Văn Dung - Một nhà báo, nhạc sỹ tài hoa

Thông tin nhạc sỹ Văn Dung - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Những bông hoa trong vườn Bác”… vừa qua đời khiến nhiều nhạc sỹ, người yêu nhạc tiếc thương một nhà báo - nhạc sỹ tài hoa.

Người nhạc sỹ giàu sức sáng tạo

Nhạc sỹ Văn Dung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961, ông về công tác tại Ban Công nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sỹ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sỹ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5/1993 ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã gắn bó cả cuộc đời mình với âm nhạc tại đây cho tới ngày nghỉ hưu – tháng 4/1998.

maxresdefault_3349-1646876873445.jpg

Nhạc sĩ Văn Dung lúc sinh thời rất được bạn bè đồng nghiệp quý mến.

Là một nhà báo, lại được phân công biên tập và làm các chương trình âm nhạc, để đáp ứng công việc đặc thù, nhạc sỹ Văn Dung không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức âm nhạc từ các đồng nghiệp đi trước để làm tốt nhiệm vụ của mình. Đọc nhiều, nghe nhiều, viết nhiều về âm nhạc, dần dần “chất” nhạc cũng “ngấm” vào nhà báo Văn Dung. Năm 1965, ông viết bài hát “Em đố mẹ em”. Cũng trong năm này, trong chuyến đi thực tế ở Quảng Trị, ông viết bài “Giải phóng quân ta ra đi” và bài hát này đã đưa nhà báo Văn Dung thành một trong những nhạc sỹ được đông đảo công chúng biết đến qua làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ năm 1965-1971, nhạc sỹ Văn Dung đi nhiều, viết nhiều, những chuyến đi thực tế sáng tác ở Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào… nơi ông đặt chân đến đều được ông “kể” lại bằng các ca khúc như: “Tiến về Khe Sanh (1968), “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng” (1971)...

Ông còn sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi, thanh niên, ca khúc về các ngành nghề, vùng miền khác nhau như: “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Chim chích bông”, “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”, “Đường ta đi có Đảng vinh quang”, “Pắc Bó còn ấm tình Bác”, “Vinh quang công nhân Việt Nam”, “Hương lúa chiêm xuân”, “Nông trường ta yêu”, “Tình ca đất mỏ”, “Vì một hành tinh xanh”, “Em với rừng Hoàng Liên”, “Chiều xa thành phố cảng”…

Xuyên suốt ca khúc của Văn Dung là tính báo chí, sự gần gũi đời sống, tinh thần lạc quan, trẻ trung yêu đời, nhưng với mỗi tác phẩm, ông lại vẽ lên một bức tranh âm nhạc với những cung bậc cảm xúc riêng, đặc sắc. Nhạc sỹ Phạm Tuyên từng chia sẻ, với góc nhìn của một nhà báo, ông luôn bám sát những sự kiện thực tế của đất nước để chuyển tải vào ca khúc. Đây chính là một trong những bản sắc riêng của nhạc sỹ Văn Dung. Sau mỗi chuyến đi, ông đều để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với anh em, đồng bào, để từ đó nhiều bài hát mới ra đời, phản ánh đời sống của nhân dân lúc bấy giờ. Đó là cái tài của người làm báo bằng âm nhạc mà nhạc sỹ Văn Dung đã khẳng định và cống hiến cho nền nghệ thuật ca khúc Việt Nam.

Còn mãi với thời gian

Sinh thời, nhạc sỹ Văn Dung từng nói, để có một ngày chúng ta được sống trong thanh bình là phải đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sỹ. Những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ và sự hy sinh lớn lao của biết bao thế hệ đã khắc sâu trong tâm khảm ông. Chính vì vậy, ông đã thể hiện sự hy sinh đó của những người con đất Việt trong từng cung bậc, từng nốt nhạc trong nhiều bài hát của mình.

Nhạc sỹ Văn Dung luôn tâm niệm, nếu trong kháng chiến, nhạc sỹ là người ghi chép lại hiện thực giàu cảm xúc hình ảnh cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh của quân và dân ta thì trong hòa bình, dựng xây, người nhạc sỹ phải đi tìm cái hay, cái đẹp của cuộc sống, để đối tượng được phản ánh thấy có mình trong đó. Có lẽ vì thế mà trong các sáng tác của nhạc sỹ Văn Dung luôn đầy sự lạc quan, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, tôn kính lãnh tụ… Các ca khúc ông dù được sáng tác từ rất lâu những vẫn còn mãi với thời gian.

Là nhà báo, đi nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều và có mối quan hệ rộng rãi, chính điều này cộng với năng khiếu về âm nhạc đã giúp nhạc sỹ Văn Dung cho ra đời những tác phẩm âm nhạc giàu cảm xúc nhưng cũng rất gần gũi với đời sống. Trong tác phẩm “Giải phóng quân ra đi”, ông không viết về một đoàn quân lớn, một trận đánh lớn, mà từng người, từng người đi trong thầm lặng, nhưng phía sau những nốt nhạc đó là cả một thế giới nội tâm với những ước mơ khát vọng. “Đường Trường Sơn xe anh qua” lại đem tới cho người nghe rung cảm tràn đầy tình yêu mến của ông đối với những nữ thanh niên xung phong quả cảm. "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh" lại là một khúc tráng ca về thế hệ thanh niên đầy hào hùng, căng tràn sức sống của tuổi trẻ, nhưng giai điệu, tiết tấu vẫn mang đậm âm hưởng trữ tình. “Những bông hoa trong vườn Bác” với âm hưởng, lời ca thật sâu lắng, trong đó là tình cảm thật giản dị, chân thành của nhạc sỹ về Bác Hồ kính yêu…

Trong con mắt của các nhạc sỹ cùng thế hệ và các đồng nghiệp, nhạc sỹ Văn Dung là người tài hoa, có chiều sâu về văn hóa dân tộc, yêu nghề, tính cách trẻ trung, vui vẻ, gần gũi và hòa nhã với mọi người. Những ai đã từng được gặp gỡ với nhạc sỹ Văn Dung đều có ấn tượng tốt đẹp về ông, bởi ông không chỉ hiểu biết âm nhạc một cách sâu sắc và tinh tế, mà còn am hiểu về lịch sử, triết học… Những cuộc trò chuyện cùng ông luôn mang đến sự nhẹ nhàng, vui vẻ cho người đối diện.

Thời gian giữ vai trò là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sỹ Văn Dung đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hội tụ nhiều nhạc sỹ tham gia như các chương trình giới thiệu tác phẩm mới, hoặc trao đổi về con đường âm nhạc của các hội viên, trao đổi thông tin âm nhạc, tham gia các trại sáng tác, đi thực tế sáng tác cho nhiều ngành nghề khác nhau….

Theo nhạc sỹ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sỹ Văn Dung vốn là một nhà báo, nên lời ca trong các sáng tác của ông rất hay. “Dù không học trường nhạc ngày nào, nhưng những cung bậc thăng trầm trên các tác phẩm của nhạc sỹ Văn Dung đã ghi dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam, vang vọng trong lòng chúng ta cho đến muôn đời sau”, nhạc sỹ Lân Cường chia sẻ.

Những cống hiến của nhạc sỹ Văn Dung cho nền âm nhạc Việt Nam là to lớn, chính vì vậy ông đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.

Phương Lan

Tác giả “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - qua đời Tác giả “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - qua đời
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời Nhạc sĩ Phú Quang qua đời
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời
/ cand.com.vn