Vaccine Covid-19 sẽ ra mắt vào năm 2021?

Cuộc đua nghiên cứu vaccine Covid-19 đang cực kỳ căng thẳng, nhiều chuyên gia dự đoán một hoặc nhiều vắc xin có thể ra mắt sớm nhất là vào đầu năm 2021

Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết các nhà khoa học đang "đạt được những tiến bộ tích cực" trong cuộc đua tìm ra vaccine ngừa COVID-19.

Nhiều vaccine tiềm năng đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và tất cả những ứng viên vaccine này đều cho thấy tính an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch, ông Ryan cho biết thêm.

Tuy nhiên, đại diện của WHO cũng thừa nhận rằng phải đến giai đoạn đầu của năm 2021, thế giới mới có thể bắt đầu đưa vaccine ngừa COVID-19 vào tiêm chủng cho người dân.

WHO khẳng định tổ chức này đang làm việc với các bên để gia tăng quy mô sản xuất các loại vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả và đảm bảo vaccine được chia sẻ công bằng giữa các nước.

Trước đó, hãng tin AFP ngày 20/7 đưa tin vừa xuất hiện 2 ứng viên vắcxin ngừa COVID-19 cho thấy an toàn dành cho người. Hai loại vaccine này đã tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh ở các bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Thử nghiệm đầu tiên được tiến hành với hơn 1.000 người trưởng thành ở Anh. Kết quả cho thấy vaccine đã tạo ra "các phản ứng miễn dịch tế bào T và kháng thể mạnh" chống lại COVID-19.

Một cuộc thử nghiệm riêng biệt khác ở Trung Quốc - với hơn 500 người - cũng cho thấy hầu hết họ đã phát triển phản ứng miễn dịch.

Hãng tin Tân Hoa xã tối 20/7 đã đưa ngay thông tin: "Một cuộc thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 2 của Trung Quốc cho thấy vaccine an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch".

Các nghiên cứu trên đều là các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 20/7. Đây được xem là một bước đi lớn trên chặng đường tìm ra vaccine COVID-19 hiệu quả và an toàn để sử dụng rộng rãi.

Các tác giả của các nghiên cứu nói rằng họ cũng gặp phải tác dụng phụ từ các ứng viên vaccine trên. Họ cảnh báo cần có thêm nghiên cứu, đặc biệt với những người có độ tuổi lớn hơn, những người có nguy cơ dễ tử vong vì COVID-19.

Hiện nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất vaccine trong nước, gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khả quan.

Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac) đang sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Để nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19, Ivac sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-Cov-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều vaccine trong thú y cũng như trong người. Chủng virus này được đánh giá thích ứng và phát triển tốt trên trứng gà có phôi.

Đối với đơn vị đã thử nghiệm lâm sàng thành công trên chuột, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, cho hay công ty đang sử dụng công nghệ vector Baculovirus trong phát triển vaccine Covid-19.

“Việc tiêm thử nghiệm trên chuột cho kết quả đáp ứng miễn dịch trung hòa của vaccine thấy rõ. Đặc biệt, vaccine có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại. Đây là điều quan trọng và cần thiết đối với vaccine”, ông Đạt cho hay.

Hiện Vabiotech trong quá trình phát triển chủng sản xuất và tế bào ở quy mô công nghiệp. Trong tháng này, Vabiotech sẽ nhận chủng sản xuất ở quy mô GMP.

Đơn vị thứ 3 là Polyvac, đang sử dụng công nghệ tái tổ hợp sử dụng vector virus sởi. Đơn vị thứ 4 là Nanogen cũng đã nghiên cứu thành công một ứng cử viên vaccine subunit dựa trên protein Spike (S) của virus SARS-CoV-2 và đã thử nghiệm gây đáp ứng miễn dịch trên chuột.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho hay, Việt Nam là một trong 142 quốc gia có thể sản xuất được vaccine .

Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập quỹ vaccine để tiếp cận vắc xin nhanh nhất, bảo đảm cho người dân được bảo vệ tốt nhất. "Việt Nam kỳ vọng sẽ có vaccine Covid-19 nửa cuối năm 2021", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng.

Các loại vaccine nói trên là một trong số ít nhất 100 loại vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 đang được nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 23 loại vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng giới chuyên gia vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách thức cơ thể con người phản ứng sau khi bị nhiễm virus. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất, đó là liệu những kháng thể được tạo ra có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị tái nhiễm hay không.

PV (th)

vaccine covid 19 se ra mat vao nam 2021 Mỹ chi 1,95 tỷ USD đặt mua 100 triệu liều vắcxin phòng COVID-19
vaccine covid 19 se ra mat vao nam 2021 Covid-19: Thế giới ghi nhận hơn 15,3 triệu ca mắc, 625.110 ca tử vong
vaccine covid 19 se ra mat vao nam 2021 Thêm 7 chuyên gia Nga mắc Covid-19 đã được cách ly sau khi nhập cảnh
/ Nghề nghiệp và cuộc sống