Vấn nạn lấy trộm hàng cứu trợ ở Ethiopia

Trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây, đất nước Ethiopia đã phải gánh chịu 5 nạn đói. Còn nhớ nạn đói trong 2 năm 1984-1985 đã giết chết 1,2 triệu người Ethiopia và khiến 400.000 người phải rời bỏ tổ quốc mình đi tị nạn. Nền kinh tế Ethiopia đã đạt được một số thành tựu nhất định kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhưng quốc gia này vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn đói: chiến tranh.

Giữa lúc Ethiopia một lần nữa ngập chìm trong xung đột, những đối tượng bất lương đã lợi dụng cơ hội này để lấy trộm hàng cứu trợ nước ngoài với số lượng lớn, từ đó khiến nạn đói thêm phần nghiêm trọng.

Xung đột và nạn đói

Ethiopia và nước láng giềng Eritrea ký kết hiệp định hòa bình vào năm 2018, qua đó chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 thập kỷ. Vậy nhưng, sau chưa đầy 2 năm, khu vực biên giới Ethiopia-Eritrea lại xuất hiện xung đột, lần này là giữa chính phủ hai nước với Mặt trận Giải phóng Tigray (TPLF). Tuy cuộc xung đột chỉ kéo dài 2 năm (3/11/2020 - 3/11/2022) nhưng đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, 20.000 mất tích và 2,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. 13 triệu người dân miền Bắc Ethiopia hiện đang cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Giữa lúc hàng hóa cứu trợ tiếp tục đổ đến Ethiopia, các nhân viên tình nguyện đang hoạt động tại quốc gia này đã phát hiện ra một mạng lưới tội phạm chuyên lấy trộm hàng cứu trợ để đem bán tại chợ đen hoặc bị biến thành lương thực cho quân đội. Mọi chuyện bắt đầu khi một nhóm tình nguyện viên người Mỹ làm việc cho tổ chức USAID đến với thị trấn Sheraro ở vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. Sheraro nằm trong số các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến. Người dân Sheraro đang sống qua ngày nhờ vào các chuyến hàng cứu trợ của USAID được những chiếc xe tải đỏ chở đến hằng tuần.

Vấn nạn lấy trộm hàng cứu trợ ở Ethiopia -0
Bên trong nhà kho chứa hàng cứu trợ bị lấy trộm.

Theo điều tra của hãng tin Reuters thì một buổi chiều nọ, một nhân viên tình nguyện tại Sheraro đang ngồi uống cà-phê ở ven đường thì nhìn thấy một chiếc xe tải đỏ chở đồ cứu trợ đi qua. Anh ta phát hiện là xe không chở hàng đến điểm tập kết đã quy định mà lại chở đến một nhà máy xay xát “cửa đóng then cài”. Sau đó nhân viên USAID và cảnh sát địa phương bất ngờ kiểm tra nhà máy thì phát hiện ra hàng trăm bao tải lúa mỳ có in logo của USAID nằm chồng chất trong nhà kho. Chủ nhà máy khai mỗi tháng cơ sở của mình xay xát khoảng 109 tấn bột mỳ từ lúa mỳ lấy trộm từ USAID. Không ai khác ngoài quân đội quốc gia Ethiopia là người tiêu thụ số bột mỳ này. Ước tính từng đó bột mỳ đủ để cung cấp cho 20.000 người lính trong vòng một tháng.

USAID ngay lập tức mở cuộc điều tra diện rộng tại 7 khu vực ở Ethiopia và khám xét tổng cộng 63 nhà máy xay khác nhau. Họ phát hiện cả 63 nhà máy đều tàng trữ hàng cứu trợ bị lấy trộm. Đa phần bột mỳ thu được cung cấp cho quân đội, nhưng cũng có một phần bị đưa ra chợ đen để bán kiếm lời rồi phân chia ra cho chủ nhà máy, các đối tượng thương lái trung gian, sĩ quan quân đội và quan chức địa phương. Theo số liệu USAID báo cáo lên Chính phủ Mỹ, hiện mỗi tháng có hơn 7.000 tấn lúa mỳ cứu trợ của họ bị lấy trộm. Số lúa mỳ này đủ để nuôi sống 450.000 người trong một tháng.

