Trước sức ép ngày càng lớn của dịch vụ Uber, Grab, các hãng taxi truyền thống trở nên điêu đứng. Đầu tiên phải xác nhận giá sử dụng dịch vụ Uber rẻ hơn so với taxi truyền thống là có thật, thái độ phục vụ của các lái xe cho Uber và Grab cũng tỏ ra chuyên nghiệp và người tiêu dùng không bao giờ phàn nàn về quãng đường đi cũng như thời gian đợi.
Cũng vì điều này, một lượng khách hàng từ taxi truyền thống đã chuyển sang sử dụng dịch vụ Uber và Grab. Tuy nhiên, Grab và Uber có phải là “taxi công nghệ" không thì lại là một vấn đề.
Sự phán quyết mới đây từ Tòa công lý Châu Âu (ECJ) về dịch vụ này khiến cho Việt Nam phải nhìn nhận lại dịch vụ gọi Grab, Uber.
Trong phán quyết của mình, ECJ nhấn mạnh dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, “vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải” và vì thế phải được phân loại là “một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” trong khuôn khổ luật pháp của EU. Theo phán quyết của ECJ, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này.
Trong khi đó ở Việt Nam, từ ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông và Vận tải đã ban hành Quyết định 24 thí điểm hoạt động của taxi công nghệ. Theo văn bản này, Grab, Uber là các công ty cung cấp phần mềm kết nối đặt xe, sẽ hợp tác với các hãng xe có giấy phép vận tải hành khách theo hợp đồng để vận chuyển hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trên địa bàn thí điểm.
Quyết định 24 coi taxi Grab và Uber là hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây là hình thức kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa hãng xe và khách hàng. Hình thức này theo luật là hoàn toàn khác với loại hình vận tải taxi - hình thức có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi
Mới đây nhất trước các kiến nghị của Hiệp hội taxi, Bộ Giao thông vận tải một lần nữa khẳng định, Uber và Grab bản chất là xe vận tải theo hợp đồng do đó phải dán logo phía ngoài cho khách hàng nhận biết và phân biệt.
Thừa nhận rằng, các loại hình kinh doanh vận tải như Uber hay Grap là sản phẩm của công nghệ. Nhưng một số quy định chưa bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe thí điểm như Uber hay Grab đã khiến cho cuộc chiến của taxi truyền thống và Uber tại Việt Nam chưa dứt. Trong khi các xe thí điểm như Uber, Grab hiện nay không chịu ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế hoạt động, hay thời gian hạn chế hoạt động thì taxi truyền thống lại nặng gánh trước những áp lực này. Việc muốn thành lập cũng như vận hành một hãng taxi truyền thống chịu vô số loại giấy phép con từ số lượng, đến màu xe đến biển hiệu chưa kể phải mua các loại bảo hiểm hành khách, tai nạn thì mô hình thí điểm theo Uber hay Grab lại có cửa rộng hơn. Điều này dẫn đến thực tế việc quy hoạch số lượng phương tiện vận tải khó thực hiện, nguy cơ gây ùn tắc giao thông vẫn tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, doanh thu của Uber Việt Nam các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng. Phía Uber đã chủ động kê khai và nộp thuế là gần 76,9 tỷ đồng. Nhưng qua quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu xấp xỉ 66,7 tỷ đồng. Còn với Grab có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2014, với vốn điều lệ 20 tỷ nhưng hiện nay theo báo cáo của 3 năm của doanh nghiệp này cũng cho thấy lỗ 938 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia khẳng định, loại sản phẩm công nghệ như Uber và Grab thật sự đang làm đau đầu nhà quản lý.
Các câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn như liệu Grab, Uber sẽ giống các công ty đa quốc gia khác khi vào Việt Nam chấp nhận lỗ có lộ trình nhưng vẫn mở rộng quy mô để rồi thực hiện các cách thức chiếm lĩnh thị trường khác. Đại diện Tổng cục Thuế từng nói rằng” đó cũng là điều cần được cơ quan quản lý về vận tải suy ngẫm, đưa ra giải pháp xử lý vấn đề sớm, tránh tình trạng kéo dài sẽ gây hệ lụy cho DN trong nước, gây thất thu ngân sách”.
Nhìn chung Uber và Grab đã tận dụng được các ứng dụng của khoa học dẫn đến giá cước mềm hơn nên khách hàng ủng hộ. Nhưng ở góc độ quản lý, cần có một động thái dứt khoát hơn để tăng minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Uber và Grab là một minh chứng của cuộc cách mạng 4.0 đang ập đến. Và, quá trình chuyển đổi giao thời này gây ra những điều chỉnh chi phí xã hội có thể rất lớn. Hơn bao giờ hết, trong quá trình chuyển đổi này vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy cái mới, khuyến khích cái mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh theo hướng có lợi nhất cho người dân nhưng kèm với đó là khung khổ pháp lý và cách thức hỗ trợ DN cũng phải hợp lý để tạo cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần học hỏi để rồi đưa ra cách quản lý phù hợp nhất với thị trường nội địa. Tại Malaysia, Uber được công nhận là một “dịch vụ trung gian“, nghĩa là một công ty hỗ trợ việc tổ chức, đặt chỗ hoặc giao dịch thanh toán. Tại Singapore, Uber là một “nhà điều hành dịch vụ đặt xe cá nhân“. Còn tại Đài Loan (Trung Quốc) dịch vụ này được xem là “nền tảng tìm kiếm khách hàng”. Trong khi đó, luật pháp của Australia dùng các thuật ngữ “nhà cung cấp dịch vụ được uỷ quyền” hoặc “dịch vụ đặt chỗ“ để gọi Uber.
[eMagazine] Uber, Grab - 2 năm sóng gió tại Việt Nam
Vào Việt Nam chỉ vài năm nay nhưng 2 doanh nghiệp Uber, Grab đã tạo ra sự sôi động và thay đổi thói quen người ... |
2 năm thí điểm Uber, Grab: Cuộc chiến tìm kiếm sự rõ ràng
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định Uber, Grab đã mang tới nhiều tích cực, tuy nhiên cần xác định rõ ràng Uber, Grab ... |