Vẫn lại chuyện nhân tai và thiên tai

Sau khi bão Yagi đổ bộ đã tàn phá ở Quảng Ninh, Hải Phòng và càn quét Hà Nội làm mưa lũ lụt dữ dội khắp các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc. Bão Yagi và lũ lụt làm chết và mất tích hàng người, và hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu bị chìm trong biển nước và bùn cát.

Số lượng gia súc, gia cầm bị chết đếm không kể xiết. Cầu Phong Châu bị sụp đổ hai nhịp chia cắt giao thông, làm 8 người chết. Nước tràn đê sông Bùi ở Hà Nội, nhiều nhà dân ngập ngang mái; vỡ đê sông Lô ở Tuyên Quang, nhà cửa dân cư quanh đó chìm trong biển nước. Lũ quét xóa trắng thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên, Lào Cai làm 15 người chết, 103 người mất tích. Ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ta luy dương bị sạt lở làm 1 ôtô khách, 2 ôtô con, nhiều xe máy bị vùi lấp, 30 người chết và mất tích… Bão Yagi và lũ lụt sau bão làm cho hàng vạn ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng vạn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

các chiến sĩ công an không quản gian khó, giúp dân.jpg -0
Các chiến sĩ Công an không quản gian khó để giúp đỡ người dân.

Thật xót xa! Thay vì cả gia đình quây quần bên mâm cơm sau một ngày lam lũ thì người dân phải ngồi trên ngọn cây, mái nhà, hoặc lật ngói thò đầu ra khỏi mái ngóng chờ cứu giúp trong vô vọng rất đáng thương. Hình ảnh vật nuôi, người chết thê thảm, lũ bùn lũ đất vùi lấp các ngôi nhà sàn, nhà tranh tre nứa lá thật xót xa, đau đớn. Hình ảnh cô gái ngồi trên nóc nhà cấp bốn bị cô lập giữa mênh mông nước, cô cầu nguyện đất trời che chở thật là xúc động.

Tất cả bởi thiên tai lũ lụt! Điểm danh kể tội trước hết là... ông giời. Ông giời đỏng đảnh năm nào cũng lùa bão tố lũ lụt về miền Trung nắng lắm mưa nhiều, năm nay lại là miền Bắc mà đặc biệt thiệt hại là Tây Bắc, Việt Bắc. Thiên tai và cả nhân tai nữa. Nhân tai bắt đầu từ nạn... phá rừng. Cánh lâm tặc nếu đi thi cấp quốc gia thì sẽ giành giải chiếc búa vàng, chiếc cưa vàng; chúng đã kịp đốn hạ, cưa cắt tàn phá đại ngàn và làm rừng đầu nguồn trọc lốc.

Lẽ ra, mưa xuống các thảm rừng nhiệt đới nhiều tầng, nước được giữ trên các vòm lá, dưới các lớp mùn xốp và ngấm xuống đất rồi từ từ chảy ra khe, suối, sông, ra biển một cách hiền hòa bình yên, thì mưa vần vũ xả xuống đồi trọc, chẳng có cái gì giữ nước lại, cứ ào ạt tràn xuống thoát không kịp, thành lũ đâm, lũ ống.

Nhân tai còn bắt đầu từ... thủy điện không? Một câu hỏi còn tranh cãi. Không ai phủ nhận thủy điện mang ánh sáng cho người dân và phát triển kinh tế, song các hồ nước cũng ngoạm mất nhiều cánh rừng. Mỗi hồ nước được đập chắn lại thành quả bom nước khổng lồ. Người có tâm sáng trí cao thì điều khiển quả bom nước này xả nhịp nhàng, lúc cần tích thì tích, lúc cần buông thì buông, bắt nó phục vụ quốc kế dân sinh, mà trước hết người dân phía hạ lưu được nhờ.

Chúng ta đã phải đối mặt với thiên nhiên nổi giận. Rừng trọc lốc và hạn hán khắp vùng, rồi lại lụt khắp nơi. Một thời con người học ở đâu đó được cái thói duy ý chí coi trời bằng vung, “vắt đất ra nước”, “lấp biển vá trời”. Hậu quả là, bao nhiêu hộ dân đói nghèo, mất cân bằng sinh thái. Bây giờ, phá rừng vẫn diễn ra chưa đến hồi kết, khiến đồi trọc gây ra lũ đâm, lũ quét. Còn cát tặc khai thác vô tội vạ vào đến tận mố cầu trụ cầu, gây biến đổi dòng chảy thì đã rõ ràng.

Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, lũ lụt mênh mang được an ủi bởi tình người yêu thương san sẻ khi hoạn nạn khiến nhiều người trào nước mắt. Hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Công an, Quân đội, các tổ chức đoàn thể, người dân cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong mưa lũ tại chỗ và các vùng miền khô ráo khắp nước gọi nhau làm từ thiện vì Tây Bắc, Việt Bắc đau thương... thật là cảm động. Thuyền cao tốc ở miền Trung ra, thuyền dân chèo đò ở Suối Yến chùa Hương lên với nơi bị lũ lụt chia cắt cô lập. Thật xúc động khi xem những hình ảnh ôtô đi chậm lại che chắn bão giông cho người đi xe máy không quen biết trên đường…

lực lượng công an giúp dân khắc phục hậu quả sau bão số 3..jpg -0
lực-lượng-công-an-tỉnh-tuyên-quang-giúp-đỡ-nhân-dân-trong-bão-lũ..jpeg -1
Lực lượng Công an giúp dân khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Vô vàn các bài viết như: “Những chuyến xe 0 đồng, chở 'tấm lòng' người Nam Trung Bộ về vùng lũ lụt”; “Người miền Trung 'đỏ lửa' nấu hàng nghìn bánh chưng gửi đồng bào lũ lụt”; “Thanh niên Yên Bái tháo vách, trèo mái nhà đưa thực phẩm cho hàng xóm chống lũ”... mới thấy tấm lòng đồng bào ta rộng mở mênh mông. Một vị giáo sư, tiến sĩ tuổi già tằn tiện, cả đời làm giảng viên nghèo trên giảng đường, tiết kiệm được một tỷ đồng đã góp vào quỹ cứu trợ đồng bào lũ lụt. Còn gì cao quý hơn thế? Bao nhiêu tấm lòng nhân ái đến với đồng bào lũ lụt vô cùng đáng trân trọng.

“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, trong lúc đồng bào bị bão lũ lụt phải oằn mình để tồn tại để sống, cả nước chắt chiu, chia sẻ với các nạn nhân của thiên tai thì lại có người vô tình, vô tâm đi qua nỗi đau của đồng loại, thậm chí lợi dụng bão lụt để tư lợi.

Nhiều tài khoản Facebook cá nhân đã đăng tải các thông tin thất thiệt khiến công an đang bận trăm công ngàn việc phải triệu tập họ đến cơ quan để làm việc. Rất nhiều tin thất thiệt như thế đã xuất hiện trên mạng xã hội gây ra hoang mang, lo lắng cho cộng đồng. Bị triệu tập, các facebooker lúc đó mới thấy mình vội vã, hồ đồ, không kiểm chứng đã đưa tin thất thiệt. Họ nhận ra sai lầm và xin hạ bài viết, xin hứa không tái phạm, nhưng phạt thì vẫn bị phạt, người bị phạt 5 triệu đồng, người bị phạt 7,5 triệu đồng. Có trường hợp nghiêm trọng thì công an làm rõ hành vi, củng cố hồ sơ, xử lý theo luật định.

Dư luận cũng xôn xao khi bức ảnh người chồng đẩy cái chậu nhựa to đại tướng có vợ và con nhỏ đang ngồi. Người vợ sợ hãi khóc, người chồng động viên và tiếp tục đẩy chậu bập bềnh trên nước cả. Bức ảnh vô cùng sinh động bởi các chi tiết ảnh và nét mặt, ánh mắt của “nạn nhân” có thần và kèm theo dòng tiêu đề: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang... Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai". Hóa ra, bức ảnh được cắt ra từ một clip dài cả tiếng đồng hồ do một youtuber dàn dựng để câu view kiếm tiền. Nhiều người vội vã đưa tin, bức ảnh truyền đi khắp nơi, chỉ đến khi chính quyền địa phương lên tiếng mới biết là cảnh dàn dựng.

cau.jpg -0
Tấm ảnh chồng đẩy vợ và con thoát lũ là hình ảnh được thêu dệt lên để câu view.

Hà Nội có những lúc náo loạn bởi các thông tin nước mấp mé cầu Long Biên, nước mấp mé mặt đê sông Hồng, cùng với các hình ảnh nhà ngập trong nước lụt khiến cả nước lo lắng thương xót cho Hà Nội. Hà Nội lụt lội là chuyện có thật, “chuyện thường ngày ở huyện” kể cả khi không có bão, chỉ cần mưa to là nhiều chỗ bị lụt, ngập đường phố. Khi cơn bão Yagi đi qua, và lụt sau bão tràn tới thì ngập lụt nặng hơn, rộng hơn. Các hình ảnh ngập lụt được chia sẻ khắp nơi, nhưng cũng cần phải phân biệt được lụt phố trong đê khác với lụt ngoài bãi. Bãi sông Hồng mênh mông người ta làm nhà ở đó nhiều năm rồi, hình thành các khu dân cư thuộc các phường  Phúc Xá, Phúc Tân, Tứ Liên… Bà con ở đó quen với lụt ngoài bãi rồi, cho nên lũ dâng họ rất tình tĩnh. Quận Ba Đình bố trí một ngôi trường học mấy chục phòng có điện nước ổn định dành cho bà con Phúc Xá chạy lụt mà cũng chỉ có khoảng hai chục người sơ tán đến.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đưa bức ảnh “Gầm cầu Long Biên lúc 10h sáng 11/9/2024. Người trong ảnh và tổ chức chụp ảnh để chứng minh còn khoảng 5 mét nữa nước mới chạm đáy cầu Long Biên. Ảnh chụp ở gầm cầu Long Biên ngoài đê sông Hồng đoạn tiếp giáp chợ Long Biên và phố Phúc Tân”. Không có chuyện nước mấp mé cầu Long Biên, khiến mạng xã hội như cơn bão và làm cho nhiều người lo lắng tích trữ lương thực, thực phẩm, mua bếp ga đề phòng mất điện. Bão lụt đã quần thảo cho con người tả tơi, lại bị những “anh hùng bàn phím” đưa tin thất thiệt làm rối loạn tâm can, lo sợ và hoang mang.

Lợi dụng bão lụt, nhiều kẻ kiếm tiền trên đau thương của đồng bào. Có những trang fanpage giả mạo trang của Hội Chữ thập đỏ, giả mạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kêu gọi đồng bào quyên góp, ủng hộ các gia đình nạn nhân bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Cá biệt có kẻ dùng AI để tạo ra hình ảnh hai đứa bé xinh xắn, lấm lem đất bùn, ngồi trên bùn, nằm trên bùn đất để gợi lòng trắc ẩn, yêu thương của cư dân mạng xã hội. Rồi ảnh một con chó đen cõng bé gái mặc bộ đồ màu vàng vượt qua lũ lụt, phía nền là nước và nhà đổ nát tan hoang khiến lay động biết bao nhiêu con tim, nhưng lại là ảnh photoshop. Những hình ảnh, tin thất thiệt về cơn bão Yagi và lũ lụt truyền đi khắp nơi như bão mạng. Nhiều kẻ buôn bán lợi dụng nạn nhân bị lũ lụt đã đưa các đường link có các hình ảnh tang thương, bạn đọc kích chuột vào thì lại hiện ra trang mạng bán hàng hóa, hay quảng cáo sản phẩm.

ub.jpg -0
Khi tiếp cận tin tức về bão lũ, người dân cần kiểm chứng nguồn tin để tránh bị dẫn dắt bởi những chiêu trò câu view, câu like.

Cơn bão lụt do thiên nhiên gây ra bao nhiêu thiệt hại về người và của, mất mát đau thương không kể hết. Các facebooker lại tạo thêm một cơn bão nữa trên mạng sẽ làm cho đồng bào ta đang gồng mình thoát bão giông, lũ lụt phải chất chồng thêm gánh nặng tinh thần lo lắng quá mức, hoang mang, hoảng loạn, “họa vô đơn chí”. Xin các facebooker hãy dừng lại, đừng để đồng bào ta đã qua bão lụt kinh hoàng, lại thêm cơn bão mạng đảo điên nữa.

 https://antg.cand.com.vn/Phong-su/van-lai-chuyen-nhan-tai-va-thien-tai-i744312/

Sương Nguyệt Minh / CAND