Vén màn bí mật những thương vụ đưa người Việt vượt biên sang Anh

Không giấy tờ cam kết, nhiều gia đình vẫn giao con cho nhóm đưa người lậu sang Anh, khi trót lọt chúng gửi giấy vay nợ, họ chuyển tiền - xong thương vụ bạc tỷ.

Trong những năm qua, nhiều xã ở Nghệ An và Hà Tĩnh giàu lên nhanh nhờ đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống người dân đổi thay từng ngày, nhà cửa khang trang, điều kiện sinh hoạt ngày càng được nâng cao. Trào lưu đi xuất khẩu lao động đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ ở những vùng quê nghèo nơi đây sau khi học hết cấp 3.

Hành trình trở thành "lao động chui"
Gần một tuần qua, nhiều gia đình ở huyện Yên Thành (Nghệ An) sống trong thạng thái thấp thỏm, lo âu trước nghi vấn người thân của họ có thể là nạn nhân trong vụ 39 thi thể chết cóng trong xe container ở Anh.

 Người thân anh Lê Văn Hà (quê ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành) đứng ngồi không yên trước thông tin anh Hà có thể là nạn nhân chết trong xe container ở Anh. 

Trong quá trình đi tìm gặp các gia đinh có con em đi xuất khẩu lao động để xác minh thêm thông tin, nhóm PV VTC News được người dân chia sẻ, ở nhiều xã của huyện Yên Thành, nhiều người đi xuất khẩu lao động sang châu Âu, sau đó trốn ra làm ngoài trở thành "lao động chui". Điều này tạo ra nhiều hệ lụy cũng như ảnh hưởng đến tính mạng của chính bản thân người lao động. Chính họ cũng không lường hết được những nguy hiểm đang rình rập phía trước.

Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi lên là "làng đi Tây". Hầu như nhà nào cũng có người đi nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Dân số toàn xã Đô Thành chỉ có khoảng 17.000 người, nhưng có tới 1.500 người (chiếm gần 9% dân số của xã) làm ăn, sinh sống tại châu Âu”.  

Theo thống kê sơ bộ của Phòng LĐ,TB&XH huyện Yên Thành, toàn huyện có khoảng 500 người đang làm ăn, sinh sống ở nước Anh.

Nhiều người sang nước Nga, Rumani, CH Séc, Đức… để làm thuê, kinh doanh, nhưng do công việc càng ngày càng khó khăn, lương thấp nên muốn đi đến nước khác để mong có thu nhập cao hơn. Nước Anh được coi là "miền đất hứa", thu hút nhiều lao động Việt Nam, trong đó có nhiều lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Do vậy, cũng từ đây bắt đầu xuất hiện những kẻ môi giới đưa người sang Anh. Nhiều người Việt tìm cách sang nước Anh để làm thêm như làm nails, làm công nhân, thậm chí là "trồng cỏ” (trồng cần sa).

Ông N.V.H (quê ở huyện Yên Thành, có con đang làm thuê bên Anh) cho biết: "Sang Anh làm thuê nếu làm ăn chân chính như làm nails thì thu nhập tương đối, giá trị tiền Anh cao nên khi gửi về Việt Nam cũng được nhiều. Còn nếu làm việc bất hợp pháp như trồng "trồng cỏ" thì thu nhập cao nhưng khi bị phát hiện sẽ bị phạt tù. Ngoài ra, nếu trộm cắp, buôn lậu, đánh nhau… thì bị trục xuất. Do vậy, đi Anh cũng có cái hay, nhưng rủi ro rất cao.

Thậm chí, ông H. còn tiết lộ cách đi nước ngoài cũng chẳng giống ai của mỗi gia đình. "Nhiều gia đình bỏ ra số tiền lớn để thuê đường dây đưa con sang Anh, tuy nhiên sang tới nơi, con cái làm việc phạm pháp bị trục xuất ra khỏi nước Anh thì sẽ trở thành gánh nợ cho gia đình", ông H. kể.

Nhiều gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh đau xót khi mất liên lạc với con cái nhiều ngày nay.

Đường dây đưa người vượt biên thế nào?

Có thể nói đường dây đưa người vượt biên ra các nước nói chung, đưa người vào nước Anh nói riêng hoạt động rất tinh vi, đến mức cơ quan chức năng của các nước cũng rất khó khăn mới phát hiện ra.

Ông P.V.T (ở Nghệ An, người đang có con sinh sống ở Anh) chia sẻ: “Ở Nghệ An, những gia đình có con muốn đi sang châu Âu thì sẽ chủ động tìm mối xuất ngoại. Người môi giới sẽ trao đổi trực tiếp với gia đình hỏi đi nước nào, đưa ra mức giá cụ thể để xem gia đình chấp nhận được không.

Thông thường, người dân Nghệ An sang CH Séc, Đức với chi phí khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Nếu chấp nhận thì người môi giới sẽ liên lạc với nhóm người ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc TP.HCM báo có trường hợp đi như thế, giá tiền đi như thế thì có nhận không.

Nếu nhóm đưa người kia đồng ý thì người môi giới sẽ làm hướng dẫn người dân cách làm thủ tục. Họ đi theo đường du lịch, thăm người thân, đi theo đường xuất khẩu lao động, thậm chí là vượt biên trái phép để sang được châu Âu”.

Sang đến CH Séc, Rumani, Đức… làm ăn một thời gian, nếu thấy công việc khó khăn, lương thấp, muốn sang Anh làm để có thu nhập cao hơn thì người lao động tiếp tục tìm mối ở nước sở tại đó. Thường chi phí từ Đức, Pháp sang Anh khoảng 200 đến 300 triệu đồng.

Cũng có trường hợp ngay từ ở Việt Nam, nhóm đưa người vượt biên thỏa thuận với những gia đình có con muốn đi thẳng sang Anh làm thuê chứ không muốn làm thuê ở các nước khác như Đức, CH Séc… thì chi phí sẽ cao lên rất nhiều, hiện nay khoảng 900 triệu đồng.

Trước đây, nhóm đưa người từ Pháp vượt biên sang Anh thường làm theo cách đến khu vực bến xe của Pháp sát biên giới với Anh, khi các tài xế xe tải nghỉ ngơi, tập trung ăn uống thì bọn họ bí mật bẻ khóa, cặp chì sau đó cho khoảng 3-4 người vào thùng container rồi khóa, cặp chì lại như cũ.

Những trường hợp này ngay cả lái xe cũng không biết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cho lái xe biết và cho lái xe nhiều tiền. Mỗi lẫn họ chỉ chở vài người thôi, không ai lại cho 39 người vào thùng container như vụ vừa rồi đâu”, ông T. chia sẻ.

Ông P.V.T cũng tiết lộ 2 cách để đi sang nước Anh. "Một là đi theo đường rẻ tiền là đi nhiều chặng, theo những chuyến xe tải; Còn đi đắt tiền thì sẽ bảo đảm tính mạng hơn, nghĩa là đi theo ô tô con, mỗi xe chỉ chở 2 đến 3 người", ông T. thông tin.

Do nước Anh quy định nếu phát hiện người nhập cư bất hợp pháp thì sẽ trả lại nước trước đó nên nhiều người Việt Nam sau khi bị nước Anh trục xuất sẽ về Pháp. Tại Pháp người lao động tiếp tục tìm mọi cách để tiếp tục vượt biên sang Anh.

"Như vụ 39 thi thể vừa qua có nhiều người đã từng bị nước Anh trục xuất nhưng vẫn tiếp tục tìm cách sang Anh là vậy", ông T. nói.

 Đa số các gia đình đều không dám hé lộ đường dây môi giới nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

Nói về chiêu thức giao nhận tiền sau khi sang Anh, ông P.V.T chia sẻ với PV VTC News: “Sau khi vượt biên an toàn vào đến Anh, nhóm đưa người vượt biên sẽ đưa người lao động đến một địa chỉ của người Việt. Tại đây, người lao động sẽ viết giấy vay tiền với số tiền bằng số tiền đã thỏa thuận trước khi vượt biên.

Sau khi ký nhận vay tiền, người lao động sẽ gọi điện thoại về nhà báo tin đã sang đến Anh và chuyển tiền theo số điện thoại mà nhóm người cho vay chỉ định. Khi nào ở Việt Nam nhận đủ tiền thì nhóm người cho vay tiền mới thả tự do cho người lao động, đi đâu thì đi.

Ngày sau khi nhận được điện thoại của con cái, người thân ở Việt Nam chuẩn bị đủ tiền, gọi điện thoại theo số đã cho để hẹn thời gian, địa điểm giao tiền. Có thể hẹn nhau ngoài đường, cũng có thể vào trực tiếp ngay cả nhà của người lao động để nhận tiền. Do người thân đang là “con tin” của nhóm cho vay tiền cũng như nhóm đưa người vượt biên trái phép bên Anh nên người nhà không ai dám hé lộ thông tin người môi giới”.

Thực tế, những ngày qua, PV VTC News gặp trực tiếp nhiều người nhà của những người nghi là nạn nhân trong vụ 39 thi thể chết trong container ở Anh, thì tất cả đều trả lời không biết người môi giới là ai, đưa tiền cho ai.

Mặc dù số tiền rất lớn nhưng người thân ở nhà không ai dám tiết lộ. Bởi nhóm đưa người vượt biên luôn “cầm đầu chuôi”, luôn lấy người lao động làm “con tin” khiến người thân không ai dám tiết lộ thông tin về chúng.

TRẦN LỘC

 

 

Hành trình nhóm người Việt vượt biên sang Anh bằng tàu cá
Cả dòng người cưỡi xe máy vượt biển nước Cần Thơ
Trăm ô tô rẽ sóng, vượt biển nước giữa thành Vinh
Vượt biên sang Trung Quốc, 3 người chết và mất tích
Hàn Quốc bắt binh sĩ Triều Tiên vượt biên

 

/ vtc.vn