Cuộc điều tra của USAID là lần đầu tiên tổ chức này phát hiện ra quân đội quốc gia Ethiopia đang lấy trộm hàng cứu trợ. Tuy vậy, việc lấy trộm hàng cứu trợ tại Ethiopia đã từng xảy ra ngay giữa cuộc nội chiến. Đơn cử như vào tháng 3/2021, hai tình nguyện viên USAID tại thành phố Adigrat ở vùng Tigray trực tiếp chứng kiến cảnh kẻ trộm đưa những bao hàng cứu trợ từ xe tải xuống xe thồ bò kéo. Xe thồ sau đó sẽ vượt biên sang Eritrea để đến khu vực do TPLF kiểm soát.

Trong một trường hợp khác xảy ra vào năm 2022, một nhân viên của Liên hợp quốc phát hiện 20 xe tải trở hàng cứu trợ bất ngờ được điều đến một khu vực hẻo lánh ở ngoại ô Sheraro. Thị trấn này khi đó nằm trong tay của quân đội Eritrea và không nằm trong diện nhận cứu trợ. Số hàng trên xe được bốc dỡ dưới sự giám sát của binh lính mặc quân phục Eritrea và cũng những người này tiếp nhận những bao tải hàng. Vậy nhưng, trên giấy tờ thì đoàn xe đã “phân phối thành công” 4 tấn hàng cứu trợ tại thành phố Shire cách Sheraro 95,7 km.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) chuyên thay mặt các tổ chức như USAID trong việc phân phối hàng cứu trợ đến tay người cần. Bà Cindy M. Cain, Giám đốc WFP trả lời hãng tin Reuters: “Các hoạt động của WFP tại Ethiopia dựa rất nhiều vào việc hợp tác với các tổ chức, ban ngành quốc gia này, mà đóng vai trò chủ chốt là Ủy ban Kiểm soát rủi ro từ thảm họa thuộc Chính phủ Ethiopia... Hàng cứu trợ bị lấy trộm ở khâu cuối của quy trình phân phối, sau khi WFP đã bàn giao hàng cho các đối tác địa phương để đưa đến tận tay người dân địa phương”.

Vấn nạn lấy trộm hàng cứu trợ ở Ethiopia -0
Chiếc xe tải chở hàng cứu trợ bị nhân viên tình nguyện phát hiện khi đang trên đường đến hang ổ nhóm trộm.

Vào tháng 6/2023, ông Claude Jibidar, giám đốc phụ trách Ethiopia của WFP, đã tự nguyện từ chức sau khi USAID và WFP tạm ngừng phân phối hàng cứu trợ tại nước này nhằm phục vụ việc điều tra. Gần đây, khi được tờ The New Humanitarian hỏi về kết quả cuộc điều tra, ông Jibidar cho biết: “Hiện WFP đang giúp đỡ gần 282 triệu người tại 59 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó có 36 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Nguồn nhân lực hiện tại của WFP không thể tự mình thực hiện toàn bộ quy trình phân phối hàng cứu trợ và vì vậy phải phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác địa phương... Việc giám sát hoạt động của các đối tác địa phương rất khó khăn, một phần vì WFP phải tôn trọng quyền hành của đối tác, phần vì tổ chức không có đủ nhân lực để tổ chức giám sát chặt chẽ”.

