Trước gạo ST25, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm và phần lớn bị mất thương hiệu do "quên" đăng ký.
Gạo ngon nhất thế giới ST25 đang có nguy cơ bị mất thị trường Mỹ do các doanh nghiệp Mỹ "nhanh chân" đăng ký nhãn hiệu này. Trả lời báo chí, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa này cho biết không đăng ký ở Mỹ do nghĩ không có khả năng kinh doanh hay xuất khẩu và cũng chưa am hiểu đầy đủ luật chơi quốc tế.
Nhưng đây cũng không phải lần đầu một thương hiệu trong nước gặp tình cảnh này. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước trước đây từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Phần lớn họ phải tốn không ít công sức, chi phí để "đòi" lại, hoặc bị mất thương hiệu do "quên" không đăng ký.
Trung Nguyên được xem là một trường hợp điển hình. Năm 2000, thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ đã bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ tại Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO). Sau 2 năm đàm phán doanh nghiệp này mới lấy lại được thương hiệu và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ. Thương vụ dàn xếp trên ngốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD. Sau "cú vấp" này, Trung Nguyên đã đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia.
Gạo ST25 được bày bán tại một cửa hàng ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tương tự, nước mắm Phú Quốc cũng từng bị Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ) đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ, EU, Trung Quốc và Australia. Để tìm lại tên cho nước mắm Phú Quốc, Hội các nhà nước mắm Phú Quốc đã thực hiện các thủ tục pháp lý cùng sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ tại EU, Bộ Công Thương... Phải mất 6 năm, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý sau khi chứng minh quyền sở hữu của mình, mở đường cho sản phẩm này vào thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD.
Một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp Việt "khóc dở, mếu dở" là bài học từ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Thương hiệu này được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005 nhưng không đăng ký thương hiệu ở nước ngoài, nên đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ.
Chuyện bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam từ lâu vẫn khiến nhiều người tranh cãi bởi không ít doanh nghiệp đã để mất chỉ vì không hoặc chậm trễ đăng ký bảo hộ thương hiệu. Nhưng vì sao
Tư vấn cho không ít doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, luật sư Ngô Văn Hiệp - Giám đốc Công ty Luật Hiệp và cộng sự nói, việc "quên" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài chủ yếu do nhận thức và năng lực tài chính của doanh nghiệp.
"Tiền không nhiều, lại nghe ngóng việc đăng ký sẽ mất thời gian, thủ tục pháp lý phức tạp... nên không ít doanh nghiệp chần chừ. Nhưng khi bị đối thủ đăng ký trước, việc lấy lại thương hiệu tốn kém chi phí, thời gian hơn nhiều", ông nói.
Ở góc độ giá trị thương hiệu, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Group nhấn mạnh rằng, thương hiệu tài sản vô hình tạo giá trị cho doanh nghiệp, nên trách nhiệm chính bảo vệ thuộc về chính doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp không hoặc chậm đăng ký nhãn hiệu, để đối thủ "nhanh chân" đăng ký trước tại thị trường quốc tế, ông nói, họ chưa ý thức được hết giá trị mà "tài sản" thương hiệu đem lại. Chỉ sau khi bị "cướp" thương hiệu, doanh nghiệp mới tìm cách giải quyết, nghĩ đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thì đã muộn.
"Khi doanh nghiệp ý thức, lượng hoá thương hiệu với giá trị quy ra tiền, họ sẽ coi trọng, gìn giữ tài sản của mình. Còn nếu họ không trân trọng tài sản thương hiệu, giá trị nội hàm bên trong thì danh sách những sự việc đáng tiếc tương tự như ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu sẽ chưa dừng lại", Chủ tịch MVV nhận xét.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định ưu tiên "người đăng ký trước" (the first time), nhưng cũng có quy định chống lại "sự không trung thực" (bad faith), đăng ký nhãn hiệu với mục đích ăn theo một nhãn hiệu có tiếng, hoặc đi trước nhằm trục lợi từ việc đăng ký... Vì thế, luật sư Hiệp nhận xét, doanh nghiệp chậm chân đăng ký là sẽ mất thương hiệu.
Rủi ro lớn nhất là nhãn hiệu của họ sẽ bị một bên thứ ba chiếm giữ. Khi đó, việc sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia sở tại có thể bị coi là vi phạm pháp luật và chi phí bỏ ra cho việc giành lại rất tốn kém.
"Doanh nghiệp phải nhận thức ở mức cao hơn chuyện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước, và tại một số thị trường quốc tế trọng điểm. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể thay doanh nghiệp làm vì sẽ vi phạm các quy định cam kết quốc tế", ông nói thêm.
Còn ông Lại Văn Mạnh - Giám đốc Mibrand nhìn nhận, nếu muốn phát triển và tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Hãy ý thức ngay đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài tiềm năng mà trong tương lai mình có khả năng đặt chân đến. Nếu để khi "mất bò mới lo làm chuồng" thì đã là quá muộn.
"Việc này phải hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động, không ai làm thay được họ", ông chia sẻ.
Đành rằng "không ai làm thay được doanh nghiệp", nhưng GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói, ông xót xa khi thêm một lần một thương hiệu nông sản Việt có nguy cơ bị cướp mất chỉ vì sự chậm chân của mình.
Vị giáo sư phân tích, doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp không phải ai cũng rành chuyện làm thương hiệu, nhiều người chỉ chuyên tâm nghiên cứu ra giống, cây tốt. Nguồn lực có hạn, vật lực cũng hạn chế, họ gặp rủi ro và khó sức bảo vệ sản phẩm của mình ở ngoài biên giới quốc gia.
Ông gợi ý, nên đưa gạo ST25 cũng như các sản phẩm chỉ dẫn địa lý thành thương hiệu, tài sản quốc gia. Điều mà Thái Lan đã làm với thương hiệu gạo của họ nhiều năm trước. Khi đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ công tác nghiên cứu phát triển và bảo hộ tại thị trường trong nước. Bộ Công thương hỗ trợ phần xúc tiến thương mại sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu chính.
"Việc bảo hộ nhãn hiệu quốc gia tại nước ngoài khi đó thuận lợi hơn, nếu xảy ra tranh chấp thì cơ quan quản lý nhà nước có nhiều điều kiện để bảo vệ thương hiệu này", GS Xuân nói.
Ở khía cạnh này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nói, quy định hiện hành không cho phép Bộ Công Thương hay bộ, ngành nào bỏ tiền ra đăng ký bảo hộ sở hữu cho doanh nghiệp cụ thể. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hay thương hiệu quốc gia chỉ có thể hỗ trợ quảng bá các ngành hàng nói chung, chứ không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào. Chưa kể, việc hỗ trợ trực tiếp như vậy có thể vi phạm các quy định của WTO về bảo hộ hàng hoá trong nước.
Tuy nhiên, Bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm, phù hợp các quy định của WTO.
Anh Minh