Vaccine Covid-19 vô tình khoét sâu bất bình đẳng kinh tế toàn cầu

Khi vaccine Covid-19 được tiêm, suy thoái kinh tế có thể được đảo ngược, nhưng các nước đang phát triển nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Lối thoát cho đại dịch cuối cùng đã được tìm thấy. Vaccine sẽ giải cứu thế giới khỏi thảm họa kinh tế đau thương nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Khi vaccine đi vào máu nhân loại, quá trình phục hồi sẽ trở thành hiện thực.

Nhưng lợi ích sẽ không được phân bổ đồng đều. Các quốc gia giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ đã có phần lớn lượng vaccine còn hạn chế, nắm lợi thế cải thiện đáng kể về vận mệnh kinh tế. Các nước đang phát triển - nơi sinh sống của hầu hết nhân loại - phải tự đảm bảo liều lượng cho mình.

Việc phân phối vaccine như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến thực tế, kinh tế toàn cầu sẽ bất bình đẳng hơn bao hơn hết. Các nước nghèo sẽ tiếp tục bị tàn phá bởi đại dịch, buộc họ phải sử dụng các nguồn tài nguyên ít ỏi, vốn đã bị căng thẳng bởi nợ nần vay từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

3036 6
Một y tá chuẩn bị vaccine của Pfizer để tiêm tại Bệnh viện Đại học Temple ở Philadelphia, ngày 16/12 . Ảnh: NYT.

Nền kinh tế toàn cầu từ lâu đã bị phân hóa bởi chênh lệch sâu sắc về giàu nghèo, giáo dục và khả năng tiếp cận các yếu tố quan trọng như nước sạch, điện và Internet. Đại dịch đã tạo ra chết chóc và tàn phá sinh kế của những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và các hộ gia đình có thu nhập thấp.

"Rõ ràng là các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước đang phát triển kém hơn sẽ bị loại ra trong một thời gian", Richard Kozul-Wright, Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển ở Geneva, nhận xét, "Bất chấp nhận thức rằng vaccine cần được coi là hàng hóa toàn cầu, việc cung cấp phần lớn vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các công ty dược phẩm lớn ở các nền kinh tế tiên tiến".

Các tổ chức viện trợ quốc tế, các nhà từ thiện và các quốc gia giàu có đã liên kết lại với nhau, bằng lời hứa đảm bảo rằng tất cả quốc gia sẽ có được những công cụ cần thiết để chống lại đại dịch, như đồ bảo hộ cho đội ngũ y tế cũng như các xét nghiệm, trị liệu và vaccine. Nhưng họ không đảm bảo là đủ tiền.

Một trong các sáng kiến hàng đầu, "Act-Accelerator Partnership" - một cam kết của WHO và Quỹ Bill và Melinda Gates, bảo đảm được ít hơn 5 tỷ USD trong số 38 tỷ USD mà họ đặt ra.

Một nhóm các nước đang phát triển, dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi, đã tìm cách tăng nguồn cung vaccine bằng cách tự sản xuất, lý tưởng nhất là hợp tác với các công ty dược phẩm đã sản xuất các phiên bản vaccine hàng đầu. Nhóm đã đề xuất WTO bỏ qua các biện pháp bảo vệ truyền thống đối với sở hữu trí tuệ, cho phép các nước nghèo sản xuất các phiên bản vaccine giá cả phải chăng.

WTO hoạt động dựa trên sự đồng thuận. Đề xuất đã bị ngăn chặn bởi Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu, nơi các công ty dược phẩm nắm giữ ảnh hưởng chính trị. Ngành công nghiệp dược phẩm lập luận rằng, việc bảo vệ bằng sáng chế và lợi nhuận mà họ thu được là một yêu cầu đối với sự đổi mới sản xuất thuốc cứu người.

Những người ủng hộ việc không cần bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine thì cho rằng, nhiều loại thuốc "bom tấn" được đưa ra thị trường thông qua nghiên cứu do chính phủ tài trợ, có nghĩa là bắt buộc phải đặt lợi ích xã hội vào trọng tâm của chính sách.

"Câu hỏi thực sự là: 'Đây có phải là thời điểm để kiếm lợi nhuận?'", Mustaqeem De Gama, Ủy viên hội đồng của phái bộ Nam Phi tại WTO nói, "Chúng ta đã chứng kiến các chính phủ đóng cửa các nền kinh tế, hạn chế các quyền tự do, nhưng quyền sở hữu trí tuệ được coi là bất khả xâm phạm đến mức không thể đụng đến".

Ở các quốc gia giàu có đã đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, việc cứu nền kinh tế đang được tiến hành. Các hạn chế đóng cửa doanh nghiệp có thể được dỡ bỏ, mang lại những lợi ích kinh tế rõ nét từ tháng 3 hoặc 4 năm sau.

Sau khi giảm 4,2% trong năm nay, nền kinh tế toàn cầu dường như sẽ mở tăng trưởng 5,2% trong năm tới, theo Oxford Economics. Dự báo đó giả định mức tăng trưởng hàng năm là 4,2% ở Mỹ và 7,8% ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi hành động của chính phủ đã kiểm soát được dịch bệnh.

Theo IHS Markit, châu Âu sẽ tụt hậu do sự lây lan của Covid-19. Nền kinh tế của lục địa này sẽ không trở lại quy mô tiền khủng hoảng trong hai năm. Nhưng một thỏa thuận được ký kết giữa Anh và Liên minh châu Âu hôm 24/12, bảo toàn phần lớn mối quan hệ thương mại của họ sau Brexit, đã giúp giảm bớt những lo ngại tồi tệ nhất về sự chậm lại trong thương mại khu vực.

Nhưng đến năm 2025, thiệt hại kinh tế dài hạn từ đại dịch sẽ nặng gấp đôi ở những thị trường mới nổi so với các nước giàu có, theo Oxford Economics. Tuy nhiên, những dự báo như vậy cũng nổi tiếng là không chính xác. Một năm trước, không ai có thể đoán trước được một trận đại dịch kinh hoàng. Các biến số cho kinh tế toàn cầu hiện đặc biệt lớn.

Việc sản xuất vaccine gặp phải nhiều thách thức, có thể hạn chế nguồn cung, trong khi sức chịu đựng và hiệu quả của chúng vẫn chưa được biết đầy đủ. Sự phục hồi kinh tế sẽ được định hình bởi những câu hỏi về tâm lý. Sau cú sốc sâu sắc nhất trong ký ức, các xã hội sẽ thực hiện quyền tự do di chuyển như thế nào một khi virus được "thuần hóa"? Bất kỳ vấn đề nào kéo dài cũng có thể sẽ hạn chế sự phát triển trong các ngành giải trí và khách sạn, vốn là những nhà tuyển dụng chính.

Đại dịch đã đẩy nhanh sự phát triển của thương mại điện tử, khiến các nhà bán lẻ truyền thống rơi vào tình trạng đặc biệt suy yếu. Nếu cảm giác lo lắng kéo dài, khiến người mua hàng tránh xa các trung tâm mua sắm, điều đó có thể hạn chế tăng trưởng việc làm. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon đã tích cực áp dụng tự động hóa, có nghĩa là sự gia tăng kinh doanh không nhất thiết phải chuyển thành vị việc làm mới.

Nhiều nhà kinh tế giả định rằng khi vaccine làm dịu đi nỗi sợ hãi, mọi người sẽ hướng tới những trải nghiệm đã bị kìm nén lâu ngày. "Nếu tinh thần của mọi người được xoa dịu và một số hạn chế được dỡ bỏ, bạn có thể thấy chi tiêu tăng vọt", Ben May, nhà kinh tế toàn cầu tại Oxford Economics đánh giá, "Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và mức độ mà mọi người quay trở lại các hành vi bình thường. Điều đó rất khó biết".

3040 7
Một nhân viên y tế của Mỹ được tiêm vaccine Pfizer tại Trung tâm Bệnh viện Virginia vào ngày 16/12. Ảnh: NYT.

Nhưng nhiều quốc gia đang phát triển sẽ thấy mình đang sống ở một hành tinh khác. Mỹ tuyên bố bảo đảm 1,5 tỷ liều vaccine, trong khi EU có gần hai tỷ liều - đủ để tiêm chủng cho tất cả công dân của họ và hơn thế. Nhiều nước nghèo có thể phải đợi đến năm 2024 mới tiêm chủng đủ cho hết dân chúng.

