Ukraine yêu cầu sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết đất nước

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết, Kiev và Washington đang bàn bạc cách nhằm sử dụng tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Trả lời phỏng vấn CBS hôm 24/4, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết, Kiev và Washington đang thảo luận về phương án nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp tài chính cho Ukraine.

pet_7640_800x520-1647396306028 (1)
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal

"Chúng tôi đang trao đổi với Mỹ và với tất cả các đối tác của chúng tôi. Đây là một vấn đề và nhiệm vụ quan trọng có tầm quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp nhằm sử dụng tài sản đóng băng (của Nga) và khôi phục tài chính cho Ukraine", ông Shmygal nói.

Theo ông Shmygal, Ukraine cần hỗ trợ tài chính khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng và cho biết, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều đồng thuận với con số này.

"Chúng tôi đã thảo luận với các nước G20, bộ trưởng tài chính của các quốc gia đó, các tổ chức tài chính quốc tế. Tất cả họ đều đồng thuận với con số này và tất cả họ đều cho rằng cần phải hỗ trợ nhân đạo cho những người phải di tản vì xung đột", Thủ tướng Ukraine nói.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay, Washington chưa chắc chắn rằng liệu tài sản bị tịch thu của Nga có thể được sử dụng để hỗ trợ Ukraine hay không vì Washington cần phải cân nhắc những hậu quả của việc làm như vậy.

image-20210726094209-1
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen 

Tuần trước, đại diện Ngân hàng Thế giới ước tính, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến phía Kiev thiệt hại hơn 60 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Kinh tế của Ukraine dự kiến có thể sẽ sụt giảm 35% trong năm nay.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cuối tháng 3 cho hay chiến sự đã khiến nước này thiệt hại khoảng 564,9 tỷ USD, nếu tính cả thất thu về thương mại và kinh doanh. Ước tính độc lập của Trường Kinh tế Kiev (KSE) cũng cho rằng Ukraine thiệt hại khoảng 600 tỷ USD trong hơn một tháng chiến sự, gấp ba lần GDP nước này trong năm 2021.

524eef41-27f0-43a1-9012-d2a1a39f
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh áp đặt nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Các nước phương Tây đang đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva. Ngân hàng Trung ương Nga sau đó thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và tăng lãi suất để củng cố đồng ruble.

PV (t/h) / Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống