Ukraine hứng tên lửa liên tục, Đức mua 17 hệ thống phòng không Iris-T để cấp cho Kiev

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Đức sẽ không từ bỏ hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cam kết viện trợ Kiev thêm nhiều bệ phóng tên lửa phòng không.

"Sự hỗ trợ của Đức cho Ukraine sẽ không dừng lại. Chúng tôi đã nêu các điều khoản, ký kết các thỏa thuận (quốc phòng) và đảm bảo nguồn tài trợ kịp thời để Ukraine có thể tiếp tục dựa vào chúng tôi trong tương lai", Reuters ngày 4/9 dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.

Đức mua 17 hệ thống phòng không Iris-T để chuyển cho Ukraine -0
Thủ tướng Đức Scholz và các quan chức quốc phòng thăm khu vực triển khai tên lửa Iris-T trên lãnh thổ Đức ngày 4/9. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, ông Scholz cũng tuyên bố, Đức sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không để chống đỡ đòn tập kích của Nga. Tờ KyivIndependent dẫn lời ông Scholz nói rằng, Berlin đã đặt hàng 17 hệ thống phòng không Iris-T để chuyển cho Kiev trong tương lai.

Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Đức trở thành quốc gia châu Âu cung cấp viện trợ lớn nhất cho Ukraine. Trong đó, Berlin cam kết gửi cho Ukraine ít nhất 12 tổ hợp IRIS-T SLM tầm trung. Đến nay, 4 tổ hợp đã được chuyển giao và dự kiến ít nhất hai hệ thống nữa sẽ được đưa sang Ukraine ngay trong năm 2024, theo Reuters.

"Tại Ukraine, IRIS-T đã bắn hạ hơn 250 tên lửa, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Hệ thống phòng không này đã cứu vô số sinh mạng, với tỷ lệ trúng đích ấn tượng là 95% hoặc thậm chí cao hơn", Thủ tướng Scholz quả quyết.

Cùng ngày, một quan chức chính phủ Đức giấu tên nói với Bloomberg rằng, dựa vào các thoả thuận cũ và mới, đến năm 2026, Ukraine sẽ nhận được tổng cộng 24 hệ thống IRIS-T từ Đức, trong đó có 12 hệ thống tầm trung SLM và 12 hệ thống tầm ngắn. 

Tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM có tầm bắn xa 40 km và đủ sức bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước các cuộc tấn công từ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái hoặc tên lửa.

Mỗi tổ hợp Iris-T thông thường sẽ gồm một xe chỉ huy, một đài radar đa năng cùng ba xe phóng với tối đa 24 quả đạn sẵn sàng chiến đấu. Radar TRML-4D có thể theo dõi tối đa 1.500 mục tiêu với tầm hoạt động lý thuyết 250 km. Giá một hệ thống Iris-T vào khoảng 150-200 triệu USD.

Cùng với Patriot, Iris-T được coi là một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất của Ukraine, giúp nước này lấp khoảng trống phòng thủ sau khi nhiều tổ hợp S-300 và Buk-M1 từ thời Liên Xô bị Nga phá hủy trong giao tranh.

Hiện chưa rõ Ukraine còn vận hành bao nhiêu hệ thống Iris-T. Thành phần của ít nhất 4 hệ thống phòng không loại này đã bị Nga đánh trúng trong các cuộc tập kích hồi tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 8/2024.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ukraine-hung-ten-lua-lien-tuc-duc-mua-17-he-thong-phong-khong-iris-t-de-cap-cho-kiev-i742630/

Thái An / cand.com.vn