Cuộc điều tra của USAID còn đưa nhiều sự thật khác ra ngoài ánh sáng. Một trường hợp được họ dẫn ra liên quan đến một quan chức ở khu vực Tigray (giấu tên). Hiện, các chính quyền địa phương ở Ethiopia là bên ra quyết định phân phối hàng cứu trợ cho đối tượng nào chứ không phải các tổ chức từ thiện như Hội Chữ thập đỏ. Vị quan chức này đã kê khai khống thêm hàng nghìn cá nhân không thuộc diện hỗ trợ vào bản danh sách đối tượng được nhận hàng cứu trợ. Một số là họ hàng, thân nhân của vị quan chức hoặc cấp dưới ông ta. Một số khác là những cái tên giả và chỉ là “bình phong” cho một số kẻ lừa đảo.

USAID phát hiện ra vụ lừa đảo kể trên sau khi nhận được bản danh sách gồm 100.000 đối tượng cần được cứu trợ ở Tigray. Tại các quốc gia khác trong khu vực như Nam Sudan, chính phủ của họ đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý nhân khẩu điện tử kết hợp bảo mật bằng sinh trắc học, vậy nên dữ liệu họ cung cấp cho các tổ chức như USAID hoàn toàn là dữ liệu điện tử. Tuy vậy, chính quyền Ethiopia vẫn tiếp tục thực hiện thống kê hoàn toàn bằng giấy tờ. Những người thợ đánh máy được USAID thuê làm việc nhập dữ liệu phát hiện rằng có khoảng 1.000 cái tên bị trùng. USAID sau đó tự mình kiểm tra bản danh sách và còn phát hiện ra nhiều cái tên không có thật.

Mờ mịt một giải pháp

Thượng nghị sĩ James E. Risch, vị quan chức cấp cao nhất đại diện cho đảng Cộng hòa trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng yêu cầu mở cuộc điều tra về vấn nạn lấy trộm hàng cứu trợ ở Ethiopia: “Hàng triệu người dân Ethiopia đang bị đặt vào vòng nguy hiểm vì không tiếp cận được hàng cứu trợ, trong khi nhiều quan chức và sĩ quan quân đội lại đang làm giàu bất chính. Các đối tượng này phải được đưa ra trước pháp luật để xét xử”.

Bản báo cáo của USAID đã đưa ra kết luận rõ ràng về tình trạng kê khai khống, tham nhũng và buôn lậu hàng cứu trợ tại Ethiopia. Tuy vậy, bản báo cáo không chỉ rõ những đối tượng chịu trách nhiệm. USAID và WFP đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác điều tra đến tận cùng sự việc, đồng thời cho biết họ sẽ “...đưa ra các biện pháp cải tổ mạng lưới phân phối hàng cứu trợ nhằm đảm bảo hàng hóa đến được tay những người cần nhất” -  trích thông cáo báo chí chung của hai tổ chức này được tờ The New York Times đăng tải.

Về phần mình thì chính phủ và quân đội Ethiopia đang phủ nhận việc xảy ra gian lận trong quá trình phân phối hàng cứu trợ. Họ thừa nhận rằng có thể đã xảy ra sai sót trong quá trình thống kê, nhưng phủ nhận việc có bất kỳ quan chức hoặc sĩ quan nào đã cố ý kê khai khống. Người phát ngôn viên của Ủy ban Kiểm soát rủi ro từ thảm họa Ethiopia tuyên bố: “Báo cáo của USAID và WFP mang tính bôi nhọ quân đội Ethiopia... Nhiều người dân ái quốc sau khi nhận được cứu trợ đã đóng góp một phần lương thực cho các đơn vị dân quân địa phương. Quân đội chính phủ hoàn toàn không lấy lương thực được dành cho nhân dân”.

Chính quyền tự trị lâm thời quản lý khu vực Tigray thì lại có một góc nhìn khác. Họ đã tự mở cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của tướng Fiseha Kidanu, Giám đốc Công an khu vực Tigray. Tổ điều tra đã phát hiện và tịch thu 7.000 tấn lúa mỳ và 215.000 lít dầu ăn bị trộm, đồng thời bắt giữ 186 đối tượng, trong đó có không ít chủ doanh nghiệp, binh lính, sĩ quan quân đội và nhiều quan chức, dân biểu địa phương thuộc đảng Thịnh vượng cầm quyền. Ông Kidanu tuyên bố cảnh sát sẽ sớm công bố toàn bộ kết quả điều tra trước công luận.

