Việt Nam chưa thể áp dụng giá điện một bậc khi chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo các chuyên gia.
Tại tọa đàm "Xây dựng biểu giá bán lẻ điện phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam" chiều 6/3, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội thẩm định giá chia sẻ về lý do không nên áp dụng một giá điện ở Việt Nam.
Trong các phương án Bộ Công Thương đưa ra lần này cũng có phương án 1 bậc giá. Phương án này có ưu điểm đơn giản, dễ theo dõi nhưng nhược điểm lớn là người dân phải trả giá "cào bằng", không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Ngoài một số nước cũng áp dụng giá bán điện một bậc như Singapore, phần lớn đều sử dụng giá điện bậc thang. Với Việt Nam, Chủ tịch Hội thẩm định giá nói "biểu giá điện theo bậc thang là hợp lý với bối cảnh thị trường điện Việt Nam hiện nay".
"Khi Việt Nam chưa giải quyết tốt bài toán nguồn cung ứng điện, chưa có điều kiện áp dụng giá điện đồng giá", ông nói, và nhấn mạnh giá điện đồng giá chỉ được áp dụng khi thị trường điện bán lẻ hình thành. Dự kiến tới năm 2025 Việt Nam mới có thị trường này.
Tuy nhiên, ông Thoả cho rằng, cần xem xét lại bước nhảy giữa các bậc cho phù hợp hơn. Theo kịch bản này, giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành là 1.549 đồng một kWh. Bậc 2 (101 - 200 kWh); bậc 3 (201 - 400 kWh); bậc 4 (401 - 700 kWh); bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Công nhân điện lực TP HCM sửa chữa đường dây gặp sự cố. Ảnh: Trung Trần |
Ông đơn cử có thể gộp 2 bậc từ 0-100 và 210-400, đảm bảo cho tốc độ tăng về lượng cao hơn về giá, tránh vào mùa nóng số điện "nhảy vọt".
Góp ý kiến, Giáo sư Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng nên xem lại bước nhảy giữa các bậc để "tốt hơn cho người sử dụng điện, đơn vị điện lực trong phát triển ngành".
Liên quan đến điều chỉnh giá điện, ông Long nói cách điều chỉnh như hiện nay gây khó cho ngành điện
. Ông phân tích, trong kinh tế thị trường đầu vào và đầu ra phải tương ứng. Khi đầu vào thay đổi thì đầu ra cũng phải thích ứng theo, nhưng giá điện lại không được điều chỉnh theo quy tắc này."Trong khi đó, nhìn lại vừa rồi chu kỳ điều chỉnh giá điện có khi đến 2-3 năm mới thay đổi một lần. Việc kìm hãm không tự nhiên trong khi giá năng lượng tăng liên tục, khi điều chỉnh bước nhảy lớn, gây khó cho người tiêu dùng", ông nói.
Giáo sư Long cho rằng, giá điện nên giữ mật độ điều chỉnh 6 tháng một lần. "Giá các ngành khác thay đổi liên tục, vì sao ngành điện thì không?", chuyên gia đặt vấn đề.
Trái lại, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội thẩm định giá lại cho rằng, nếu xét theo nguyên tắc về giá, khi đầu vào biến động thì đầu ra cần điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, điện là đầu vào cả nền kinh tế, nếu cứ biến động liên tục, doanh nghiệp không chủ động được, dễ dẫn đến rủi ro.
"Lúc đầu chúng ta định điều chỉnh 3 tháng một lần, kêu dày quá nên điều lại 2 lần một năm. Nhưng chúng ta đặt ổn định vĩ mô lên hàng đầu thì mục tiêu điều chỉnh 2 lần một năm e rằng khó. Sẽ dễ bị sốc nếu điều chỉnh liên tục", ông Thoả nói.
Ông Thoả cũng cho biết, vẫn nhiều quan điểm cho rằng ngành điện độc quyền song thực tế Việt Nam đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Dù vậy, lộ trình tới đây phải tiến tới "người mua điện được chọn người bán, được thoả thuận về giá".
Anh Minh