Một trong những vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm là hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ đi qua tỉnh Nam Định. Vị trí ga gần trung tâm TP Nam Định, như vậy sẽ không "thẳng nhất có thể".
Đường sắt tốc độ cao đi vòng qua Nam Định
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Một trong những vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm là hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ đi qua tỉnh Nam Định. Vị trí ga gần trung tâm TP Nam Định.
Nhiều ý kiến cho rằng, hướng tuyến như vậy là đi "vòng", ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành khai thác. Đồng thời, không đáp ứng được chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là "bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể" để tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ga Phủ Lý đặt tại xã Liêm Tuyền và xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý gần khu vực nút Liêm Tuyền, phía Đông đường bộ cao tốc.
Từ sau ga Phủ Lý, tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và QL21 về phía TP Nam Định. Ga Nam Định đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc (gần ga Đặng Xá đường sắt hiện tại).
Sau ga Nam Định, tuyến đi về phía Ninh Bình, vượt sông Đáy tại khu vực phía Đông khu công nghiệp Khánh Phú (TP Ninh Bình).
Tại Nam Định sẽ đặt một trạm tại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, được sử dụng để dồn dịch các phương tiện bảo trì (máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát...) và chứa vật tư, vật liệu cho khu gian Nam Định - Ninh Bình.
Đại diện Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hướng tuyến được nghiên cứu phải đảm bảo các yếu tố: Phụ thuộc quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh, chuyên ngành liên quan đến dự án; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; đảm bảo chiều dài tuyến giữa các điểm khống chế là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của tuyến.
Đường sắt tốc độ cao theo nghiên cứu tiền khả thi sẽ đi vòng qua tỉnh Nam Định |
Mặt khác, phải phù hợp với điều kiện địa hình khu vực; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh...
Đồng thời, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.
Về vị trí ga đường sắt tốc độ cao, nghiên cứu được xác định trên những nguyên tắc cơ bản: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới; có khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng, giao thông khác và khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.
Với vị trí hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Nam Định, tư vấn cho biết, do vị trí ga nằm về phía Đông so với trục Bắc - Nam nên hướng tuyến vòng qua khu vực Nam Định sẽ khó đáp ứng tiêu chí "thẳng nhất có thể".
Bỏ ga Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối
Tuy nhiên, vị trí ga Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; đáp ứng yêu cầu kinh tế - kỹ thuật của tuyến.
Phương án hướng tuyến nghiên cứu cũng đã được hỗ trợ của tư vấn quốc tế để phân tích, đánh giá và thỏa thuận thống nhất với các địa phương, trong đó tỉnh Nam Định thống nhất phương án tuyến.
Về kết nối, gom và giải tỏa hành khách, theo tư vấn, ngoài phục vụ nhu cầu vận tải cho tỉnh Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn phục vụ cho cả vùng gồm tỉnh Thái Bình, một phần phía Đông Nam khu vực Hải Dương, Hưng Yên với quy mô khoảng 4 triệu dân.
"Trường hợp hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt", tư vấn khẳng định.
Hơn nữa, tại Nam Định sẽ kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt. Ngoài tuyến đường sắt hiện hữu, trong tương lai kết nối với tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Lý giải thêm, đại diện Ban QLDA Đường sắt cho hay, ga Nam Định ngoài vai trò trung tâm của tỉnh Nam Định còn là điểm kết nối đến một số địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... với dân số hàng triệu người. Do đó, ga Nam Định trên tuyến đường sắt hiện tại có vai trò quan trọng để kết nối hành lang Bắc - Nam với khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Trong quá trình nghiên cứu, cập nhật hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT đã phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương dọc tuyến. Kết quả rà soát thời gian qua đã tối ưu hóa hướng tuyến, giảm chiều dài toàn tuyến khoảng 4km.
Tuy nhiên, theo Ban QLDA Đường sắt, trong giai đoạn triển khai tiếp theo, trên cơ sở số liệu khảo sát chi tiết, hướng tuyến sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh cục bộ nếu cần.