Ukraine lên tiếng sau điện đàm Trump - Putin, châu Âu tỏ thái độ tích cực

Ông Zelensky cho biết sẽ cân nhắc một cuộc họp cấp cao giữa Ukraine, Nga, Hoa Kỳ, EU và Anh để sớm thúc đẩy hòa bình tại Ukraine sau điện đàm với ông Trump.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 19/5 cho biết Ukraine và các đối tác đang xem xét khả năng tổ chức một cuộc họp cấp cao với sự tham gia của Ukraine, Nga, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Sẽ có cuộc họp cấp cao giữa Ukraine, Nga, Mỹ, EU và Anh

“Chúng tôi đang cân nhắc việc triệu tập một cuộc họp cấp cao của tất cả các bên liên quan,” Tổng thống Zelensky phát biểu với các phóng viên tại Kiev sau hai cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông hy vọng cuộc gặp có thể diễn ra sớm nhất có thể và có thể được tổ chức bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 19/5 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 19/5 (Ảnh: Reuters)

Ông cho hay đã có cuộc trao đổi riêng với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Hai (19/5) trước khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó, các nhà lãnh đạo Pháp, Phần Lan, Đức, Italia và đại diện Liên minh châu Âu cũng tham gia vào cuộc thảo luận chung.

Theo ông Trump, sau cuộc gọi với ông Putin, Nga và Ukraine “sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán” nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn.

Tổng thống Zelensky cho biết, trong cuộc gọi đầu tiên với ông Trump, ông đã nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn, yêu cầu tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời cảnh báo các đồng minh không nên đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Moskva mà không có sự tham gia và đồng thuận của Kiev.

Tôi đang rất tập trung. Đây là thời điểm đầy thử thách đối với chúng tôi", ông Zelenskiy chia sẻ.

Tổng thống Zelensky cũng xác nhận Ukraine và Nga đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul vào tuần trước, theo đề xuất từ phía Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận này cho thấy khoảng cách lớn giữa hai bên về cách thức và lộ trình chấm dứt cuộc chiến, vốn đã kéo dài sang năm thứ tư.

 

Ông Zelensky cho biết ông kỳ vọng Liên minh châu Âu sẽ sớm công bố một gói trừng phạt mới “mạnh mẽ” nhằm vào Nga, mặc dù chưa đưa ra chi tiết cụ thể. Đồng thời, ông kêu gọi Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Nga, nhằm làm giảm nguồn thu phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Moskva

Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ hy vọng rằng một thỏa thuận trao đổi tù nhân quy mô lớn - vốn đã được nhất trí về nguyên tắc trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tại Istanbul - sẽ được thực hiện trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Châu Âu hoan nghênh các cuộc đàm phán Nga-Ukraine tại Vatican

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhấn mạnh sự thống nhất giữa châu Âu và Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine trên con đường hướng tới một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông cũng lưu Italia rằng Nga vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự và tỏ ra thận trọng với các đề xuất ngừng bắn.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, chính phủ Italia nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc xung đột tại Ukraine.

“Hiện nay, công việc đang được tiến hành để ngay lập tức khởi động các cuộc đàm phán giữa các bên, với mục tiêu sớm đạt được một lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng, bền vững tại Ukraine,” tuyên bố nêu rõ.

Chính phủ Italia cũng đánh giá tích cực việc Đức Giáo hoàng bày tỏ sẵn sàng đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán tại Vatican, coi đây là một tín hiệu tích cực trong tiến trình hòa bình. “Italia sẵn sàng đóng vai trò của mình để tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc và hỗ trợ mọi nỗ lực vì hòa bình”, tuyên bố nhấn mạnh.

Trong khi đó, Vatican, dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Leo XIV, người Mỹ đầu tiên giữ vị trí này, đã bày tỏ cam kết thúc đẩy đối thoại và hòa bình trên toàn cầu. Giáo hoàng Leo XIV cho biết Vatican luôn sẵn sàng giúp đỡ trong việc đưa các bên thù địch lại gần nhau để đối thoại, nhằm tìm kiếm hy vọng và khôi phục phẩm giá của hòa bình.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, việc các bên liên quan đang xem xét tổ chức một hội nghị cấp cao với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. Việc lựa chọn địa điểm tổ chức, như Vatican, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

https://vtcnews.vn/ukraine-len-tieng-sau-dien-dam-trump-putin-chau-au-to-thai-do-tich-cuc-ar944117.html

Cẩm Lai(Nguồn: Reuters) / VTC News