quãng đường dài cần bố trí trạm dừng nghỉ, cây xăng để lái xe có thể nghỉ ngơi sau khi cầm lái từ 50-70km, hoặc nạp nhiên liệu.
“Cao tốc ở Việt Nam hầu hết vẫn lưu thông với vận tốc 80km/h, vậy nên rất cần trạm dừng nghỉ và cây xăng”- anh Hoàng cho hay.
Không phải bây giờ dư luận mới xôn xao về tuyến cao tốc dài gần 200km không có trạm dừng nghỉ hay cây xăng, mà thời gian trước, không ít lái xe đã tỏ ra khá ngạc nhiên khi một số tuyến cao tốc như Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bắc Giang- Lạng Sơn hay Trung Lương- Mỹ Thuận vừa đưa vào khai thác mới đây không hề có trạm dừng nghỉ hay cây xăng.
Lý giải về việc hiện toàn tuyến cao tốc dài 176km chạy dọc tỉnh những chưa có trạm dịch vụ, ông Hoàng Đình Sáu, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo quy hoạch ban đầu thì trên toàn tuyến cao tốc của tỉnh sẽ bố trí 4 - 5 vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ và sau đó thống nhất đặt 2 vị trí.
Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận không có trạm dừng nghỉ hay cây xăng dù vận tốc lưu thông chỉ 70km/h |
Nhưng quá trình xây dựng không đưa vào triển khai được ngay vì không tính toán được phương án tài chính.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, đề xuất Bộ GTVT xem xét, chấp thuận vị trí điểm dừng nghỉ mới, thay thế vị trí đã đề nghị trước đó.
"Sau khi nối tuyến cao tốc dài 176 km từ cầu Bạch Đằng (Quảng Yên) đến đường dẫn lên cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh quy hoạch 2 trạm dừng chân trên tuyến. Hiện nay cơ quan chức năng đang phối hợp kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, sau đó tổ chức đấu thầu xây dựng 2 trạm dịch vụ dự kiến đặt tại huyện Vân Đồn và TP Hạ Long. Đồng thời, đang nghiên cứu đặt thêm 1 điểm dừng nghỉ nữa ở huyện Hải Hà…", ông Sáu cho hay.
Tuy nhiên, ông Sáu cho hay, để xây dựng một trạm dịch vụ trên cao tốc yêu cầu chi phí lớn, không như trên quốc lộ thông thường. Nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về vấn đề thu hồi vốn khi triển khai trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc này.
Hay như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51 km đã khai thác gần một năm, hiện cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Tuyến này còn nối thông với cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài hơn 49 km, mới có một trạm dừng tại Km28+200. Đoạn từ Km28+500 đến cuối tuyến dài 73 km chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trên cả chặng đường dài.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km đã khai thác được 4 năm, song đến nay chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, trạm xăng.
Theo đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án còn một số hạng mục dang dở do khó khăn về vốn, như chưa hoàn trả lại đường cho địa phương, chưa hoàn thiện nút giao kết nối với cao tốc đoạn Dung Quất. Chủ đầu tư đã xác định vị trí trạm nghỉ, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó, theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe.
Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).
"Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho biết, hiện chỉ có quy hoạch 2753/2014 của Bộ GTVT về trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, không có quy hoạch trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Tiếp theo quy quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông sẽ có nội dung về trạm dừng nghỉ".