USAID ngừng việc cứu trợ Ethiopia kể từ tháng 4/2023 đến nay. Tổ chức này tuyên bố sẽ chỉ mở lại nguồn viện trợ sau khi đã đảm bảo rằng không còn gian lận trong mạng lưới phân phối nữa. Quyết định này đã ngay lập tức ảnh hưởng đến người dân Ethiopia. Theo thống kê của mạng lưới từ thiện Tigray Nutrition Cluster tại Ethiopia thì số hộ gia đình bị thiếu đói đã nhảy vọt từ 5% vào tháng 3/2023 lên đến 14% vào tháng 6/2024.

Vấn nạn lấy trộm hàng cứu trợ ở Ethiopia -0
Bé Birhane Kiros (2 tháng tuổi) nằm viện ở Tigray vì suy dinh dưỡng.

Ông Erdey Assefa, Giám đốc bệnh viện trung tâm Yechila tại Tigray, cho biết: “Sau khi nguồn hàng cứu trợ bị cắt, từ 75 đến 80% trẻ em và bà mẹ đang cho con bú đi khám tại Bệnh viện Yechila bị mắc chứng suy dinh dưỡng nặng. Nhiều người nằm ở ngưỡng suy dinh dưỡng thì nay đã bị suy dinh dưỡng nặng”.

Tổng giám mục Abune Tesfaselassie Medhin phụ trách giáo phận thành phố Adigrat ở Tigray, trả lời tờ The New Humanitarian: “Đối với người dân thì không nhận được đồ cứu trợ cũng kinh khủng như khi chiến tranh đang xảy ra... Tuần nào nhà thờ cũng phải làm lễ tang cho người bị chết đói. Trẻ em và người già là những người chết đầu tiên và bây giờ đến lượt người lớn”.

Đấy là với những người còn may mắn sống trong ngôi nhà của mình. Với những hộ gia đình đang sống trong trại tị nạn, tình hình còn khẩn cấp hơn. Tại khu trại ở ngoại ô Adigrat, đã có 5 người tử vong và 120 người phải nhập viện vì thiếu đói. Nhiều người tị nạn bị buộc phải đi mua lương thực tại chợ đen từ chính những đối tượng đã lấy trộm hàng cứu trợ. Cô Tsige Teklebirhan, một bà mẹ có 4 con nhỏ, nói với phóng viên The New Humanitarian: “Tôi phải bán đi 1 cái xoong và 2 tấm chăn do Hội Chữ thập đỏ tặng để mua ngô về cho các con ăn”.

Một bà mẹ khác, cô Leelity Gebreegizabher cho biết: “Tôi được nhận hàng cứu trợ vì tôi mắc bệnh mãn tính. Một quan chức địa phương giúp nhà tôi nhận được 15 kg thực phẩm, nhưng tôi phải bán đi từng đó để lấy tiền mua thuốc... Có những người đến từng nhà để hỏi mua hàng cứu trợ. Họ cứng đầu lắm, đuổi cũng không đi. Lúa mì họ mua được sẽ đem bán lại với giá cao gấp 5-6 lần”.

Phát ngôn viên của WFP trả lời hãng tin Reuters: “Hoạt động cứu trợ tại Ethiopia sẽ được nối lại ngay khi WFP hoàn thành việc áp dụng các biện pháp chống gian lận trong quy trình phân phối hàng hóa... Việc gắn chip GPS cho hơn 500 xe tải chở hàng cứu trợ của WFP tại Ethiopia sắp được hoàn thành. WFP cũng đang cung cấp thiết bị và đào tạo cho các đối tác địa phương về việc điều tra và thống kê trên máy tính”.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/van-nan-lay-trom-hang-cuu-tro-o-ethiopia-i748810/

Hội Lê / CAND