Giữa mùa lễ hội tưng bừng sau Tết nhiều người thấy ấm lòng trước thông tin Lễ hội chùa Bà ở Bình Dương được bố trí nơi làm từ thiện, cấp nước uống, bánh mì, giữ xe... miễn phí.
Mùa lễ hội, nhất là thời điểm rằm tháng giêng là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành, làm việc thiện, cầu an lành cho bản thân và mọi người. Trong bối cảnh này chính quyền TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tạo điều kiện thuận lợi, trật tự cho người dân tỏ lòng thành an toàn quả là việc đáng ghi nhận, cho thấy tầm nhìn đúng với sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân.
Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều lễ hội. Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan hữu trách, cả nước có gần 8.000 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)... Với số lượng lễ hội rất lớn như thế, việc tổ chức cho chỉn chu và gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống vốn có cực kỳ khó khăn. Dễ thấy nhất chính là sự biến tướng theo những thói quen đời thường và tham vọng của những người tổ chức, từ đó nét văn hóa vốn có dần bị mai một và thậm chí bị lạm dụng để kiếm lợi. Người đến lễ hội cũng bị tác động trở nên xô bồ và xem đây là dịp có thể "mua bán" về mặt tâm linh.
Làm thiện nguyện trong mùa lễ hội cũng phải trật tự và bài bản, chứ không cứ vung tay chi tiền mà được. Thần thánh nào có thể chấp nhận chuyện cứ cúng tiền vung vãi để mưu cầu lợi lộc cho cá nhân, trong khi bên mình có nhiều người bất hạnh nhưng không dám đưa tay giúp đỡ. Các bậc tiên hiền làm sao chấp nhận những nghi thức tế lễ giết chóc đầy bạo lực, còn con cháu thì đi hội chen lấn, đánh nhau, giành giật "lộc" dù chỉ tượng trưng. Rồi mỗi mùa lễ hội là thêm mùa xe công ùn ùn đi cúng bái, việc thì bỏ bê.
Theo cách hiểu thông dụng, lễ là hệ thống những hành vi nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Còn hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Như thế có thể thấy rất nhiều lễ hội đã mất đi tính truyền thống và ngày càng nặng phần vui chơi ồn ào và không ít người đã biến lễ hội thành cơ hội kinh doanh. Những giá trị văn hóa sẽ dần mai một và để duy trì, không ít lễ hội đã "thay ruột" để nó sinh lợi mà chẳng còn liên quan gì đến văn hóa tâm linh của người dân.
Trở lại câu chuyện ở Bình Dương, chùa Bà là nơi tổ chức lễ hội quan trọng vào dịp rằm tháng giêng của số đông người dân ở các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM... Giữ được sự tôn nghiêm, đúng nét văn hóa nguyên thủy của lễ hội đã tôn thêm nét đẹp của một sinh hoạt tâm linh của khu vực. Chính những hoạt động này tự thân đã nêu gương và tạo thói quen cho người dân nói không với lễ hội phi truyền thống.
Mua chuộc thánh thần
Ra giêng là mùa của lễ hội. Thiên hạ nô nức đi trẩy hội, kèm theo đó là viếng đền chùa, dâng lễ cúng bái ... |
Lên chùa cầu gì?
Sau Tết, lại bắt đầu mùa lễ hội. Nhiều người chọn đi chùa đầu năm để cầu cho mình và gia đình. Vậy, lên chùa ... |