Gánh nặng nợ nần cao hạn chế khả năng chi trả cho vaccine của nhiều nước nghèo. Các chủ nợ tư nhân đã từ chối tham gia vào sáng kiến hoãn nợ do Nhóm 20 người ủng hộ.

Viện trợ hứa hẹn từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tỏ ra đáng thất vọng. Tại IMF, chính quyền Trump đã phản đối việc mở rộng cái gọi là quyền rút vốn đặc biệt, tước đi nguồn lực bổ sung của các nước nghèo.

"Phản ứng của quốc tế đối với đại dịch về cơ bản là rất đáng thương", chuyên gia Kozul-Wright làm việc tại Cơ quan thương mại Liên Hợp Quốc cho biết, "Chúng tôi lo lắng rằng khi chúng ta chuyển sang phân phối vaccine, chúng ta sẽ gặp lại điều tương tự".

Một yếu tố của quan hệ đối tác Act-Accelerator, hay còn gọi là Covax, nhằm cho phép các nước nghèo mua vaccine với giá cả phải chăng. Nhưng nó va chạm với thực tế là việc sản xuất bị hạn chế và bị kiểm soát bởi các công ty hoạt động vì lợi nhuận.

Mark Eccleston-Turner, chuyên gia về luật quốc tế và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Keele (Anh) cho biết, hầu hết mọi người trên thế giới sống ở những quốc gia mà họ dựa vào Covax để tiếp cận với vaccine. "Đó là một thất bại bất thường của thị trường. Tiếp cận với vaccine không dựa trên nhu cầu. Nó dựa trên khả năng thanh toán và Covax không khắc phục được vấn đề đó", ông nói.

Vào ngày 18/12, các lãnh đạo Covax công bố một thỏa thuận với các công ty dược phẩm nhằm cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình gần hai tỷ liều vaccine. Thỏa thuận, tập trung vào các ứng cử viên vaccine chưa được chấp thuận, sẽ cung cấp đủ liều để tiêm chủng cho 1/5 dân số ở 190 quốc gia vào cuối năm tới.

Theo TS Lombard, một công ty nghiên cứu đầu tư ở London, Ấn Độ là quê hương của các nhà dược phẩm đang sản xuất vaccine cho các công ty đa quốc gia, bao gồm AstraZeneca, nhưng dân số của nước này khó có thể được tiêm chủng đầy đủ trước năm 2024. Nền kinh tế của họ có thể vẫn dễ bị tổn thương.

Ngay cả khi nhiều người dân ở các nước nghèo không được tiếp cận với vaccine, nền kinh tế của họ có khả năng nhận được một số lợi ích lan tỏa từ các quốc gia giàu có khi họ trở lại bình thường.

Sức mua hồi phục ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, các mỏ đồng ở Chile và Zambia, đồng thời nâng cao xuất khẩu đậu nành ở Brazil và Argentina. Khách du lịch sẽ trở lại Thái Lan, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng một số người cho rằng sự tàn phá của đại dịch ở các nước nghèo, phần lớn không được kiểm soát bằng vaccine, có thể hạn chế thịnh vượng trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu gần đây của RAND Corporation, nếu các nước nghèo nhất không sử dụng vaccine, nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 153 tỷ USD mỗi năm.

"Bạn cần tiêm chủng cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu để có thể mở cửa trở lại thị trường toàn cầu", Clare Wenham, chuyên gia về chính sách y tế tại Trường Kinh tế London, nói. "Nếu mọi quốc gia trên thế giới có thể nói 'Chúng tôi biết tất cả những người dễ bị tổn thương đã được tiêm phòng', thì chúng ta có thể quay trở lại hệ thống thương mại toàn cầu nhanh hơn nhiều".

Phiên An (theo NYT)

Tranh chấp Tranh chấp "ai tiêm trước" trong bệnh viện New York

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Morgan Stanley truyền tai tin phòng tiêm vaccine Covid-19 ở tầng 9 không có bảo vệ, ai cũng có ...

Nga bất ngờ cắt giảm quy mô nghiên cứu vaccine COVID-19 Nga bất ngờ cắt giảm quy mô nghiên cứu vaccine COVID-19

Hôm 23/12, Bộ Y tế Nga quyết định cắt giảm quy mô nghiên cứu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 được phát triển trong nước và ngừng ...

/ vnexpress.net